Làm gần 4 sào ruộng, sau khi thu hoạch xong lúa xuân, bà Hoàng Thị Huê ở xã Tào Sơn (Anh Sơn) đã thuê máy làm đất, gieo mạ để chuẩn bị gieo cấy vụ hè thu. Theo tính toán của bà Huê, trung bình mỗi sào lúa, cần khoảng 8 kg đạm Urê, 12 kg lân tổng hợp NPK 16.16.8, 10 kg lân tổng hợp 15.5.20 và 5 kg ka-li. Đầu vụ hè thu, giá đạm Urê giảm 1.000 đồng/kg, lân tổng hợp NPK và ka-li lại tăng nhẹ, do đó, bà không tránh khỏi lo lắng.
Bà Huê cho biết: “Mỗi sào lúa, tiền phân bón ở thời điểm giá cao lên đến 500.000 đồng/sào. Nay sắp bước vào vụ gieo cấy, giá đạm Urê giảm nhưng giá ka-li, lân tổng hợp lại tăng nhẹ. Chỉ mong giá cả bình ổn để giảm chi phí đầu vào”.
Riêng đối với những hộ làm ruộng nhiều, sản xuất lúa hàng hoá như gia đình ông Phan Xuân Toàn ở thôn 5, xã Nam Giang (Nam Đàn) thì việc giá phân bón tác động lớn đến lợi nhuận.
“Gieo cấy 3 mẫu ruộng, mỗi vụ chi phí phân bón lên đến gần 15 triệu đồng. Nay giá đạm đang giảm, giá NPK, ka-li đang có dấu hiệu tăng nên tôi tính mua trữ để bón cho vụ hè thu này, phòng khi nhu cầu tăng, thị trường sẽ tăng giá”.
“Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”, trong sản xuất nông nghiệp thì phân bón là yếu tố quan trọng nên muốn canh tác hiệu quả, năng suất thì phải đầu tư phân lân cho cây trồng.
Chuẩn bị bước vào gieo cấy lúa vụ hè thu, hiện, giá đạm Urê giảm mạnh song giá một số loại khác đang tăng nhẹ. Ghi nhận tại các đại lý phân phối, cửa hàng vật tư nông nghiệp ở Nghệ An cho thấy, những ngày qua, giá nhiều loại phân bón tiếp tục tăng nhẹ.
Chị Nguyễn Mơ -chủ cửa hàng vật tư nông nghiệp ở huyện Nam Đàn cho biết: “Giá phân bón so với cách đây 2 tháng có giảm. Giá phân bón Urê hiện giờ là 11.000 đồng/kg Urê Phú Mỹ Cà Mau, lân NPK, ka-li có dấu hiệu tăng nhẹ. Theo đó, giá lân NPK là là 6.000 đồng/kg (tăng 400 đồng/kg) và ka-li là 12.000 đồng/kg (tăng 800 đồng/kg)”.
Thời điểm này, nông dân bắt đầu xuống giống cho vụ hè thu. Các cửa hàng kinh doanh phân bón đang tập trung nhập hàng về để cung ứng cho bà con.
Theo kinh nghiệm kinh doanh phân bón lâu năm, anh Thái Viết Hải- một tiểu thương kinh doanh phân bón ở xã Đại Sơn (Đô Lương) cho biết: “Thường thì khi vào vụ, nhu cầu phân bón tăng nên rất có thể giá phân bón sẽ tăng cục bộ. Do đó, nhiều hộ dân có diện tích đất gieo trồng lớn đã chủ động mua phân bón trước để tránh tăng giá khi vào vụ”.
Bên cạnh đó, khi giá một số phân bón vô cơ tăng thì giá phân bón hữu cơ lại bình ổn, không thay đổi từ đầu năm đến nay. Theo đó, 1 bao khoảng 270.000 đồng/25 kg, hàm lượng hữu cơ khoảng 75%.
Do đó, một số nông dân tăng cường mua các loại phân bón hữu cơ sử dụng cho sản xuất để giảm chi phí. Đồng thời, tận dụng rơm rạ, phân của các loại vật nuôi và các phế, phụ phẩm trong nông nghiệp để làm phân bón hữu cơ phục vụ cho các loại cây trồng.
Ông Hồ Đình Thắng- Chủ tịch Hội Nông dân huyện Nam Đàn cho biết: “Nay thói quen sản xuất nông nghiệp của người dân đang có những chuyển biến tích cực. Theo đó, người dân đã biết tận dụng phụ phẩm nông nghiệp để ủ phân hữu cơ vi sinh, tăng cường phân xanh, phân chuồng và hạn chế sử dụng phân vô cơ. Một mặt, tiết kiệm được khoảng 30% chi phí phân bón, mặt khác, giúp cải tạo đất”.
Theo dự báo giá Urê trong nước năm 2024 có thể giảm nhẹ khoảng 3-5% so với năm 2023, các loại phân bón khác sẽ giảm 5-8% và theo xu hướng phân bón thế giới. Phân bón là mặt hàng không thể thiếu trong sản xuất nông nghiệp, do đó, bà con nông dân rất mong cơ quan chức năng quan tâm công tác bình ổn thị trường và tạo điều kiện để nông dân tiếp cận các sản phẩm phân bón chất lượng và có giá bán phù hợp.
Đồng thời, tăng cường kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp tăng giá bất hợp lý, cũng như buôn bán các loại phân bón giả, kém chất lượng.