Khi nhắc đến đặc sản lươn xứ Nghệ, người ta thường nghĩ đến huyện Yên Thành, tuy nhiên, hiện nay, các mô hình nuôi lươn đã bắt đầu xuất hiện tại một số địa phương khác. Tại huyện miền núi Tân Kỳ, mô hình nuôi lươn trong bể xi măng không bùn tại xã Nghĩa Đồng được đánh giá là thành công dù mới đưa vào thử nghiệm chưa lâu.
Chủ mô hình là ông Phan Kế Toại ở xóm 3, xã Nghĩa Đồng. Sau khi nghỉ hưu, ông bắt đầu với niềm đam mê nuôi trồng thuỷ sản. Sau khi tham khảo sách, báo và học tập tại các địa phương, ông quyết định xây dựng mô hình nuôi lươn không bùn trong bể xi măng từ cuối năm 2022.
Ông Toại cho biết: Hiện nay, lươn là đặc sản của tỉnh Nghệ An, có thị trường tiêu thụ rộng lớn, tuy nhiên, nếu chỉ dựa vào lươn đồng tự nhiên đi bắt truyền thống thì không thể đáp ứng được nhu cầu. Do đó, việc nuôi lươn, chủ động cung cấp nguồn lươn thương phẩm là một trong những hướng đi có thể mang lại hiệu quả kinh tế.
Với diện tích 1.000m2 đất, ông Toại đã xây dựng 75 bể xi măng, trong đó, có 10 bể để nuôi lươn giống, 65 bể nuôi lươn thương phẩm. Lươn giống được ông nhập về từ một số huyện như Quỳnh Lưu, Đô Lương hoặc tỉnh Bình Định. Mặc dù vậy, ngay từ lần đầu thử nghiệm, kết quả không như mong đợi.
“Lúc đầu nhập lươn về thấy lươn cũng thích ứng nhanh với môi trường, sống tốt, lớn khá nhanh. Tuy nhiên, trong năm 2023, do một số cánh đồng bên cạnh người dân phun thuốc bảo vệ thực vật, gió thổi vào các bể nuôi nên chỉ vài ngày sau, lươn chết đồng loạt. Sau lần đó, tôi rút ra được nhiều kinh nghiệm, đặc biệt là việc che chắn kỹ khu vực nuôi trồng…”, ông Toại chia sẻ.
Được biết, sau lần thất bại đó, ông Toại lại càng quyết tâm hơn và không từ bỏ đam mê. Những lứa lươn sau đều sinh trưởng tốt. Thời điểm thả giống đến khi thu hoạch từ 6 – 9 tháng. Điều đáng mừng là lươn xuất bán đến đâu đều được thương lái thu mua đến đấy, không chỉ bán nội tỉnh mà các nhà hàng, quán ăn ở trong Nam, ngoài Bắc đều liên hệ để đặt hàng với số lượng lớn.
Hiện nay, nếu bán lươn tươi sống chỉ có giá từ 120.000 – 160.000 đồng/kg tuỳ thời điểm nên ông Toại cũng đã đầu tư khu vực sơ chế, lươn sau khi thu hoạch sẽ được róc xương, cấp đông, cho vào bao bì, hút chân không, nhập đi các tỉnh, thành với giá từ 220.000 – 250.000 đồng/kg. Sau mỗi lứa thu hoạch hàng trăm kg, trừ chi phí cũng giúp ông Toại thu về hàng trăm triệu đồng.
Ông Toại nhấn mạnh: Nuôi lươn có nhiều ưu điểm là dễ nuôi, ít bệnh tật, nếu xuất hiện bệnh cũng dễ chữa, quan trọng nhất là đầu ra đảm bảo với giá cả ổn định, đây là điều quyết định đến sự sống còn của mô hình. Mặc dù vậy, để nuôi lươn thành công cũng cần lưu ý đến môi trường sống của lươn phải đảm bảo sạch, nguồn nước nuôi lươn phải sạch, ngoài ra, cần cân đối lượng thức ăn phù hợp để giảm chi phí.
Ông Lê Viết Quý – Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Kỳ cho biết: Trong số các mô hình nuôi trồng thuỷ sản trên địa bàn huyện thì mô hình nuôi lươn không bùn trong bể xi măng của ông Phan Kế Toại ở xã Nghĩa Đồng đã phát huy được hiệu quả kinh tế.
Thành công của mô hình này không những tạo nguồn thu nhập hiệu quả cho gia đình mà còn mở ra một hướng đi mới trong phát triển kinh tế, khích lệ tinh thần ham học hỏi đối với người dân trên địa bàn, góp phần vào việc xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương. Thời gian tới, huyện Tân Kỳ sẽ tiếp tục hỗ trợ bà con có nhu cầu nuôi lươn đi thăm quan, học tập kinh nghiệm để nhân rộng mô hình trên địa bàn./.