Hội tụ sản vật vùng miền
Từ 4 giờ sáng, khi sương mù còn mịt mờ, nhiệt độ xuống chỉ từ 1 – 3 độ C, bà Và Nhì Hoa, bản Tiền Tiêu, xã Nậm Cắn (Kỳ Sơn) đã lục cục dậy sớm chuẩn bị để dọn hàng ra chợ phiên Nậm Cắn. Nói là hàng hoá nhưng thực chất chỉ là những nông sản “của nhà trồng được” với những bó rau cải ngồng, túi ớt cay, vài cân gừng tươi, dăm ba con chuột rừng bắt được trong những ngày đi rẫy. Tất cả đều được bà Hoa sắp xếp vào gùi gọn gàng để xuống núi đi chợ – phiên chợ mà bà Hoa cũng như người dân vùng biên mong chờ hàng tuần.
Bản Tiền Tiêu dù cách chợ biên Nậm Cắn chỉ khoảng 3km, tuy nhiên do không có phương tiện, thêm gùi, giỏ chứa nhiều nông sản cồng kềnh nên không chỉ bà Hoa và rất nhiều bà con vùng cao nơi đây đều chọn cách gánh hàng trên lưng, đi bộ từ tờ mờ sáng để kịp giờ họp chợ. Quần áo cũ khoác nhiều lớp, những đôi chân cứ cặm cụi bước giữa cái rét căm căm và lớp sương mù bao phủ. Khi đến cửa khẩu, trời cũng vừa hửng sáng…
Chợ phiên Nậm Cắn đã hình thành từ lâu và trở thành điểm đến hấp dẫn, đậm đà bản sắc văn hóa người vùng cao của hai nước Việt – Lào. Trước đây, chợ chỉ họp một tháng 2 lần vào các ngày 15 và 30 dương lịch hàng tháng. Để tăng cường giao lưu giữa hai nước, từ năm 2018, chính quyền hai tỉnh vùng biên Việt Nam là Nghệ An và Xiêng Khoảng (Lào) đã tăng phiên chợ tới 4 lần/tháng, vào các ngày Chủ nhật hàng tuần. Từ đó đến nay, khu chợ dần trở thành điểm đến quen thuộc không chỉ người dân 2 nước mà du khách thập phương cũng đổ về để trải nghiệm.
Đứng từ cửa khẩu biên giới Nậm Cắn nhìn sang, chợ phiên Nậm Cắn mới sáng sớm đã nhộn nhịp người và phương tiện. Những xe chở hàng từ Việt Nam hay nước bạn Lào đã dựng kín tuyến đường vào chợ để chuyển hàng hoá. Tiếng cười nói, ngã giá râm ran 1 vùng trời. Trong khu vực chính của chợ, làn khói từ những gian ẩm thực toả lên với mùi thơm đặc trưng của các món ăn Lào – Việt khiến ai cũng thấy nức lòng.
Chị Hờ Y Xì, chủ quán ẩm thực tại khu chợ đon đả chia sẻ: “Vào ngày cận Tết này, người dân đi sớm lắm, bà con vào quán để giao lưu, chuyện trò sau nhiều ngày không gặp, các món ăn được người dân lựa chọn đa số là đồ nướng như gà nướng, bò nướng, lòng dồi nướng…thêm các đĩa xụm Lào, xôi Lào, nước chấm cay đặc trưng của người Lào, rau củ tươi sống của Việt Nam, tất cả hoà quyện thành những món ăn đậm vị khó quên.
Trong khu chợ đặc biệt này, ấn tượng nhất với chúng tôi là sự đa dạng hàng hoá, trong đó có đến 70% là các nông sản bản địa được người dân 2 nước mang đến để buôn bán, trao đổi. Những nông sản lạ mà quen, quen mà lạ được trồng ở vùng có địa hình cao, nhiệt độ mát mẻ quanh năm, không sử dụng các thuốc BVTV, đảm bảo tươi ngon với giá thành hợp lý lại càng hấp dẫn du khách.
Những bó rau cải địa phương xanh mướt, lá to bẹ được bày bán thành dãy dài ngay cổng vào bán với giá chỉ 10.000 đồng. Xa xa, những gian hàng bán đầy những nông sản vùng cao như mật ong, sâm rừng, thảo dược, hạt mắc khén, chuối rừng, măng khô… cũng được sắp xếp bắt mắt, giá chỉ từ vài ngàn đến vài chục ngàn đồng, mức giá có thể làm hài lòng bất cứ ai.
Độc đáo hơn nữa, khu chợ này người dân mua bán có thể sử dụng tiền Việt hoặc tiền Lào để trao đổi sau khi cân đối tỷ giá. Tiểu thương 2 nước qua nhiều năm giao lưu, gắn bó cũng nói được những câu quen thuộc của nhau khi chào hỏi, trao đổi hàng hoá, tình cảm đoàn kết thể hiện qua ánh mắt, nụ cười.
Chợ biên Nậm Cắn ngày thường đã nhộn nhịp, cận Tết lại càng đông vui. Có người dắt trâu, bò, lợn, gà bán tươi tại chợ, được tiền là sắm Tết luôn. Khách hàng còn có thêm những con em đi làm ăn xa, cuối năm trở về quê hương lên chợ sắm Tết. Người mua ống giang, lá dong gói bánh, người mua thực phẩm, đồ gia dụng, người sắm cho con cái những bộ thổ cẩm mới…không khí tươi vui, đầm ấm giữa những ngày giá rét.
