Theo đó, Quốc hội đã nghe các tờ trình và báo cáo thẩm tra về dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; Việc bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 từ nguồn dự phòng chung tương ứng với nguồn tăng thu ngân sách Trung ương năm 2022 cho các nhiệm vụ, dự án đầu tư công và bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam từ nguồn dự phòng của kế hoạch đầu tư công trung hạn.
Sau khi nghe các tờ trình, báo cáo, Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ. Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An thảo luận tại Tổ 3 cùng đoàn Đại biểu Quốc hội các tỉnh: Bắc Kạn, Quảng Ngãi.
Liên quan đến dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, các đại biểu đồng tình sự cần thiết ban hành nghị quyết để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, nâng cao hiệu quả thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; đồng thời trao đổi một số ý kiến về các nội dung dự thảo nghị quyết.
Đối với quy định về điều chỉnh dự toán ngân sách Nhà nước, điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn hàng năm, đại biểu Võ Thị Minh Sinh – Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đề nghị quy định rõ hơn cho các địa phương trong quá trình thực hiện.
Cụ thể, đối với thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 và kế hoạch các năm trước chuyển sang năm 2024 của các chương trình mục tiêu quốc gia đại biểu, đề nghị xem xét giao cho HĐND tỉnh có thẩm quyền trường hợp điều chỉnh kế hoạch làm thay đổi tổng vốn các chương trình mục tiêu quốc gia đặt ra; đồng thời xem xét thẩm quyền cho UBND cấp tỉnh, cấp huyện theo phân cấp trường hợp điều chỉnh các dự án không làm thay đổi tổng vốn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia được giao.
Còn đại biểu Thái Thị An Chung – Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Nghệ An nhận định việc ban hành nghị quyết này cần thiết, quy thực tiễn giám sát cần thiết.
Liên quan đến cơ chế, chính sách đặc thù trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia; đại biểu Thái Thị An Chung đồng tình giao HĐND cấp tỉnh quyết định phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách Trung ương hàng năm của từng chương trình mục tiêu quốc gia chi tiết đến dự án thành phần. “Trường hợp cần thiết, HĐND tỉnh quyết định phân cấp cho HĐND cấp huyện quyết định phân bổ chi tiết đến từng dự án thành phần thuộc chương trình mục tiêu quốc gia.
Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, nếu đã thực hiện mở rộng phân cấp thì nên bổ sung thêm quy định ủy quyền cho UBND cấp tỉnh trong việc phân bổ chi tiết trong từng dự án thành phần.
Về ban hành quy định trình tự, thủ tục, tiêu chí, mẫu hồ sơ lựa chọn dự án phát triển sản xuất, đại biểu Thái Thị An Chung cho biết: Trong báo cáo đánh giá tác động của Chính phủ thì đến nay 44/52 địa phương đã có nghị quyết, còn 8 địa phương chưa ban hành.
Do đó, đối với các địa phương đã có nghị quyết của HĐND tỉnh về nội dung này, vị đại biểu đoàn Nghệ An đề nghị cho phép HĐND cấp tỉnh có thể áp dụng trình tự thủ tục rút gọn khi sửa đổi, bổ sung quy định trình tự thủ tục, để đảm bảo tiến độ nhanh hơn.
Tuy nhiên, về lâu dài, đại biểu đề nghị nên nghiên cứu sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo hướng giao UBND quy định về trình tự, thủ tục hành chính sẽ hợp lý hơn; thay vì giao cho HĐND tỉnh như hiện nay.
Liên quan quy định sử dụng ngân sách Nhà nước trong trường hợp giao chủ dự án phát triển sản xuất tự thực hiện việc mua sắm hàng hóa cho hoạt động phát triển sản xuất, dự thảo nghị quyết quy định, “chủ dự án phát triển sản xuất được giao thực hiện việc mua sắm hàng hóa từ nguồn vốn hỗ trợ của ngân sách Nhà nước được quyết định phương thức mua sắm hàng hóa”.
Đại biểu Thái Thị An Chung bày tỏ băn khoăn với nội dung quyết định về “phương thức mua sắm hàng hóa” hay “hình thức mua sắm hàng hóa” vì thực tế vừa thông qua Luật Đấu thầu (sửa đổi) thì “hình thức mua sắm hàng hóa” khác với “phương thức mua sắm hàng hóa”. Do vậy, vị đại biểu đoàn Nghệ An đề nghị nghiên cứu sửa đổi thành “phương thức mua sắm”.
Ngoài ra, ý kiến các đại biểu đoàn Nghệ An cũng đề cập nhiều nội dung khác. Trong đó, đại biểu Phạm Phú Bình – Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, đại biểu đoàn Nghệ An nêu ý kiến cần quy định tường minh hơn về quản lý, sử dụng tài sản hình thành từ dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đảm bảo sự nhất quán về cách hiểu.
Cũng tại phiên thảo luận, đại biểu đoàn Nghệ An cũng có ý kiến liên quan đến việc bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 từ nguồn dự phòng chung tương ứng với nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022 cho các nhiệm vụ, dự án đầu tư công và bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam từ nguồn dự phòng của Kế hoạch đầu tư công trung hạn.
Chiều nay, Quốc hội sẽ tiến hành thảo luận tại Hội trường Diên Hồng về 2 nội dung trên.