Tăng tốc thu hoạch nguyên liệu
Bột sắn dây của huyện Nam Đàn đã được công nhận đạt chuẩn OCOP từ năm 2022, trong đó, vùng nguyên liệu sản xuất tinh bột sắn dây chủ yếu tập trung ở xã Nam Anh. Nơi đây, ngoài cây lúa, ngô, khoai, nông dân xã Nam Anh còn có nguồn thu khá lớn từ trồng cây sắn dây. Sau 11 tháng trồng, cây sắn dây thu hoạch bắt đầu từ tháng 11 đến hết tháng 2 hàng năm. Toàn huyện Nam Đàn có 300 ha trồng sắn dây, thì riêng ở xã Nam Anh đã có hơn 250 ha. Loài cây này rất hợp với thổ nhưỡng đất cát pha thịt ở các xứ đồng Nam Đàn, đặc biệt là vùng đất Nam Anh dưới chân núi Đại Huệ.
Vụ mùa năm 2023, hộ anh Trần Đình Sơn ở xóm 4 xã Nam Anh trồng 14 ha sắn dây. Vào vụ thu hoạch, anh thuê máy múc hỗ trợ đào củ sắn. Anh Sơn cho biết, năm nay bà con được mùa sắn dây, củ to và hầu như không sâu bệnh nhờ thời tiết ấm, ít mưa. Người trồng sắn dây ở Nam Anh cho biết, sắn được mùa, nhiều cây cho từ 20-30 kg củ. Với giá thu mua của Hợp tác xã Đại Huệ hiện nay là 19.000 đồng/kg, mỗi gốc cũng cho thu nhập 400 – 600 ngàn đồng.
Ông Bùi Văn Xuân trồng 2 ha sắn dây. Ông cho biết, năm nay thu hoạch sắn dây sát Tết cho gia đình khoản thu kha khá để sắm Tết. Với giá bán hiện tại, mỗi ha trồng khoảng 180 – 200 gốc sắn dây sẽ cho thu nhập khoảng 100 triệu đồng/ha. Tại xã Nam Anh, nhiều hộ có thu nhập cao từ trồng sắn dây như hộ ông Nguyễn Hữu Hướng ở xóm 5; hộ các ông Bùi Văn Xuân, Nguyễn Hữu Hà, Đoàn Quế Long, Trần Văn Hai ở xóm 4. Hộ ít thì trồng từ 1-3 sào, hộ nhiều thì 1,5 – 3 ha.
Dự kiến vụ mùa 2023, thu hoạch vào đầu năm 2024, huyện Nam Đàn đạt gần 200 tấn sắn dây tươi. Sắn sau khi thu hoạch được rửa sạch, xay nhỏ để lắng lọc lấy tinh chất, sản xuất bột sắn dây đạt chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh. Dịp Tết, nhu cầu tiêu thụ tăng mạnh, nên cơ sở sản xuất tinh bột sắn dây của anh Sơn cũng hoạt động hết công suất, thuê thêm 4 thợ so với ngày thường để kịp giao các đơn hàng Tết.
Nông sản OCOP tiêu thụ mạnh
Nhiều năm lại nay, với ưu thế về sản xuất nông nghiệp, cùng với việc huyện Nam Đàn đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, sự hoạt động năng động, thích ứng nhu cầu của thị trường của người dân, kinh tế nông nghiệp của huyện đã có nhiều khởi sắc theo hướng hàng hóa, nhất là phát triển các sản phẩm nông sản đạt chuẩn OCOP. Hiện nay, huyện Nam Đàn dẫn đầu toàn tỉnh về số lượng và chất lượng sản phẩm OCOP với tổng 73 sản phẩm đạt chuẩn từ 3 đến 4 sao. Trong đó, chủ yếu là sản phẩm nông sản chế biến thành thực phẩm như tinh bột sắn dây, tương, giò me, mật ong, gạo lứt, miến gạo, gà ủ muối, các sản phẩm từ sen quê Bác ….
