Theo khảo sát tại các chợ dân sinh, thời điểm này, sức mua thịt lợn ở các chợ rất yếu do nhiều người tiêu dùng e ngại dịch bệnh nên chuyển sang sử dụng các thực phẩm khác.
Bà Nguyễn Châu Giang, một tiểu thương kinh doanh thịt lợn tại chợ Quán Lau (phường Trường Thi, TP.Vinh) cho biết: “Hai tháng nay, khi dịch tả lợn châu Phi bùng phát nên nhu cầu sử dụng thịt lợn giảm sút mạnh. Nếu bình thường, mỗi ngày tôi bán được khoảng 80-100kg thịt lợn thì hai tháng nay, chỉ bán được khoảng 30-50kg, có những ngày ế nặng. Theo dự đoán của tôi, nếu dịch còn diễn biến phức tạp thì thị trường thịt lợn sẽ không khá hơn vì người tiêu dùng e ngại”.
Cùng chung quan điểm, bà Nguyễn Thị Quang, một người dân ở phường Quang Trung cho biết: “Mấy lâu nay khi dịch tả lợn châu Phi bùng phát nên tôi cũng hạn chế sử dụng thịt lợn trong các bữa ăn hàng ngày. Dịp Tết thì nhu cầu thịt lợn sẽ nhiều hơn, nhưng nếu dịch tả lợn vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp như hiện nay thì có thể chuyển sang các loại thực phẩm thay thế. Hoặc có thể mua thịt lợn của các công ty uy tín ở các cửa hàng thực phẩm sạch, các siêu thị để ăn Tết. Do đó, vấn đề tôi quan tâm vẫn là giá cả chứ không lo thiếu nguồn cung”.
Trái với cảnh trầm lắng ở các chợ dân sinh thì ở các siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch doanh thu từ bán thịt lợn tăng cao so với 2 tháng trước đó. Mặc dù giá thịt của các nhãn hiệu này cao hơn chợ dân sinh từ 10.000-30.000 đồng/kg (tuỳ loại).
Theo ông Trần An Khang – Giám đốc siêu thị GO!Vinh, cuối năm và dịp Tết Nguyên đán, siêu thị đảm bảo nguồn cung thị lợn cho người tiêu dùng với giá cả bình ổn. Bởi, nguồn cung thịt lợn của siêu thị là các trang trại và doanh nghiệp với quy trình sản xuất khép kín, cơ chế phòng chống dịch bệnh tốt nên quy mô đàn vẫn ổn định, nguồn cung ổn định. Mặt khác, với 28 siêu thị trong chuỗi hệ thống trên cả nước thì chúng tôi dễ dàng điều tiết nguồn hàng để cân đối cung – cầu.
Thời điểm hiện tại, giá lợn hơi ở Nghệ An vẫn ở mức thấp, chỉ dao động trong khoảng 48.000-51.000 đồng/kg. Mức giá này thấp hơn giá thành chăn nuôi khoảng 3.000- 4.000 đồng/kg. Với mức giá này, người chăn nuôi đang thua lỗ. Điều này chứng tỏ, sức mua yếu, nguồn cung lợn hơi đang dồi dào, bởi nếu nguồn cung hạn chế thì thời điểm này giá lợn đã tăng trở lại rồi.
Chăn nuôi theo quy trình khép kín và đảm bảo an toàn dịch bệnh, do đó, hàng nghìn con lợn của anh Phạm Viết Đức (xã Thanh Hương, Thanh Chương) vẫn bảo toàn trước dịch bệnh. Nếu như các năm trước, cuối năm là thời điểm tiêu thụ lợn mạnh nhất thì năm nay, anh Đức lo ngại sức mua yếu và giá lợn sẽ không tăng như những năm trước.
“Sức mua yếu, lợn thịt khó tiêu thụ và giá cả đang ở mức thấp. Chỉ còn 1 tháng nữa đến Tết Nguyên đán, trong khi đó, dịch tả lợn châu Phi vẫn diễn biến khá phức tạp, do đó, sức mua dự báo sẽ không tăng đột biến và giá cả nếu tăng cũng chỉ nhích nhẹ, khó tăng cao”, anh Đức cho biết.
Các cơ sở chế biến giò, xúc xích, chả tấm, giò thủ, ruốc bông, lợn khô, lợn giàng… với nguyên liệu từ thịt lợn năm nay cũng “ế đơn” hàng Tết. Chị Đinh Thị Anh, chủ một cơ sở giò chả cho biết: “Nếu như mọi năm, đến tháng 11 âm lịch đã nhận đơn giò lên đầu tạ, tôi phải đặt mua thịt lợn ở nhiều cơ sở để đủ nguyên liệu chế biến thì năm nay, mới chỉ có mấy đơn sỉ. Chắc chắn năm nay, lượng hàng sẽ giảm và đương nhiên, việc tiêu thụ nguồn nguyên liệu thịt lợn sẽ giảm mạnh”.
Hiện nay, tổng đàn lợn của Nghệ An là 1 triệu con. Dù dịch bệnh xảy ra thì lượng thịt lợn cũng không thiếu. Về giá thì vào thời điểm cuối năm, nhu cầu tăng nên giá thịt lợn có thể tăng nhưng không đáng kể.
Nguyên nhân là do nhu cầu của người tiêu dùng năm nay sẽ ít đi vì thu nhập của người dân không cao. Cùng với đó, các công ty dẫn dắt thị trường cũng phải cân đối để đảm bảo cung – cầu phù hợp, tránh hiện tượng giá cao, người tiêu dùng hạn chế chi tiêu hoặc thay bằng thực phẩm khác.