Nằm ở Trung tâm vùng Bắc Trung Bộ, Nghệ An được xem là mảnh đất có lịch sử hình thành, phát triển khá lâu đời; Trong suốt gần một thiên niên kỷ,vùng đất nơi đây đã trải qua bao thăng trầm, biến động, nhưng những gì cốt lõi của nôi văn hóa xứ Nghệ vẫn mãi trường tồn và phát triển xuyên suốt theo thời gian, là mảnh đất “địa linh nhân kiệt”, “thành đồng ao nóng”, “đất phên dậu và là then khóa của các triều đại”. Những dấu tích văn hóa đi qua hàng ngàn năm hòa cùng với sắc màu thiên nhiên phong phú, đa dạng “Non xanh nước biếc như tranh họa đồ” đã tạo nên một Nghệ An có những dấu ấn đặc biệt rất riêng, không pha lẫn, đúng như nhận xét của nhà sử học Phan Huy Chú: “Nghệ An núi cao sông sâu, phong tục trọng hậu, cảnh tượng tươi sáng, gọi là đất danh tiếng hơn cả ở Nam châu”.
Về lịch sử tên gọi tỉnh Nghệ An, từ thời Hùng Vương lập nước, Nghệ An thuộc đất Việt Thường, nhà Hán là huyện Hàm Hoan thuộc quận Cửu Chân, nhà Ngô là Cửu Đức, nhà Đinh, nhà Lê gọi là Hoan Châu, lúc này Hoan châu thống lĩnh 4 huyện là Cửu Đức, Phố Dương, Việt Thường và Hoài Hoan. Đây chính là Mộc bản sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục khắc về lịch sử tên gọi vùng đất Nghệ An từ thời Hùng Vương dựng nước đến thời Tiền Lê.
Tại Mộc bản sách Đại Việt sử ký toàn thư, quyển 2, mặt khắc 4, khắc về việc Vua Lý Thái Tổ cho đổi Hoan Châu làm Trại. Đến thời vua Lý Thái Tông năm Thiên Thành thứ 3 (1030), năm Thiên Thành thứ 3, đổi Hoan Châu là Nghệ An. Tên gọi Nghệ An bắt đầu từ đây. Đến tháng 11 năm Tân Tỵ (1041) vua Lý Thái Tông cử Uy Minh hầu Lý Nhật Quang làm Tri Châu Nghệ An.
Bước sang thời Trần, năm 1375, vua Trần Duệ Tông cho đổi Hoan Châu thành 4 lộ: Nhật nam, Nghệ An nam, Nghệ An bắc và Nghệ An trung. Năm 1379, vua Trần Thuận Tông lại cho đổi trấn Nghệ An thành trấn Lâm An.
Năm Bính Tuất (1466), vua Lê Thánh Tông cho đặt các đơn vị hành chính trong nước làm 12 đạo thừa tuyên, trong đó có Đạo thừa tuyên Nghệ An, năm 1469 vua Lê Thánh Tông ấn định các đơn vị hành chính trực thuộc đạo Thừa Tuyên Nghệ An: Nghệ An lúc này quản lĩnh 8 phủ, 18 huyện và 2 châu. Đến năm Canh Tuất (1490), vua Lê Thánh Tông cho đổi thừa tuyên Nghệ An thành Xứ Nghệ An. Cuối thế kỷ XVIII, dưới triều Tây Sơn, vua Quang Trung Nguyễn Huệ đã cho đổi trấn Nghệ An là Trung Đô hay còn được gọi là trấn Nghĩa An, nhà vua bàn việc dời kinh đô từ Phú Xuân về Nghệ An với tướng Nguyễn Quang Diệu, nhà vua còn cho sửa thành lũy, đặt kho tàng và dùng binh túc trực ở đấy.