Một trong những sản phẩm đặc trưng của Nam Đàn là tương, được nhiều hộ nông dân sản xuất theo kiểu truyền thống. Ví như chị Chu Thị Hà ở xóm 4, xã Nam Giang. Từ nhỏ đã gắn bó với hương vị tương Nam Đàn làm từ đậu nành, do chính tay người mẹ của mình sản xuất, chị Chu Thị Hà đã phát triển sản phẩm của gia đình thành hàng hóa, giới thiệu đến người tiêu dùng khắp cả nước. Người mẹ của chị, bà Nguyễn Thị Tuyết nay đã 85 tuổi, bước đi đã khó khăn do tuổi già sức yếu, nhưng bà vẫn “thăm” các chum ủ tương hàng ngày, sát cánh cùng con gái trong những công đoạn sản xuất tương Nam Đàn đặc trưng. Những kỹ thuật sản xuất tương đòi hỏi sự tỉ mỉ, chịu khó và giàu kinh nghiệm được bà Tuyết truyền lại cho con gái, và bà luôn hỗ trợ, cổ vũ con giữ nghề truyền đời của gia đình.
Hiện nay, với những tâm huyết và nỗ lực phối hợp cũng các cấp, ngành giữ gìn, phát triển thương hiệu sản phẩm OCOP tương Nam Đàn, cơ sở sản xuất của chị Chu Thị Hà đang từng bước đưa sản phẩm đến với người tiêu dùng cả nước. Dịp áp Tết, các đơn hàng tương tăng mạnh gấp đôi, gấp ba ngày thường, mỗi ngày chị đóng đơn hàng gửi đi các huyện trong tỉnh, các tỉnh trong nước từ 30-50 lít, có ngày cao điểm gần 100 lít. “Đến tầm 27 âm lịch thì chúng tôi tạm dừng các đơn hàng Tết, cũng là lúc các chum tương chín đã vơi. Sau Tết, gia đình lại bắt tay làm những mẻ tương tiếp theo”, chị Chu Thị Hà chia sẻ.
Chị Hà bày tỏ, ngoài nhập sản phẩm cho các đại lý, cửa hàng tạp hóa trong xã, huyện và một số huyện lân cận, bán phục vụ khách du lịch và qua lại trên địa bàn thì chị đang nỗ lực quảng bá trên các nền tảng mạng xã hội để tiếp cận các khách hàng ở các tỉnh, thành trong nước, đặc biệt là những người con quê Nam Đàn sinh sống, công tác xa quê hương. Chị Hồ Thị Hương – Chủ tịch HĐQT, kiêm Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp sản xuất và chế biến tương Sa Nam Hương Dương chia sẻ: Khoảng 2 tháng áp Tết Nguyên đán tương Sa Nam được khách hàng đặt ship tăng gấp đôi gấp 3 ngày thường. Không chỉ tiêu thụ nội địa tỉnh mà lan tỏa đi nhiều tỉnh, thành khác và thời gian tới tương Sa Nam sẽ đi vào nhiều siêu thị trên cả nước.
Ngoài ra, các sản phẩm OCOP làm từ sen với chất lượng tốt, mẫu mã bao bì bắt mắt đã trở thành quà Tết được nhiều người lựa chọn. Với 27 giống sen được trồng ngay trên quê hương Bác Hồ ở nhiều xã như Nam Anh, Nam Thanh, Nam Giang, Thượng Tân Lộc, Khánh Sơn…, người nông dân huyện Nam Đàn đã chế biến sen thành nhiều thức quà giá trị, tốt cho sức khỏe với 11 loại sản phẩm đạt chuẩn OCOP như trà lá sen, trà tâm sen, mứt sen,…
Ông Nguyễn Hồng Sơn – Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Nam Đàn cho biết, huyện luôn quan tâm hỗ trợ người dân xây dựng các sản phẩm OCOP đảm bảo chất lượng, mang đặc trưng của địa phương riêng có. Không chỉ phục vụ tiêu dùng, các sản phẩm OCOP còn hướng đến phục vụ du lịch, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Vì thế, các sản phẩm được lựa chọn đưa vào lộ trình xây dựng sản phẩm OCOP là những sản phẩm chủ lực, có thương hiệu và thị trường tiêu thụ trên địa bàn huyện, trên cơ sở đó lan tỏa ra thị trường ngoài huyện, ngoài tỉnh. Hiện huyện Nam Đàn đã có 19/19 xã, thị trấn có sản phẩm OCOP với tổng 73 sản phẩm.