Thời điểm từ mồng 4 Tết nguyên đán, công nhân của Xí nghiệp thủy lợi Quỳnh Lưu (thuộc Công ty TNHH-MTV thủy lợi Bắc) đã vận hành lấy nước khắp hệ thống kênh mương để tưới lúa xuân, thuận tiện cho người dân chăm sóc lúa.
Có mặt tại cánh đồng xã Quỳnh Yên, huyện Quỳnh Lưu thời điểm này lúa đang trong giai đoạn bén rễ, xanh ngút mắt, khắp các ruộng lúa đều “no” nước, nông dân đã ra đồng bón thúc phân đạm cho lúa. Anh Trần Văn Truật – Cụm trưởng cụm Quỳnh Bá thuộc Xí nghiệp Thủy lợi Quỳnh Lưu cho biết: Cụm Quỳnh Bá gồm có 18 công nhân, có nhiệm vụ vận hành kênh tưới tưới cho trên 3.000 ha lúa thuộc 10 xã trên địa bàn huyện gồm các xã Quỳnh Ngọc, Quỳnh Hưng, Quỳnh Yên, Quỳnh Hậu, Quỳnh Bá …
Thời điểm trước, trong và sau tết Tết chúng tôi đã thay phiên nhau điều tiết nước trên hệ thống kênh, đảm bảo nguồn nước lúa xuân ở cả những vùng cuối nguồn.
Ông Nguyễn Viết Thưởng – Giám đốc Xí nghiệp Thủy lợi Quỳnh Lưu cho biết thêm: Đơn vị có nhiệm vụ tưới hơn 5.984 ha lúa, trong đó diện tích hồ đập 1.200 ha. Ngay từ mồng 1 Tết, xí nghiệp đã phân bổ lực lượng công nhân để vận hành từ hệ thống kênh chính, hồ đập và các trạm bơm để đưa nước đến tận chân ruộng. Xử lý các điểm kênh mương ách yếu tắc nghẽn do rác, bèo tây để đảm bảo nguồn nước luôn thông thoáng.
Ông Nguyễn Xuân Long, quyền Chủ tịch, Tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên Thuỷ lợi Bắc Nghệ An cho biết: Đơn vị phục vụ nước tưới vụ lúa xuân với diện tích hơn 30.000 ha cho 5 huyện trọng điểm lúa gồm Yên Thành, Đô Lương, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, thị xã Hoàng Mai.
Nhằm đảm bảo nước tưới vụ xuân, đơn vị đã bố trí lực lượng công nhân thay nhau trực từ trong dịp Tết, thường xuyên kiểm tra các công trình đầu mối, hồ chứa, kênh chính, vận hành kịp thời nguồn nước, đảm bảo 100% diện tích đều đảm bảo nguồn nước.
Tại địa bàn huyện Thanh Chương thời điểm từ 1 Tết công nhân đang tích cực vận hành các trạm bơm ven sông Lam. Anh Nguyễn Hồng Quân – Trưởng trạm bơm xã Cát Văn (thuộc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Thủy lợi Thanh Chương) chia sẻ: Trạm bơm Cát Văn phục vụ nước tưới cho trên 120 ha lúa xã Cát Văn, Thanh Chương, thời điểm đầu vụ sản xuất nguồn nước sông Lam thấp trạm bị treo “nồi hông”, trước thực trạng trên đơn vị đã phải thực hiện nối vòi thêm 5 mét để lấy nước.
Thời điểm trước và trong và sau Tết chúng tôi đã thay phiên nhau tiến hành bơm nước, hệ thống bơm gồm 3 máy bơm với công suất 3.300 m3/giờ hiện đang tiến hành bơm 24/24 h. Để đạt hiệu quả, chúng tôi thực hiện điều tiết nước hợp lý trên kênh, không để nước tràn kênh gây lãng phí nước, hao tổn điện năng…
Đại diện Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Thủy lợi Thanh Chương cho biết: Đơn vị tưới cho 7.100 ha lúa vụ xuân, trong đó có trên 2.000 ha phụ thuộc nguồn nước dọc sông Lam. Từ đầu vụ sản xuất, đến nay rất khó khăn về nguồn nước, (nước sông Lam cạn), nên đến nay 3/9 trạm bơm không hoạt động được, gồm các trạm bơm Thanh Hưng 1, Thanh Hưng 2, trạm bơm Đồng Văn.
Trước tình trạng khó khăn nguồn nước, đơn vị đã phải thực hiện duy tu sửa chữa máy bơm, nối đường ống vòi bơm 3/9 trạm bơm. Đơn vị chỉ đạo các trạm bơm túc trực 24/24 h khi nguồn nước sông Lam dâng là triển khai bơm hết công suất phục vụ tưới lúa xuân.
Đại diện Chi cục Thủy lợi cho biết thêm: Với thực trạng nguồn nước hiện tại, việc cấp nước cho sản xuất nông nghiệp vụ Xuân năm 2024 cơ bản có thể đáp ứng. Tuy nhiên theo dự kiến, trong những tháng giữa cuối mùa khô năm 2024 sẽ gặp khó khăn nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn có thể xảy ra ở vùng cao cưỡng, cuối kênh. Do đó các địa phương, đơn vị quản lý thuỷ lợi cần sớm có phương án cấp nước, chống hạn vụ Xuân và tiết kiệm nước dành cho vụ Hè Thu – Mùa năm 2024.
Để đảm bảo cấp nước cho vụ lúa Xuân năm 2023 và chủ động phòng, chống hạn hán và xâm nhập mặn, Chi cục Thủy lợi đề nghị các địa phương, đơn vị xây dựng sớm phương án cấp nước phục vụ sản xuất vụ xuân năm 2024. Trên cơ sở khả năng cân đối nguồn nước (khi kết thúc mùa mưa) bố trí cơ cấu cây trồng hợp lý; kịp thời điều chỉnh kế hoạch sản xuất và cấp nước khi nguồn nước thay đổi.
Các địa phương phối hợp, sẵn sàng lấy nước và dự trữ vào hệ thống và trên ruộng đồng khi các nhà máy thủy điện xả nước tối đa phục vụ sản xuất. Điều hành phân phối nước hợp lý, thực hiện tưới luân phiên giữa các vùng trong hệ thống và tưới luân phiên giữa các công trình trong vùng.
Thực hiện các biện pháp ngăn không để mặn xâm nhập sâu vào nội đồng, kiểm tra chặt chẽ chất lượng nước không để nhiễm mặn xảy ra. Đối với hệ thống tưới, đẩy nhanh tiến độ tu sửa kênh mương, công trình, thiết bị cơ điện, nạo vét kênh dẫn, bể hút các trạm bơm, đảm bảo 100% công trình sẵn sàng vận hành phục vụ sản xuất.
Đối với hệ thống tiêu, tập trung nạo vét, thông thoát hệ thống kênh tiêu (nhất là kênh tiêu nội đồng) bị bồi lấp, ách tắc, đảm bảo tiêu thoát nước kịp thời khi có mưa, lũ. Đồng thời chủ động trữ nước trong nội đồng khi có thông tin thời tiết bất lợi về nguồn nước.
Ngoài ra Sở nông nghiệp và PTNT, đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo công ty thủy điện Bản Vẽ, thủy điện Khe Bố, Chi Khê tiếp tục ưu tiên xả nước đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất, dân sinh cho vùng hạ du khi nhu cầu hạ du tăng cao.