Chuyển biến từ trồng rừng thâm canh
Những năm qua, người dân huyện Con Cuông đã có chuyển biến tích cực trong kỹ thuật canh tác rừng sản xuất, chuyển dần từ trồng rừng quảng canh phụ thuộc hoàn toàn vào tự nhiên sang đầu tư thâm canh. Các công đoạn chọn lọc, gieo ươm giống được chuẩn bị kỹ. Sau khi trồng chú trọng khâu chăm sóc, bón phân đúng kỹ thuật, nhờ đó rừng phát triển nhanh, sinh khối lớn.
Thời gian dài trước đây, gia đình ông Vi Văn Minh ở xã Bình Chuẩn (Con Cuông) trồng rừng theo kiểu trồng “chay”, chỉ đào hố trồng cây xuống đất rồi chờ thu hoạch, không bón phân, ít chăm sóc, tỷ lệ cây sống thấp, sinh trưởng không đồng đều, chu kỳ khai thác kéo dài và năng suất rừng không cao. Nay nhờ đi học hỏi một số mô hình, ông Vi Văn Minh đã đúc rút được kinh nghiệm rằng, 2 yếu tố quan trọng nhất trong trồng rừng đạt hiệu quả là giống tốt và chăm sóc đúng quy trình, trồng đúng mật độ, đến định kỳ làm cỏ, bón phân cho cây.
Đầu tư trồng rừng thâm canh, chi phí trong 5 năm khoảng 10 – 12 triệu đồng/ha, nhưng lợi nhuận cao, 1ha rừng cho giá trị từ 80-90 triệu đồng, trong khi rừng quảng canh chỉ đạt 25-30 triệu đồng/ha.
Địa bàn xã Bình Chuẩn có trên 300ha rừng keo nguyên liệu, lâu nay có khá nhiều hộ dân còn trồng rừng quảng canh, chưa chăm sóc như bón phân… thời gian qua, xã đã tuyên truyền, vận động cho người dân trồng rừng đi đôi với công tác chăm sóc, bảo vệ, đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, nhất là phương pháp thâm canh trong sản xuất rừng, mỗi năm địa phương phấn đấu trồng mới từ 60 – 70ha rừng trồng.
Ông Lô Văn Lý – Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Con Cuông, cho biết: Năm 2023, tỉnh giao huyện cho Con Cuông trồng 1.600ha rừng, đến nay huyện đã trồng được trên 80% diện tích, kết thúc trồng rừng vụ thu dự tính huyện sẽ trồng được trên 2.100ha (vượt 500ha so với chỉ tiêu).
Để hoàn thành được mục tiêu đó, huyện Con Cuông xây dựng kế hoạch trồng rừng tới từng xã; rà soát các vườn ươm trên địa bàn chuẩn bị nguồn cây giống chất lượng cung ứng cho người trồng rừng, tuyên truyền vận động người dân phải bón phân cho cây keo ngay từ thời điểm đào hố trồng để nâng cao năng suất. Nhờ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng và chăm sóc rừng nên nhiều cánh rừng đạt năng suất cao từ 80-100 tấn keo/ha/chu kỳ, trong khi trồng quảng canh chỉ đạt 25-30 tấn keo/ha/chu kỳ.
Tuy nhiên, khó khăn hiện nay ở huyện Con Cuông cũng như một số địa phương khác, là việc liên kết sản xuất giữa người dân với doanh nghiệp còn thiếu chặt chẽ nên khâu tiêu thụ chưa ổn định.
Tiến tới phủ giống keo nuôi cấy mô
Thấy rõ hiệu quả từ trồng rừng thâm canh, những năm qua, ngành chức năng và chính quyền các địa phương ở Nghệ An đã tuyên truyền, vận động người dân theo phương pháp này. Theo báo cáo của Chi cục Kiểm lâm, trong năm 2023, kế hoạch trồng rừng 18.500ha, đến thời điểm này toàn tỉnh đã trồng đạt trên 90%, dự kiến hết vụ trồng rừng sẽ trồng được 20.000ha, (vượt 1.500ha). Toàn tỉnh đã tạo được hơn 35 triệu cây giống keo các loại.
