Thu hàng tỷ đồng từ “cánh đồng rươi”
Trên địa bàn xã Châu Nhân có khoảng 50 ha ruộng trồng lúa có rươi hàng năm, tập trung tại các xóm 1, 2, 6 và 8. Là nghề truyền thống ở Châu Nhân, người dân ở đây đã biết đắp bờ giữ nước, vớt rươi từ vài ba chục năm nay. Mươi năm lại đây, bà con bắt đầu chăng lưới xanh quanh ruộng, vừa để “đánh dấu lãnh thổ”, vừa ngăn rươi sang ruộng nhà khác.
Theo ông Phan Đình Hoàn – Phó Chủ tịch UBND xã: Mỗi năm, toàn xã thu về khoảng trên dưới 5 tấn rươi, vào mùa rộ, thương lái đưa cả ô tô về mua rươi đựng trong thùng xốp đưa xuống thành phố tiêu thụ. Trong xã, có nhiều hộ dân mỗi vụ thu 1 – 2 tạ rươi, như gia đình các ông Lê Xuân Kiệm, Đinh Như Khoa ở xóm Phú Xuân; các ông Lê Quang Vinh, Hoa Văn Việt ở xóm 7…
Tuỳ từng năm giá rươi lên xuống, nhưng bình quân thường ở mức 400.000 – 450.000 đồng/kg, có năm lên đến 500.000 đồng/kg. Tuy nhiên năm nay, giá bán sỉ tại ruộng chỉ đang ở mức 350.0000 – 400.000 đồng/kg. Trên đồng rươi, người dân vẫn trồng hai vụ lúa, năng suất trung bình 2,5 – 3 tạ/sào, nhưng bà con không hề sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật để bảo vệ rươi.
“Nếu năm nay có lũ lụt nhiều thì năm sau rươi rất được mùa do đất sa bồi nhiều. Để tăng năng suất rươi, sau khi thu hoạch lúa hè thu, từ tháng 9 dương lịch, bà con đã cày bừa, làm đất tơi xốp cũng như diệt hết cỏ để rươi lên nhiều hơn”, ông Phan Đình Hoàn cho hay.
Không xanh như rươi ở các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ như Hải Dương, Hải Phòng, rươi Hưng Nguyên có màu vàng, béo mập, rất kích thích thị giác và được khách hàng nhiều nơi ưa chuộng. Mỗi mùa rươi, hộ nhiều thu được hàng trăm triệu, hộ ít cũng có hàng chục triệu đồng từ món “lộc trời”.
Ngoài thu nhập trên đồng, người dân xã Châu Nhân và quanh vùng còn có thu nhập thêm từ nghề buôn rươi. Mua sỉ tại ruộng với giá 350.000 đồng/kg, bà Hoàng Thị Hoa ra chợ Mý bán giá 370.000 đồng/kg. “Tui chủ yếu bán cho khách qua lại trên tuyến đường ven sông Lam, mỗi ngày bình quân 10 – 15 kg rươi, trong vòng vài tiếng đồng hồ là hết. Đợt này rươi béo, màu vàng đỏ đẹp nên bán rất nhanh”, bà Hoa cho biết.
Không chỉ rươi sống, mà với các món ăn hấp dẫn được chế biến từ rươi, các quán ẩm thực “chuyên rươi” trên địa bàn huyện Hưng Nguyên cũng đã thành “thương hiệu” được khách sành ăn xa gần biết đến và ưa chuộng.
Nhọc nhằn nghề vớt “lộc trời”
Bắt đầu vớt rươi từ 8h sáng, đến 9h anh Âu Văn Đinh, xóm 7, xã Châu Nhân vớt được hơn 1 kg rươi. “Rươi lên theo con nước thuỷ triều, nước lên tầm 1 tiếng đồng hồ là rút, rươi nổi lên. Thường nước lên buổi tối, có khi 2h sáng, 4h sáng, nhưng hôm nay 7h sáng nước mới lên”, anh Đinh cho biết. Gần 1 tiếng đồng hồ, trên diện tích 10 thước ruộng, anh mới vớt được 1 kg rươi. May mắn thì có những ngày vớt được 5 – 10 kg, nhưng có bữa cũng chỉ được dăm lạng.
Bắt đầu lên lai rai từ tháng 9, nhưng mùa rươi rộ thì chỉ mới bắt đầu từ đầu tháng 10 âm lịch. Mỗi tháng, “lộc trời” chỉ cho vào mấy ngày thuỷ triều lên xuống xung quanh ngày Rằm và mùng Một. Mưa gió rươi vẫn lên, nên người dân ở đây không kể mưa rét, hễ có rươi là ra đồng.
Gọi rươi là “lộc trời” cũng không ngoa vì sau 2 vụ lúa, đến mùa tháng 10 âm lịch trở đi, rươi tự nổi trên đồng ruộng, bà con chỉ cần dùng vợt đi vớt. Tuy nhiên, trong cánh đồng, cũng chỉ những thửa ruộng nằm gần con nước lên xuống mới có rươi. Gia đình có 2 sào “đất rươi”, thường mỗi ngày anh Nguyễn Văn Hoà vớt được 7 – 8 kg rươi, cũng có lúc ít hơn.
“Mùa rươi là mùa mưa lạnh cuối năm, vào những ngày trước và sau ngày mùng Một và Rằm, tầm 1h sáng là cả làng dậy, ra đồng chờ nước xuống, rươi nổi lên để vớt. Ngày may mắn thì được nhiều, nhưng có những ngày ngâm dưới mưa, nước lạnh cả mấy tiếng đồng hồ chỉ được mấy lạng rươi”, anh Hoà chia sẻ.
Tuy nhiên, dù nhọc nhằn, vất vả, nhưng rươi đang là nguồn thu đáng kể cho người dân vùng lụt xã Châu Nhân, với nguồn thu gấp nhiều lần trồng lúa.