Những ngày qua, trên địa bàn huyện Kỳ Sơn có mưa to, đã xảy ra tình trạng sạt lở đất, đá nghiêm trọng trên một số tuyến đường. Cùng đó, một số hộ dân ở xã Mỹ Lý bị sạt lở đất, do nước sông Nậm Nơn dâng cao. Hiện nay, chính quyền địa phương, cơ quan chức năng cùng người dân đang nỗ lực khắc phục tại các điểm bị sạt lở. Trước diễn biến khó lường của thời tiết, chính quyền và nhân dân huyện Kỳ Sơn không khỏi lo lắng lũ ống, lũ quét có thể xảy ra, đặc biệt là vào ban đêm.
Ông Thò Bá Rê – Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn cho biết: Hiện nay, thời tiết đang âm u, nhiều mây, có khả năng sẽ xảy ra những đợt mưa lớn tiếp theo. Do vậy, UBND huyện chỉ đạo các địa phương tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động tránh khỏi những vùng có nguy cơ sạt lở cao, trong đó, nguy hiểm nhất là các hộ dân sinh sống trên 2 con sông lớn là Nậm Nơn và Nậm Mộ, bởi những ngày qua, bên nước bạn Lào có mưa to, nước sông đang dâng cao.
Đối với điểm có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét và sạt lở đất tại 2 bản Sơn Hà và Hòa Sơn, xã Tà Cạ, huyện chỉ đạo chính quyền xã và thôn, bản cử lực lượng túc trực, khi có hiện tượng nước dâng cao tại suối Huồi Giảng thì di dời dân ra khỏi nhà, đến nơi an toàn. Những nhà dân sinh sống gần các điểm sạt lở núi, cần chủ động di dời khi có mưa to.
“Hiện nay, đã có một số hộ ở 2 bản Hòa Sơn và Sơn Hà di chuyển đến nơi ở an toàn, nhưng vẫn còn một số hộ đang sinh sống trong nhà tạm hai bên khe, suối và vùng có nguy cơ sạt lở cao. Do vậy, huyện chỉ đạo xã Tà Cạ bố trí lực lượng túc trực 24/24 giờ để có phương án di dời dân khi xảy ra mưa lớn, đặc biệt là vào ban đêm”, ông Thò Bá Rê cho hay.
Anh Vi Văn Truyền – Trưởng bản Hòa Sơn, xã Tà Cạ lo lắng cho biết, mấy ngày qua trời có mưa to, khiến bản thân anh cũng như Ban Mặt trận bản ăn không ngon, ngủ không yên, vì lo sợ lũ ống và sạt lở đất xảy ra thì trở tay không kịp. Bởi hiện nay, còn hàng chục hộ dân đang sinh sống trong nhà tạm, nhà xiêu vẹo ngay cạnh suối và các điểm có nguy cơ sạt lở cao, do hậu quả của đợt lũ ống, lũ quét tháng 10/2022 gây ra.
Huyện Kỳ Sơn là địa phương có địa hình đồi núi cao, bị chia cắt bởi sông, suối, các tuyến đường giao thông huyết mạch có ta luy âm, ta luy dương dốc đứng, rất dễ xảy ra sạt lở khi có mưa to. Đặc biệt, nhiều khu vực thôn, bản nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở cao, do vậy, vào mùa mưa, nỗi lo chung về lũ ống, lũ quét và sạt lở núi đối với chính quyền và người dân là điều không thể tránh khỏi./.