Chị Hoàng Nguyên – du khách từ thành phố Vinh cho biết: Tôi đã nghe đến chợ biên Nậm Cắn từ lâu và dịp cận Tết này cũng đã được trải nghiệm. Dù quãng đường di chuyển từ TP.Vinh đến đây khá xa nhưng bù lại chúng tôi được hoà vào không gian đậm đà bản sắc người vùng cao, ngắm phong cảnh hữu tình, thưởng thức những món ăn, thuê thử những trang phục thổ cẩm đặc trưng rất ấn tượng. Chợ lại họp vào dịp cuối tuần nên chắc chắn chúng tôi sẽ sắp xếp để trở lại.
Không chỉ trên địa bàn huyện Kỳ Sơn, tại Nghệ An còn có những khu chợ vùng biên đặc sắc, mang đậm sắc màu văn hoá đồng bào vùng cao mỗi dịp Tết đến. Tại chợ biên Tri Lễ, huyện Quế Phong, dù mới được mở phiên đầu tiên vào ngày 1/9 vừa qua, tuy nhiên đến nay đã trở thành điểm đến quen thuộc mỗi tháng của người dân trên địa bàn huyện Quế Phong và các địa phương lân cận.
Ông Vi Văn Cường – Chủ tịch UBND xã Tri Lễ cho biết: Khu chợ thời điểm mở phiên đầu tiên đã tạo nên dấu ấn lớn, lượng người đổ về đông nghịt ùn tắc cả tuyến đường lên xã. Chợ Tri Lễ được tổ chức đều đặn vào ngày mùng 1 hàng tháng, riêng dịp Tết thì sẽ mở thêm ngày để phục vụ nhu cầu của người dân. Tại đây luôn tràn ngập sắc màu văn hoá của các đồng bào dân tộc, đặc biệt là đồng bào Mông sinh sống trên địa bàn với những mặt hàng đặc trưng như dưa rẫy, thổ cẩm, rau cải ngồng, măng rừng,chanh leo, lợn đen, gà địa phương…Không chỉ được mua hàng ngon, sạch mà du khách còn được hoà mình các chương trình nghệ thuật, trò chơi dân gian được tổ chức tại chợ.
Điểm nhấn du lịch vùng biên
Theo thời gian, những khu chợ phiên ở vùng biên giới không đơn thuần là nơi trao đổi mua sắm hàng hoá mà còn là điểm hẹn giao lưu văn hoá giữa các dân tộc, điểm dừng chân lý thú của người dân và du khách vùng xa, góp phần phát triển kinh tế xã hội và du lịch vùng biên.
Chợ phiên Mường Quạ tại xã biên giới Môn Sơn, huyện Con Cuông cũng là khu chợ như vậy. Chợ thường họp theo phiên vào những ngày Chủ nhật đầu tiên của tháng. Trong dịp cận Tết, chợ họp thêm phiên để phục vụ nhu cầu của người dân. Từ năm 2018 đến nay, thời điểm chợ đi vào hoạt động đã trở thành điểm hẹn lý tưởng của người dân và du khách mỗi khi trở về với miền Trà Lân.
Ông Ngân Văn Trường – Phó Chủ tịch UBND xã Môn Sơn cho biết: Chợ Mường Quạ là niềm tự hào tại địa phương, vừa là điểm kinh doanh, buôn bán nhộn nhịp, vừa góp phần phát triển du lịch trên địa bàn. Cứ mỗi lần có phiên chợ đến nay, các đoàn khách khi trở về với Con Cuông cũng tranh thủ tìm về địa phương để được trải nghiệm nét văn hoá tại chợ Mường Quạ, thưởng thức ẩm thực cũng như theo dõi các tiết mục văn nghệ đặc trưng của đồng bào nơi đây. Hình ảnh vùng đất Môn Sơn cũng được biết đến rộng rãi hơn.
Chợ biên Tri Lễ cũng là một trong những khu chợ tạo được ấn tượng truyền thông lớn trong ngày đầu đi vào hoạt động. Hình ảnh đoàn xe nối đuôi nhau kéo lên vùng biên Tri Lễ để đi chợ đã gây sốt cộng đồng mạng. Khu chợ cũng được huyện xác định là một trong những điểm đến trong bản đồ du lịch của huyện.
Ông Bùi Văn Hiền – Phó Chủ tịch UBND huyện Quế Phong cho biết: Chợ Tri Lễ từ khi đi vào hoạt động đã góp phần tạo thu nhập cho đồng bào vùng biên giới còn nhiều khó khăn, quảng bá những nét văn hoá, ẩm thực, góp phần phát triển dịch vụ thương mại vùng biên. Thời gian tới, huyện cũng sẽ tiếp tục đầu tư để khu chợ khang trang hơn nhưng vẫn lưu giữ các nét truyền thống, đồng thời tăng cường tuyên truyền, quảng bá hình ảnh du lịch đậm đà bản sắc của đồng bào vùng biên Quế Phong thông qua khu chợ độc đáo này.