Câu chuyện về bắp ngô rẫy được Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan chia sẻ tại cuộc tọa đàm “Định hướng chiến lược phát triển kinh tế – xã hội miền Tây Nghệ An” do Bộ NN&PTNT phối hợp với tỉnh Nghệ An tổ chức vừa qua tại Hà Nội đã chuyển tải nhiều thông điệp sâu sắc về tư duy và năng lượng mới để đưa miền Tây Nghệ An phát triển.
TỪ BẮP NGÔ RẪY
ĐẾN TƯ DUY BÁN HÀNG
Mở đầu nội dung trao đổi tại cuộc tọa đàm, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ câu chuyện về bắp ngô rẫy từ huyện Kỳ Sơn được Bộ trưởng mang về trong chuyến công tác vừa rồi. Nhiều người ở Bộ lần đầu tiên được ăn, trong đó có cả người xứ Nghệ, và ai cũng khen rất ngon; cũng như niêu cá còm của người xứ Nghệ cũng vậy. “Điều đó muốn nói lên: nhiều khi mình thấy quanh quẩn ở nhà mình thì nó tầm thường, thấy nó không có giá trị, nhưng mà mình nên nhớ rằng mình “bán” cho người khác chứ không phải “bán” cho mình”.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh: Tư duy kinh tế, tư duy thị trường, hiện chúng ta vẫn “quanh quẩn sân nhà” thì không bao giờ giàu được. Tư duy thị trường cần chuyển từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế nông nghiệp; tư duy kinh tế là tư duy thị trường. Phải có tư duy bán hàng. Bây giờ cả Nghệ An muốn bán hàng thì bán bằng cách nào? Bán hàng bằng một câu chuyện, cảm xúc người ta mới quyết định mua hàng. Cái này không phải chỉ riêng Nghệ An mà là của cả đất nước chúng ta.
Gợi mở cách đi để “đưa tên mình đi xa”, Bộ trưởng dẫn tựa 3 cuốn sách: “Không có đỉnh quá cao; Không có sông quá dài; Không có biển quá sâu” để nhấn mạnh tư duy “chia nhỏ để đi”. Đường đi dài, nhưng chia ngắn từng quãng thì đường không còn dài nữa. Ví như 361 km chiều dài sông Lam qua từng địa phận, cần phải chia nhỏ lộ trình, tour hành trình để du khách có thể ở một tuần, ở một tháng để trải nghiệm miền di sản đa dạng, phong phú của sông Lam. Đỉnh núi muốn leo cao thì cũng phải leo từng chặng; mỗi chặng nên có một điểm dừng để du khách nghỉ ngơi, ở lại, rồi đi tiếp”.
CẦN LÀM NGAY
VÀ LÀM TỐT NHẤT VIỆC CÓ THỂ
Nói về phát triển miền Tây Nghệ An, Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định: Điều quan trọng là phải có ý chí, quyết tâm và thấy được giá trị tiềm năng, lợi thế của mình. Nghệ An có những tiềm năng, lợi thế về rừng, về biển. Bởi vậy cần xem cái gì có thể làm được thì làm ngay và làm tốt nhất cái đó. Những cái gì còn có băn khoăn, thì Bộ NN&PTNT với tỉnh cùng ngồi lại, thảo luận sâu, đảm bảo làm hiệu quả, an toàn. Có thể kéo doanh nghiệp làm du lịch biển lên phía Tây, tạo chiến dịch “Tây tiến”; lấy sức mạnh của biển để “nuôi” rừng.
