Cuộc điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế – xã hội của 53 DTTS lần thứ 3, năm 2024 trên địa bàn tỉnh Lai Châu (Cuộc điều tra 53 DTTS) được sự phối kết hợp chặt chẽ, hiệu quả của Ban Dân tộc tỉnh, các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương các cấp và phòng Dân tộc các huyện.
Cùng với đó, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền nên cơ bản các hộ được chọn điều tra hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của cuộc điều tra và nhiệt tình cung cấp thông tin, tạo điều kiện thuận lợi cho điều tra viên hoàn thành nhiệm vụ. Qua đó, có được những kết quả chính xác nhất, kịp thời nhất để các cơ quan làm chính sách có cơ sở tiếp tục tham mưu cho tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành chính sách trong giai đoạn mới.
Một trong những chỉ tiêu quan trọng mà tỉnh Lai Châu đạt được trong triển khai chính sách dành cho vùng đồng bào DTTS, đó là công tác giảm nghèo nói chung, giảm nghèo trong vùng đồng bào DTTS nói riêng.
Cụ thể, nếu như năm 2019 toàn tỉnh có 66 xã, 696 bản thuộc diện đặc biệt khó khăn, thì đến năm 2024 con số này giảm xuống còn 54 xã, 557 bản. Đời sống của đồng bào DTTS được cải thiện rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm trung bình 3,93%/năm, riêng huyện nghèo giảm 5,7%/năm, vượt Nghị quyết lần lượt 0,7% và 0,9%/năm.
Đến năm 2023, toàn tỉnh còn 25.426 hộ nghèo, chiếm 23,88% (trong đó hộ nghèo DTTS chiếm 28,2%). Thu nhập bình quân của đồng bào DTTS hết năm 2023 là 18,36 triệu đồng/người/năm, tăng 2,84 triệu đồng/người/năm so với năm 2020.
Một trong những giải pháp để đạt được kết quả này, là từ những số liệu thu thập thông tin tại Cuộc điều tra 53 DTTS lần thứ 2, trong giai đoạn năm 2019 – 2024, tỉnh Lai Châu đã có những chinh sách hỗ trợ phù hợp, thiết thực nhằm giảm tỷ lệ hộ nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Trong đó, điển hình là đã tổ chức đào tạo cho 47.746 lao động, đạt 107,05% kế hoạch; trong đó, có 47.268 lao động là đồng bào DTTS, chiếm 99% tổng số người đã được hỗ trợ học nghề trên địa bàn.
Từ việc tổ chức đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, lao động là người DTTS, đã góp phần tích cực trong công tác xóa đói, giảm nghèo của địa phương. nhờ việc sau đào tạo có trên 80% số người có việc làm mới; hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng có năng suất, thu nhập cao hơn, trong đó trình độ cao đẳng, trung cấp tìm kiếm được việc làm mới sau đào tạo đạt trên 90%…
Ông Trần Hữu Chí, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Lai Châu cho rằng, thông qua cuộc điều tra, thu thập thông tin vừa qua đã có một “bức tranh” tương đối đầy đủ và toàn diện về thực trạng kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Lai Châu.
“Là cơ quan thực hiện chức năng tham mưu, giúp UBND tỉnh quản lý nhà nước về công tác dân tộc, chúng tôi cho rằng, những kết quả từ cuộc điều tra, thu thập thông tin vừa qua là rất thiết thực, có ý nghĩa to lớn đối với các cơ quan ban ngành nói chung và Ban Dân tộc tỉnh nói riêng trong việc tham mưa cho tỉnh những chủ trương, chính sách về công tác dân tộc trong thời gian tới”, ông Chí nhấn mạnh.
Tháng 11 vừa qua, tỉnh Lai Châu đã tổ chức thành công Đại hội đại biểu các DTTS cấp tỉnh lần thứ IV, năm 2024. Trong đó, tiếp tục khẳng định khẳng định công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc trong 5 năm qua đã đạt được nhiều kết quả quan trọng; đời sống vật chất, tinh thần đồng bào các dân tộc trong tỉnh không ngừng được cải thiện và nâng cao; diện mạo vùng đồng bào DTTS và miền núi đã có nhiều đổi mới, văn minh, tiến bộ; các chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước được thực hiện ngày càng tốt hơn; Đồng thời, Đại hội cũng nhìn nhận thẳng thắn những tồn tại, hạn chế và rút ra được những bài học kinh nghiệm cho các năm tiếp theo.
Từ những kết quả đã đạt được, Nhân dân các DTTS tỉnh Lai Châu quyết tâm phấn đấu, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ được đặt ra tại quyết tâm thư của Đại hội. Trong đó, có những chỉ tiêu quan trọng, cụ thể như: Thu nhập bình quân người DTTS đạt trên 34 triệu đồng/năm; giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân từ 2-3%; phấn đấu 70% số xã vùng đồng bào DTTS đạt chuẩn nông thôn mới; tỷ lệ người dân tộc thiểu số trong độ tuổi lao động được đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu, điều kiện và có thu nhập ổn định đạt 58%, trong đó có ít nhất 50% là lao động nữ; phấn đấu 80% số hộ nông dân người DTTS làm kinh tế nông – lâm nghiệp hàng hóa; trên 85% số xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số có đủ cơ sở hạ tầng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội và đời sống của người dân; đến năm 2030, các địa phương cơ bản xóa bỏ hết các hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, các hoạt động mê tín dị đoan và thực hiện tốt các nội dung xây dựng nếp sống văn minh và nông thôn mới.