Để đảm bảo tiến độ trồng rừng năm 2023, UBND tỉnh phân bổ chỉ tiêu cho các huyện, các chủ rừng, đồng thời chỉ đạo ngành chuyên môn phối hợp cùng các địa phương tuyên truyền, vận động các hộ dân đăng ký diện tích để thiết kế và tiến hành xử lý thực bì; khuyến khích các địa phương mở rộng phát triển rừng gỗ lớn và rừng được cấp chứng chỉ FSC (chứng chỉ quản lý rừng bền vững). Công tác chuẩn bị cây giống cũng được chú trọng, trong đó các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất giống cây lâm nghiệp trên địa bàn đã chuẩn bị khoảng 35 triệu cây giống chất lượng cao phục vụ nhu cầu người dân.
Ông Nguyễn Khắc Hải – Trưởng phòng Sử dụng và Phát triển rừng (Chi cục Kiểm lâm) cho biết: Những năm gần đây, tại nhiều địa phương trong tỉnh, nghề rừng đã có bước chuyển biến, khắc phục được tình trạng sản xuất quảng canh, năng suất, hiệu quả rừng trồng thấp. Hiện nay có khoảng trên 80% diện tích rừng bà con đều áp dụng các biện pháp thâm canh, các biện pháp kỹ thuật được tiến hành đồng bộ, từ phát, đốt, dọn thực bì tiêu diệt mầm bệnh; chú trọng sử dụng giống cây chất lượng, mật độ trồng thích hợp.
Một số nơi nông dân còn đưa cơ giới vào các khâu trong sản xuất lâm nghiệp như cày đất, đào hố, vận chuyển cây giống, phân bón, nhiều hộ còn lắp máy bơm tưới nước cho cây mới trồng, nhờ đó, cây sinh trưởng và phát triển nhanh.
Tuy nhiên, công tác trồng rừng nguyên liệu trên địa bàn tỉnh vẫn đang còn những hạn chế, như có khá nhiều người dân không biết mình trồng dòng keo nào, có phù hợp không. Điều này rất rủi ro vì rừng trồng có chu kỳ dài, đến thời gian khai thác mới biết giống tốt hay không. Một số hộ dân còn trồng rừng quảng canh, không bón phân, vì vậy sản lượng thấp và đặc biệt là rất khó tạo ra tỷ lệ gỗ lớn cao. Chưa kể là người dân có thói quen trồng rừng dày đặc, từ 2.500 – 3.000 cây/ha, thậm chí có nơi lên đến 5.000 cây/ha, gây nên tình trạng gỗ nhỏ, chất lượng gỗ chưa cao, giá trị kinh tế thấp và đặc biệt là nhanh làm thoái hóa đất, dễ sâu bệnh.
Để trồng rừng nguyên liệu đạt hiệu quả, nâng cao thu nhập cho người làm nghề rừng hiện nay Nghệ An chỉ đạo các địa phương tập trung đầu tư thâm canh rừng là giải pháp tối ưu. Khuyến khích người dân trồng theo tiêu chuẩn FSC nhằm nâng cao giá trị rừng. Theo kế hoạch, thời gian tới, Chi cục Kiểm lâm sẽ hỗ trợ kinh phí 6-7 tỷ đồng cho các đơn vị lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh để xây dựng các mô hình vườn ươm cải tiến sản xuất cây giống keo lai nuôi cấy mô.
Việc xây dựng các vườn ươm cải tiến sản xuất giống cây lâm nghiệp sẽ góp phần nâng cao nhận thức của người dân về phát triển rừng bền vững gắn với chứng chỉ rừng; chuyển giao quy trình sản xuất cây giống lâm nghiệp chất lượng cao; đáp ứng nhu cầu trồng rừng gỗ lớn. Thông qua mô hình, sẽ giúp nông dân có nguồn giống cây lâm nghiệp chất lượng cao.
Ngoài ra, Nghệ An đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng Trung tâm Giống cây lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao Bắc Trung Bộ tại xã Nghi Lâm, Nghi Lộc để sớm đưa vào hoạt động, đáp ứng nhu cầu giống keo nuôi cấy mô chất lượng cao phục vụ trồng rừng trên địa bàn tỉnh.