Không dám ngủ khi có mưa to
Trở lại bản Xiêng Thù, xã Chiêu Lưu sau gần 1 năm xảy ra những trận lở đất kinh hoàng khiến nhiều nhà dân bị đổ sập, những đoạn đường giao thông bị đất, đá vùi lấp, ách tắc cả tháng trời, nên khi nhắc đến sạt lở đất thì mọi người ở đây vẫn rùng mình lo sợ.
Bà Quàng Thị Hòa – một người dân sinh sống cạnh trục đường lớn từ xã Chiêu Lưu đi xã Bảo Thắng nhớ lại: Trận lũ tháng 9/2022, trong lúc cả nhà đang ăn cơm tối thì bỗng nghe tiếng ầm ầm sau nhà, mọi người chạy ra xem, thì ngay trước mặt là đất và những khối đá lớn từ trên núi đổ sập xuống. Mặc dù ngôi nhà của gia đình không bị ảnh hưởng, nhưng toàn bộ chuồng trại chăn nuôi của gia đình bị đổ sập và một số ngôi nhà của hộ khác bị đất, đá vùi lấp, trong đó, nặng nhất là gia đình ông Vi Văn Khin vừa xây dựng xong đã bị sập hoàn toàn.
“Phải sau một thời gian dài, Nhà nước mới khắc phục được giao thông để người dân đi lại, còn hộ ông Vi Văn Khin đã chuyển đến vùng đất khác vì không dám ở đây nữa. Những hộ bám sống ở đây thực sự lo lắng mỗi khi có mưa to. Nhiều chỗ có nguy cơ sạt lở cao, những lúc có mưa to là cả nhà không dám ngủ, vì sợ lở núi, trở tay không kịp”, bà Quàng Thị Hòa lo lắng nói.
Căn nhà của chị Vi Thị Môn ở bản Xiêng Thù nằm ngay cạnh điểm sạt lở núi nên từ đầu tháng đến nay, chưa ngày nào gia đình chị yên tâm sinh hoạt. Mỗi lần mưa xuống, các thành viên đều phải chạy xuống nhà ông bà ở phía dưới để đảm bảo an toàn…
Chị Môn chia sẻ: Mỗi khi nhắc đến sạt lở đất là rùng mình, bởi chị đã chứng kiến cảnh sạt lở đất khủng khiếp của năm trước. Chỉ trong chốc lát, hàng nghìn mét khối đất, đá ầm ầm đổ xuống, không một thứ gì có thể cản nổi. Do không có đất để di dời nên gia đình vẫn phải bám trụ nơi đây, song không thể nói an toàn, bởi ngay sau nhà là núi cao, chỉ cần có mưa to là đất, đá có thể sập xuống bất cứ lúc nào.
Chị Vi Thị Môn cho biết thêm, đề phòng sạt lở, vừa qua, gia đình chị đã vay mượn gần 20 triệu đồng, đổ 10 xe đá hộc để xây kè phía sau nhà, nhưng chưa thấm vào đâu, bởi cần phải kè cao hơn.
Xã Mường Típ cũng là “điểm nóng” của tình trạng sạt lở đất trên địa bàn huyện Kỳ Sơn… Theo quan sát dọc hai bên tuyến Tỉnh lộ 543D cho thấy, rất nhiều ngôi nhà của người dân sinh sống trong khu vực nguy cơ sạt lở cao.
Sau đợt mưa lớn của năm 2022, căn nhà sàn của ông Hòa Sỹ Liệu ở bản Xốp Khăm, xã Mường Típ đã bị đổ sập, tuy nhiên, do không có đất để xây dựng nhà mới, gia đình ông Liệu đành phải vay mượn để thuê máy múc san lại mặt bằng tại điểm sạt lở và tiếp tục dựng lại nhà ở khu vực này, bất chấp nguy hiểm.
Chỉ ra khu vực sạt lở phía sau nhà, ông Liệu cho biết: Gia đình không có điều kiện để di dời đến nơi an toàn, đành phải dựng nhà ở điểm sạt lở. Những ngày qua mưa to lắm, vừa dựng nhà vừa lo, giờ không có nhà thì phải đi ở nhờ anh em, họ hàng mãi cũng không được, dựng được nhà rồi thì cũng không dám ở thường xuyên, nhất là các ngày mưa bão.
Ông Hạ Nỏ Thái – Chủ tịch UBND xã Mường Típ không khỏi lo lắng cho biết: Ngoài hơn 200 hộ dân của 3 bản Sốp Phe, Vàng Phao và Na Mỳ từ nhiều năm trước đã được xác định nằm trong khu vực nguy cơ sạt lở cao, cần phải di dời đến điểm tái định cư mới, thì nay có thêm khoảng 50 hộ sinh sống dọc tuyến đường tỉnh 543D. Bởi sau khi mở và nâng cấp đường, đất, đá bị lung lay, mất chân, nhất là nhiều điểm ta luy dương dựng đứng… rất dễ bị sạt lở.
“Những lúc có mưa to như những ngày qua, chính quyền xã thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, di dời đến chỗ an toàn ở tạm. Đặc biệt là những điểm nguy cơ sạt lở cao, người dân không nên qua lại, nhằm tránh đất, đá rơi trúng rất nguy hiểm”, ông Hạ Nỏ Thái chia sẻ.
Chủ động phòng ngừa để giảm thiệt hại
Ông Thò Bá Rê – Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn cho biết: Trên địa bàn có đến hàng trăm điểm có nguy cơ sạt lở. Nhưng lo nhất là trên địa bàn các xã: Mường Típ, Mường Ải, Tà Cạ, Chiêu Lưu, Bảo Nam, Bảo Thắng… bởi những địa phương này trước đây đã từng xảy ra sạt lở, gây đổ sập nhà và ách tắc giao thông. Mặc dù chính quyền địa phương đã nỗ lực khắc phục hậu quả, nhưng do nguồn kinh phí có hạn nên phần lớn mới khắc phục tạm, do vậy, nguy cơ tiếp tục sạt lở khi có mưa to là rất cao.
“Trước những diễn biến bất thường của khí hậu và những thực trạng về điều kiện sinh sống của đồng bào các dân tộc vùng cao, đặc biệt, với bất cập chưa thể giải quyết tại những khu dân cư có nguy cơ cao về sạt lở đất, thì trước mắt, tùy theo diễn biến tình hình thời tiết mà công tác phòng, chống phải chủ động, linh hoạt, lấy phòng ngừa là chính, mục tiêu bảo đảm an toàn tối đa cho người dân” – ông Thò Bá Rê nói.
Ông Nguyễn Trường Thành – Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai – tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh cho biết: Thông thường, từ tháng 8 đến tháng 10 hàng năm, khu vực Bắc Trung Bộ có lượng mưa lớn, nhất là các vùng miền núi cao. Để giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản của người dân, ngày từ đầu năm, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai – tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh đã yêu cầu các địa phương rà soát các điểm có nguy cơ sạt lở cao.
Theo đó, hiện nay, toàn tỉnh có 177 điểm có nguy cơ sạt lở nhỏ và lớn, tập trung nhiều nhất là các huyện miền núi cao, trong đó có các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương… Trước nguy cơ đó, tỉnh đã chỉ đạo các huyện xây dựng phương án ứng phó với thiên tai, đặc biệt, đối với vùng miền núi cao nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất./.