Về địa giới hành chính của Nghệ An ngày một mở rộng, dưới thời vua Lê Thánh Tông, Nghệ An lúc này quản lĩnh 8 phủ, 18 huyện và 2 châu. Năm 1802, sau khi lên ngôi hoàng đế, vua Gia Long ấn định các đơn vị hành chính trực thuộc trấn Nghệ An: Trấn Nghệ An có 9 phủ là Đức Quang, Diễn Châu, Hà Hoa, Anh Đô, Trà Lân, Quỳ Châu, Trấn Ninh, Lâm An, Ngọc Ma và 18 huyện bao gồm: Hương Sơn, Nghi Xuân, Thanh Chương, La Sơn, Châu Lộc, Thiên Lộc, Đông Thành, Quỳnh Lưu, Kỳ Hoa, Thạch Hà, Nam Đường, Hưng Nguyên, Tương Dương, Vĩnh Hòa, Hội Nguyên, Kỳ Sơn, Thuý Vân, Trung Sơn.
Đi suốt chiều dài lịch sử, Nghệ An có vị trí chiến lược quan trọng, có những đóng góp to lớn cho công cuộc dựng nước và giữ nước của dân tộc, người dân Xứ Nghệ luôn giữ được nét văn hóa đặc trưng trong phong tục tập quán, văn hóa cội nguồn, tinh thần hiếu học: tại Mộc bản sách Đại Nam nhất thống chí quyển 14, mặt khắc 16 chép “Học trò chuộng khí tiết, phần nhiều phóng khoáng, dốc chí học hành, văn chương kiệt xuất, không thích hoa mỹ. Khéo việc hàng quán, buôn bán qua lại, chăm chỉ canh tác ruộng đồng, quen việc cần kiệm. Vì đất xấu dân nghèo nên bản tính mộc mạc, luôn chăm chỉ, đôn hậu, vốn trọng uy danh, dạy việc công nghĩa. Phong tục giản đơn, đỗ đạt làm quan vẻ vang, thời nào cũng có người tài khắp cả triều đình và ngoài biên, tên tuổi được ghi trong sách vở. Người ở Hoan Châu tài giỏi, ham học, những điều trông thấy đều được truyền lại”.
Trong Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ, quyển 41, mặt khắc 14 chép về lời khen của vua Minh Mạng dành cho “học trò người Nghệ An là khí khái, hào mại, trừ Phú Xuân và Gia Định ra thôi không đâu bằng; bởi thế thân binh của các vua thánh triều ta phần nhiều lấy ở Nghệ An, đó là điềm phước cho vương triều”.
Xứ Nghệ còn được thể hiện rõ hơn là quê hương của những bậc hiền tài. Bởi những người con của quê hương Xứ Nghệ, đem trí dũng phò vua, giúp nước tiêu biểu như: Mai Hắc Đế – Người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa chống lại ách đô hộ của nhà Đường, Nguyễn Cảnh Mô – Vị tướng tài ba trong lịch sử dân tộc, Quang Trung Nguyễn Huệ – Vị hoàng đế uy dũng của Triều Tây Sơn, Đông các Đại học sĩ Cao Xuân Dục, Tiến sĩ xuất thân Văn Đức Giai, Khai quốc công thần Nguyễn Đình Đắc, Trước tác Hàn Lâm Viện Nguyễn Tiếp Phương, Bố chánh sứ Hà Nội Lê Nguyên Trung, Át sát sứ Bình Thuận Nguyễn Xuân Ôn, Nhà chí sỹ yêu nước Phan Bội Châu, cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, …
Triển lãm “Những dấu mốc lịch sử hình thành tỉnh Nghệ An trong mộc bản triều Nguyễn – di sản tư liệu thế giới” và Triển lãm ảnh “Nghệ An hội nhập và phát triển” được tổ chức nhân dịp Kỷ niệm 990 năm danh xưng Nghệ An, là hoạt động thiết thực, góp phần gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp trong thời kỳ hội nhập và phát triển; bồi đắp tình yêu quê hương, đất nước và quyết tâm xây dựng Nghệ An trở thành tỉnh phát triển như sinh thời Bác Hồ kính yêu hằng mong muốn.