Chiều 21/9, dưới sự chủ trì của đồng chí Trần Hồng Hà – Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến về đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023.
Tỷ lệ giải ngân chưa cao
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng kế hoạch vốn ngân sách nhà nước năm 2023 được Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ giao cho 29 bộ, ngành, cơ quan Trung ương, địa phương là 241.088,964 tỷ đồng (130.238,996 tỷ đồng vốn ngân sách Trung ương trong nước, 16.215,922 tỷ đồng vốn nước ngoài và 94.634,064 tỷ đồng vốn ngân sách địa phương).
Đến hết tháng 8/2023, tổng số vốn đã giải ngân của 29 cơ quan bộ, ngành Trung ương: 104.915,882 tỷ đồng (63.380.685 tỷ đồng vốn ngân sách trong nước, 58.615,278 tỷ đồng vốn nước ngoài và 41.535,197 tỷ đồng vốn ngân sách địa phương) đạt 43,52% (cao hơn mức bình quân của cả nước là 39,41%).
Tuy nhiên, tỷ lệ này không đồng đều giữa các cơ quan Trung ương; chủ yếu là do một số cơ quan sử dụng vốn lớn có kết quả giải ngân cao (Bộ Giao thông vận tải, thành phố Hà Nội); trong khi đó, các cơ quan còn lại có tỷ lệ giải ngân rất thấp. Có 10/29 cơ quan giải ngân trên mức trung bình cả nước, trong 19/29 cơ quan còn lại có 6 cơ quan giải ngân rất thấp (dưới 10%).
Trao đổi tại hội nghị, ý kiến các bộ, ngành và địa phương phản ánh những khó khăn, vướng mắc liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, do đặc thù về nguồn vốn của chương trình, việc giao kế hoạch vốn cho các dự án phải tổng hợp báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét, cho ý kiến trước khi trình Chính phủ quyết định giao Kế hoạch vốn cho các dự án nên tiến độ kéo dài.
Các ý kiến phản ánh về vướng mắc trong quy định về điều hòa linh hoạt giữa các nguồn vốn từ chương trình phục hồi phát triển kinh tế – xã hội với nguồn vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 -20 25; vướng mắc trong việc giải ngân từ nguồn sắp xếp, xử lý nhà đất; khó khăn về nguồn vật liệu, một số trình tự thủ tục kéo dài, một số khó khăn mang tính đặc thù,…
Phát huy hết tinh thần, trách nhiệm
Thực hiện chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, 3 chương trình mục tiêu quốc gia và chương trình phục hồi phát triển kinh tế- xã hội, 9 tháng đầu năm, tỉnh Nghệ An đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
Theo đó, tổng kế hoạch đầu tư công năm 2023 tỉnh Nghệ An được Thủ tướng Chính phủ giao là 9.033,5 tỷ đồng, tính đến ngày 31/8/2023, đã giải ngân 4.145 tỷ đồng, đạt 45,88% kế hoạch, cao hơn so với bình quân cả nước (ước đạt 42,35%/kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; 39,41%/tổng kế hoạch).
Đến ngày 10/9/2023, đã giải ngân đạt 47,07% kế hoạch, trong đó: Một số nguồn giải ngân đạt khá như Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (73,87%), ngân sách địa phương (54,02%). Dự án trọng điểm liên vùng đường ven biển có tiến độ thực hiện và giải ngân tốt (đạt 67,49%),…
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh, giải ngân vốn đầu tư công là vấn đề hết sức quan trọng, nhằm đảm bảo ổn định và phát triển kinh tế – xã hội; là chỉ tiêu đánh giá năng lực chỉ đạo, điều hành.
Phân tích những nguyên nhân khó khăn, vướng mắc, những khó khăn đối với các dự án nguồn vốn của nước ngoài giải ngân chậm. Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần quyết tâm, tập trung nỗ lực của hệ thống chính trị với nhiều giải pháp đồng bộ để đạt được mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công đã đề ra.
Liên quan đến các vướng mắc do dự án chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư, theo Phó Thủ tướng các bộ, ngành, địa phương cần chủ động đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện thủ tục đầu tư; các cơ quan thụ lý được lấy ý kiến cần khẩn trương xem xét, xử lý hoặc trả lời đúng hạn.
Đối với các vướng mắc liên quan đến Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội (điều hòa linh hoạt, kéo dài thời gian giải ngân), trước mắt đề nghị các bộ, cơ quan đẩy mạnh giải ngân tối đa như đã cam kết trong quá trình xây dựng danh mục sử dụng nguồn vốn này.
Đối với các cơ quan có tỷ lệ giải ngân quá thấp đề nghị tăng cường đôn đốc khẩn trương đề xuất phương án xử lý (điều chỉnh, cắt giảm kế hoạch vốn), gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo Chính phủ.
“Các bộ, ngành, địa phương cần quán triệt tinh thần chỉ đạo: Phát huy hết sức tinh thần trách nhiệm của tập thể, cá nhân, xem đây là nhiệm vụ chính trị hết sức quan trọng, nhiệm vụ cấp bách, là trách nhiệm với đất nước với nhân dân để tập trung giải ngân vốn đầu tư công”- Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh.
Phó thủ tướng yêu cầu, sau cuộc họp này, các ngành địa phương, cần rà soát lại các nguồn vốn, bằng giải pháp và cam kết cụ thể để tập trung cao độ cho công tác giải ngân cho từng nguồn vốn, dự án.