Xã Tường Sơn luôn là địa phương đi đầu trong phong trào sản xuất cây ngô vụ đông trên đất 2 lúa của huyện Anh Sơn. Trên cánh đồng ngô nếp bạt ngàn màu xanh ở thôn 7, xã Tường Sơn, ngay từ sáng sớm, bà con nông dân đã nhộn nhịp ra đồng thu hoạch.
Là một trong những hộ trồng nhiều ngô nếp ở thôn, anh Thái Bá Hùng chia sẻ: Trước đây, vào vụ đông, toàn bộ diện tích đất ruộng của gia đình anh đều bỏ hoang. Nhưng hiện nay, khi địa phương có chủ trương trồng ngô trên đất lúa, sau khi thu hoạch xong lúa hè thu, gia đình anh lại bắt tay ngay vào khâu làm đất để xuống giống ngô. Năm nay, gia đình anh trồng 3 sào ngô nếp, nhờ xuống giống sớm nên hiện nay sau 70 ngày chăm sóc, ngô đã cho thu hoạch.
Theo anh Hùng, sở dĩ gia đình anh xuống giống ngô nếp vì đây là loại cây cho năng suất cao, sau khi thu hoạch bông để bán, gia đình còn tận dụng được thân và lá cây làm thức ăn cho gia súc. Ngô nếp trồng ở vùng đất này vừa dẻo, vừa có vị thơm ngọt nên được thị trường trong và ngoài huyện ưa chuộng. Hiện tại, gia đình nhập cho thương lái từ 1.500 – 1.800 đồng/bắp, sau khi trừ chi phí, gia đình anh Hùng thu nhập từ 4- 5 triệu đồng/sào.
Những ngày này, gia đình chị Nguyễn Thị Lý ở thôn 7, xã Tường Sơn cũng đang bận rộn vào vụ thu hoạch dưa chuột trồng trên đất ruộng. Chị Lý chia sẻ: Những năm trước, khi sản xuất dưa chuột vụ đông, gia đình đều xuống giống bắt đầu từ tháng 11; khi vào vụ thu hoạch, do tất cả người dân trên địa bàn đều trồng cùng thời điểm nên cũng gặp khó khăn trong việc tiêu thụ. Năm nay, gia đình gieo sớm hơn, hiện nay đã có thu hoạch và bán được giá hơn. Hiện tại, với diện tích hơn 1,2 sào trồng dưa chuột, mỗi ngày gia đình chị hái được 5-6 yến. Với giá 15-20 nghìn đồng/kg, tính đến hết vụ dưa sau khi trừ chi phí, gia đình chị lãi 6 triệu đồng/sào.
Ông Nguyễn Tài Quý – Chủ tịch UBND xã Tường Sơn cho biết: Năm nay, toàn xã Tường Sơn sản xuất 147 ha ngô vụ 3 trên đất hai lúa và 40 ha rau màu, tập trung nhiều ở thôn 4, thôn 6, thôn 7, thôn 12. Đối với cây ngô, cùng với gieo trỉa ngô lấy hạt và cây làm thức ăn cho trâu, bò thì năm nay bà con cũng gieo trỉa ngô nếp để bán bông.
Để sản xuất ngô vụ 3 trên đất hai lúa đạt chỉ tiêu đề ra, ngay khi lúa hè thu mùa chín, UBND xã Tường Sơn đã tổ chức họp với các thôn để triển khai kế hoạch sản xuất cây vụ đông. UBND xã yêu cầu cán bộ công chức xã phụ trách các thôn thường xuyên bám sát địa bàn phụ trách, nắm bắt và báo cáo thường xuyên tình hình sản xuất cây vụ đông về UBND xã. Cùng với đó, giao cho Hợp tác xã phối hợp với Hội Nông dân xã chủ động liên hệ, bố trí và cung ứng giống đầy đủ, đảm bảo thời vụ cho nông dân. Với những cách làm trên, sản xuất cây vụ đông ở xã Tường Sơn giờ đã trở thành nền nếp, bà con nhân dân tự giác xuống đồng sản xuất. Những ngày này, bà con đang bước vào thu hoạch sớm một số loại cây trồng như ngô nếp, dưa chuột… với niềm vui được mùa, được giá. Giá cả ổn định như vậy, sau khi trừ các khoản chi phí, bà con thu nhập 80 – 100 triệu đồng/ha.
