Chăng nilon ngăn chuột, giữ đủ nước chống rét cho cây lúa
Ngày 22/1, thời tiết chuyển rét, gió mạnh làm dải nilon chăng xung quanh ruộng để chống chuột bị tốc, đổ, chị Nguyễn Thị An ở Thanh Chương ra đồng để đóng lại cọc, chăng lại nilon.
“Lúa mới gieo được 2 ngày nay, trước khi gieo tôi đã tăng thêm phân chuồng, lân bón ruộng để giữ ấm cho lúa. Trên ruộng, tôi để nước vừa đủ để giữ ấm và giúp lúa phát triển. Khi lá lúa lên khoảng 3-4 phân mà trời vẫn rét thì sẽ phun thuốc kích thích để tăng sức đề kháng, chống rét và giúp cây lúa ra rễ”, chị An cho biết.
Ông Lê Đình Thanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương cho hay: Trước đợt rét này, Thanh Chương đã gieo cấy được trên 2.500 ha/8.500 ha lúa vụ xuân, trong đó khoảng 1/3 diện tích gieo thẳng. Dự kiến chúng tôi sẽ hoàn thành gieo cấy trước ngày 26/12 âm lịch. Trên đồng ruộng, gần như toàn bộ diện tích mạ đều được che phủ nilon nên hiện đang khá yên tâm. Hiện huyện đang chỉ đạo các xã tập trung khuyến cáo, hướng dẫn bà con giữ đủ nước trên ruộng để giữ ấm cho mạ và lúa mới gieo.
Ngay trong mưa rét, nhiều người dân ở các địa phương cũng đang tập trung ra đồng để thực hiện các biện pháp chống rét cho lúa vụ xuân. Trước khi gieo lúa, ông Vương Đình Nam ở khối Nam Thung, thị trấn Nam Đàn đã biết là sẽ có gió mùa lạnh nhưng vẫn phải gieo vì giống đã ngâm ủ 4 ngày, mộng đã lên, nếu không gieo giống cũng sẽ hỏng. Khó khăn trong việc chống rét của gia đình ông đó là lúa gieo thẳng nên các biện pháp chống rét cũng chỉ có thể là giữ đủ nước, bón thêm phân.
Ông Nam cho biết: Sản xuất vụ xuân năm nào cũng gặp mưa lạnh, nhiều năm đã phải gieo lại vì lúa bị chết rét. Nếu rét như thế này khoảng 1 tuần thì lúa sẽ bị hư nên tôi cũng đã chuẩn bị tinh thần mua giống dự phòng, nếu thiệt hại thì ủ thêm để gieo bổ sung. Cùng với rét còn phải tập trung chống chuột. Gieo lúa được 1 ngày, thấy chuột vào ăn lúa giống là phải mua nilon về chăng, đồng thời bỏ thuốc diệt chuột.
Gia đình có 4 sào ruộng, ông Lê Thanh Hải, khối Hạ Long, thị trấn Nam Đàn không gieo thẳng mà bắc mạ cấy từ ngày 5/1. Hiện tại, mạ đã bắt đầu có thể đưa ra cấy, thế nhưng trên ruộng mạ, nhiều đám mạ mọc lưa thưa vì bị chuột phá hoại, nhiều luống mất gần hết sạch, cách đây 5 ngày, ông phải đi mua thêm lúa giống để gieo lại hơn một nửa diện tích mạ.
“Chuột nhiều quá diệt không xuể. Mặc dù đã chăng nilon xung quanh ruộng, phủ nilon trên luống mạ, kiểm tra ngày mấy lần, bỏ thuốc diệt liên tục mà chuột vẫn vào phá hoại”, ông Hải chán nản.
Nhiệt độ xuống thấp, cũng như nhiều hộ nông dân khác, ông đang tạm dừng việc cấy lúa mà tập trung che chắn, chăm sóc cho diện tích mạ xuân, chờ khi thời tiết ấm lên mới đưa mạ ra cấy, tránh ảnh hưởng đến sinh trưởng phát triển của cây lúa giai đoạn đầu vụ.
