Từ tháng 8 năm 2023, gia đình chị Lâm Cương (xóm 8, Nghi Lâm) nhập giống kiệu về trồng thử trên một phần diện tích trồng hành tăm trước đây. Đến gần cuối tháng Chạp, gia đình chị thu hoạch kiệu củ.
Theo chị Lâm, bước đầu trồng thử thấy cây kiệu thích hợp với đất trồng hành tăm (đất tơi xốp, giàu mùn, nhiều cát, dễ thoát nước, độ PH từ 6-6,5); đỡ tốn công chăm sóc hơn hành tăm, năng suất cao và thời gian thu hoạch kéo dài.
Kiệu có thể trồng quanh năm nhưng có 2 vụ chính; đặc biệt trồng vào tháng 9 và cho thu hoạch tháng 1, tháng 2, cây sinh trưởng phát triển tốt, cho năng suất cao bán vào dịp Tết Nguyên đán nên giá kiệu cao hơn.
Ông Nguyễn Sỹ Cương, người trồng kiệu tại xã Nghi Lâm cho biết: “Tốc độ sinh trưởng cây kiệu nhanh hơn cây hành tăm. Trồng cùng lứa với hành tăm mà đầu tháng Chạp đã cho thu hoạch kiệu cả cây, cuối tháng Chạp thì cho thu hoạch củ. Do nhu cầu kiệu để muối ăn Tết tăng cao nên giá kiệu cũng khá cao”.
Vụ này, cả xã có 5 hộ trồng thử nghiệm theo kiểu tự phát với 50kg giống kiệu được nhập về từ Bình Định. Theo ước tính, mỗi sào kiệu cho thu hoạch khoảng 3-3,5 tạ củ tươi, tính toán theo giá thị trường (35.000-40.000 đồng/kg), mỗi sào sẽ thu được 12 – 13 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi 9 – 10 triệu đồng.
Với lợi nhuận đạt được như trên, việc trồng kiệu vẫn thích hợp và hiệu quả hơn các loại cây trồng khác. Đặc biệt, trong những năm qua, khi hành tăm khó tiêu thụ thì việc chuyển đổi sang trồng kiệu thay thế cũng là một hướng đi. Tuy nhiên, địa phương cần tính toán quy hoạch cụ thể, hợp lý, tránh cung vượt quá cầu, khó tiêu thụ.