Cùng với xã Tường Sơn, ở xã Thạch Sơn, bà con nông dân cũng đang thu hoạch rau cải. Chị Nguyễn Thị Tam ở thôn 5, xã Thạch Sơn chia sẻ, vụ đông này gia đình trồng chủ yếu rau cải, rau bầu lấy ngọn, đậu cô ve và bắp cải. Đây là những cây trồng truyền thống của địa phương. Hiện tại, rau cải và rau bầu đã cho thu hoạch hơn 1 tuần nay, bình quân mỗi ngày gia đình chị hái 50 bó rau cải và 20 bó rau bầu, với giá từ 3.000 – 5.000 đồng/bó, cho thu nhập ổn định từ 200 đến 250 nghìn đồng. Sau khi trừ chi phí, bình quân 1 sào rau vụ đông sớm sẽ cho lãi khoảng 5 triệu đồng/sào, hiện nay gia đình đang tranh thủ chăm sóc các loại rau, củ, quả gối vụ nhằm cung ứng nguồn hàng rau xanh trong dịp Tết sắp đến.
Bà Nguyễn Thị Lan Anh – Chủ tịch UBND xã Thạch Sơn cho biết: Xã Thạch Sơn từ lâu có truyền thống sản xuất chuyên canh cây rau màu ở huyện Anh Sơn. Vụ đông năm nay, toàn xã có gần 20 ha diện tích trồng rau màu, hiện tại bà con đang bước vào vụ thu hoạch rau cải, rau bầu, giá cả đầu vụ đang ổn định, đầu ra thuận lợi. Hiện nay, giá bán rau cải tại ruộng là 3 nghìn đồng/bó, rau bầu 4 nghìn đồng/bó, với mức giá này, mỗi sào rau màu vụ đông sớm đang cho thu nhập bình quân từ 5 đến 6 triệu đồng.
Để sản xuất vụ đông đạt được kết quả cao, cấp ủy, chính quyền xã Thạch Sơn đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp thực hiện, tạo ra vùng cây rau màu chất lượng cao trên địa bàn. Đầu tiên là vận động bà con chuyển đổi diện tích đất kém hiệu quả sang trồng rau màu hàng hóa. Quy hoạch vùng, bố trí cơ cấu giống phù hợp, ưu tiên đưa các giống cây trồng mới có năng suất và giá trị kinh tế cao vào sản xuất, nhằm đa dạng hóa cây trồng, nâng cao thu nhập cho người dân. Tuyên truyền cho bà con áp dụng quy trình trồng, chăm sóc đảm bảo an toàn thực phẩm, sử dụng phân bón hiệu quả để nâng cao chất lượng sản phẩm.
Ông Nguyễn Văn Thái – Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Anh Sơn cho biết: Vụ đông năm nay, toàn huyện gieo trồng 2.878 ha, trong đó ngô đông 2.460 ha, 380 ha rau đậu bầu, bí các loại; 38 ha khoai lang. Hiện nay, một số loại cây trồng gieo trỉa sớm đã cho thu hoạch như: ngô nếp, dưa chuột ở xã Tường Sơn; bầu bí ở xã Đức Sơn, rau cải ở xã Thạch Sơn, Vĩnh Sơn…
Do thu hoạch đầu vụ, cùng với thời điểm giao mùa, nguồn cung rau, củ, quả chưa dồi dào nên thị trường tiêu thụ thuận lợi và được giá. Đây là điều kiện thuận lợi để khuyến khích người dân tiếp tục mở rộng diện tích trồng cây vụ đông, đặc biệt là rau ưa lạnh để đáp ứng nhu cầu thị trường.
Để bảo đảm cho cây rau màu vụ đông sinh trưởng và phát triển tốt, huyện Anh Sơn đã tuyên truyền, vận động người dân thực hiện đúng lịch thời vụ, chỉ đạo các địa phương, vận động bà con chuyển đổi diện tích đất kém hiệu quả sang trồng rau màu hàng hóa. Đặc biệt, để khuyến khích bà con tích cực sản xuất vụ đông, ngay từ đầu vụ, UBND huyện Anh Sơn đã có cơ chế hỗ trợ tiền giống 1,3 triệu đồng/ha đối với các loại giống ngô, rau màu trên đất 2 lúa và hỗ trợ 10 triệu đồng/ha đối với giống khoai tây trên đất bãi có liên kết bao tiêu sản phẩm.