Vụ xuân năm nay, huyện Nam Đàn gieo cấy gần 6.800 ha lúa. Theo ông Nguyễn Đình Thế, trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, thì đến nay đã gieo cấy được khoảng 4.500 ha, trong đó gieo thẳng hơn 3.000 ha. Trước khi bước vào sản xuất, huyện đã hỗ trợ thuốc, tổ chức chiến dịch diệt chuột bảo vệ sản xuất. Trên đồng hiện có một số diện tích mới gieo, một số mạ chuẩn bị cấy, hiện huyện đang tập trung khuyến cáo người dân các biện pháp chống rét cho lúa.
Theo dõi sát thời tiết để ứng phó kịp thời
Tính đến ngày 17/1, toàn tỉnh đã gieo hơn 1.677 mạ, diện tích lúa đã gieo cấy là trên 29.575 ha. Hiện tại, Nghệ An đang chịu ảnh hưởng của không khí lạnh, nhiệt độ thấp nhất về đêm và sáng sớm phổ biến từ 9 – 120 C. Rét đậm rét hại đúng vào thời điểm nông dân đang tập trung gieo cấy vụ xuân nên nếu không có các biện pháp phù hợp cây trồng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.
Theo ông Nguyễn Tiến Đức, Chi cục trưởng Chi cục trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh: Đối với những trà xuân cấy sớm, lúa đã bén rễ thì thời tiết rét như hiện nay không ảnh hưởng nhiều. Đáng lo ngại là diện tích mạ và lúa mới được gieo, những diện tích trà muộn đang chuẩn bị cấy và gieo sạ. Cơ quan chuyên môn khuyến cáo: Tuyệt đối không cấy, gieo sạ lúa vào những ngày rét đậm, rét hại (nhiệt độ trung bình ngày đêm dưới 150 C). Trường hợp giống đã ngâm ủ phải tiến hành hãm mộng chờ thời tiết ấm mới tiến hành gieo.
Không bón thúc đạm trong thời tiết rét đậm, rét hại mà cần tăng cường thêm tro bếp hoặc kali để tăng khả năng chống rét cho mạ. Khi nhiệt độ ngoài trời cao trên 150C, thực hiện mở nilon hai đầu luống, không mở hoàn toàn ngay tránh mạ bị sốc nhiệt, đêm giá lạnh tiếp tục đậy nilon.
Trên những diện tích lúa đã cấy và gieo thẳng: Luôn duy trì mực nước tối thiểu 2 – 3 cm để giữ ấm cho cây. Đối với diện tích lúa mới gieo sạ không tháo nước vào ruộng, duy trì ở rãnh, đảm bảo mặt luống luôn đủ ẩm.
Các địa phương phải theo dõi sát diễn biến thời tiết, thường xuyên kiểm tra, rà soát tình hình cây trồng bị chết do rét, đặc biệt đối với diện tích lúa gieo thẳng để hướng dẫn nông dân chuẩn bị giống ngắn ngày dự phòng, đồng thời có kế hoạch đăng ký với các đơn vị cung ứng giống nhằm chủ động giống khắc phục khi cần thiết.
Ngoài việc chống rét cho cây lúa- cây trồng chủ lực của vụ xuân, cơ quan chuyên môn cũng khuyến cáo nông dân tập trung chăm sóc, thực hiện các giải pháp chống rét cho các loại cây ăn quả, rau màu. Trong đó ngoài việc tăng cường tro bếp, các loại phân hữu cơ để tăng khả năng chống rét, thậm chí che chắn nilon chống rét, thì vào buổi sáng sớm nếu có sương muối, bà con nên sử dụng vòi phun nước có tia để phun rửa lá, tránh cháy lá, những diện tích đã đến kỳ thu hoạch thì nên thu hoạch sớm tránh thiệt hại.