Bản thân phía Tây không phải nhất thể mà mỗi địa phương trong vùng có một địa hình và tính chất riêng. Vì vậy, cần quan tâm quy hoạch liên xã, liên huyện khu vực phía Tây của tỉnh. Quy hoạch không gian càng lớn thì tư duy mới lớn; nếu chỉ quy hoạch “gói gọn” trong xã đó có bao nhiêu tài nguyên thì sẽ “nằm” trong vòng luẩn quẩn. Ví dụ, trong trồng cây dược liệu dưới tán rừng, không nên tư duy trồng để xoá đói, giảm nghèo mà phải tư duy đây là ngành công nghiệp dược liệu, được chuẩn hóa tất cả quy trình sản xuất, chế biến, tiêu thụ để quy hoạch.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng gợi mở tư duy mới: huyện Kỳ Sơn chỉ có 1% đất bằng phẳng, còn lại 99% đồi núi. Bởi vậy, làm nông nghiệp hiện nay không nên theo diện tích mà cần theo khối tích. Đó là một trong những cách làm mà sắp tới Bộ sẽ triển khai ở miền Tây Nghệ An. Hay việc tái định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số ở miền núi, khi đất ở bằng phẳng vô cùng hạn chế thì cần quy hoạch, chia nhỏ các khu tái định cư 20 – 30 hộ, kết hợp đầu tư, hướng dẫn cho bà con để hình thành bản du lịch mới. Ví dụ như ở bản Thái Hải, ở tỉnh Thái Nguyên chỉ có 30 ngôi nhà người Tày, từ già đến trẻ chỉ hơn 150 người. Nhưng mỗi ngày cuối tuần bản Thái Hải có thể đón 2.000 khách du lịch trong và ngoài nước và đã được Tổ chức Du lịch thế giới vinh danh về mô hình du lịch giữ gìn bản sắc cộng đồng.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định: Bộ NN&PTNT sẽ cùng Nghệ An nỗ lực, đầu tiên là làm cái gì có thể làm được, không phụ thuộc vào nguồn lực Nhà nước mà cần thu hút nguồn lực từ các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp con em Nghệ An hướng về quê hương. Cần tránh việc “vẽ” ra dự án “to đùng”, khi kẹt vốn thì phải “bỏ ngang”. Tư duy thị trường, tư duy Nhà nước và tư duy xã hội phải gắn chặt với nhau để phát huy các nguồn lực.
Bộ trưởng cũng cam kết: “Bộ cùng Nghệ An gạch từng đầu dòng, Nghệ An làm gì? Bộ làm gì? hai bên phối hợp nhau làm như thế nào? Trước tiên phải làm được từng cái đó, để chứng minh về một cách làm khác, cách làm mới nhằm vượt qua rào cản thể chế khi chưa có sự thay đổi trước mắt”.
BÌNH TĨNH LÀM VỚI TƯ DUY
VÀ NĂNG LƯỢNG MỚI
Bộ trưởng Lê Minh Hoan đặt niềm tin về “dàn” đội ngũ cán bộ các huyện miền Tây Nghệ An với tư duy, ý chí quyết tâm mạnh mẽ, muốn thoát ra cái cũ, cái hiện tại để phát triển. Tuy nhiên cũng nên tránh biểu hiện nóng vội, chủ quan; mà cần bình tĩnh để làm với một tư duy, năng lượng mới. Cần nghiên cứu kỹ cái gì làm được thì hãy làm tốt nhất cái đó, như đối với diện tích rừng sản xuất; còn khi cơ chế được mở ra thì hãy tính đến khai thác, phát huy, phát triển trong rừng đặc dụng, khu sinh quyển. Còn nếu cứ tư duy không làm được do thể chế, thì mãi mãi không ra được. Đây chính là “phép thử” cho cán bộ lãnh đạo của các địa phương, như Thủ tướng Chính phủ đã nói: Liên kết vùng để đi chung nhưng không triệt tiêu sự năng động của các địa phương. Phải có một không gian cho đổi mới sáng tạo, năng động của địa phương.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan thẳng thắn: Các địa phương không nên với tư duy “đi xin” mà phải chủ động xây dựng, đề xuất một “tập” ý tưởng, dự án muốn làm trên cơ sở luận cứ khoa học, thực tiễn và tầm nhìn, để thuyết phục tháo gỡ chủ trương, thu hút doanh nghiệp đầu tư. Như nếu cứ xin mở “cửa rừng” để trồng dược liệu thì khó. Khi chuẩn bị tốt các “tập” ý tưởng, dự án, Bộ NN&PTNT cũng sẽ có căn cứ để đi “gõ cửa” các cơ quan, doanh nghiệp. Bởi suy cho cùng, công tác quản lý Nhà nước và đầu tư của doanh nghiệp phải bắt đầu từ sự hiệu quả, an toàn, tránh “ngồi chờ” tháo gỡ thể chế. Khi có quyết tâm, tư duy mới, năng lực, năng lượng mới, cái gì cũng có giải pháp để giải quyết và làm được.