Chuyển đổi cao su sang cây trồng khác do giá mủ thấp
Những ngày cuối tháng 12/2023, có mặt tại các xã Nghĩa Hồng, Nghĩa Minh, huyện Nghĩa Đàn, chứng kiến những cánh rừng cao su bạt ngàn ở độ tuổi khai thác đang bị người dân đốn hạ. Tiếng máy cưa rền vang, hàng loạt cây cao su trong chốc lát bị cưa đổ gãy, gốc cây bật tứa nhựa trắng. Từng đống gỗ cao su nằm ngổn ngang bên lề đường để chờ xe đến chở đi.
Ông Nguyễn Văn Thanh ở xóm 8, xã Nghĩa Hồng chia sẻ: Gia đình chúng tôi nhận khoán trồng 2 ha cao su. Lâu nay, mọi nguồn chi tiêu đều nhờ vào cây cao su. Nhưng khoảng 3 năm trở lại nay giá mủ quá thấp, từ chỗ giá 20.000 – 21.000 đồng/kg (mủ tươi qua cán) thì thời điểm này xuống chỉ còn 15.500 đồng/kg mủ tươi qua cán. Nên nếu chỉ trông chờ vào giá mủ cao su như hiện nay thì gia đình không đủ chi tiêu, chúng tôi phải xin thanh lý 1 ha cao su để chuyển sang cây trồng khác.
Thời điểm này, dù đang trong mùa cạo mủ, nhưng đi dọc những cánh rừng cao su ở các huyện Nghĩa Đàn, thị xã Thái Hòa dễ nhận thấy không khí buồn hiu hắt, vắng lao động. Thậm chí có những cánh rừng cao su không được chăm sóc, cỏ dại xen lẫn mọc um tùm. Theo thông tin từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nghĩa Đàn, chỉ tính từ năm 2018 đến nay, diện tích cây cao su trên địa bàn đã giảm từ 2.000 ha nay còn khoảng 1.237 ha.
Ông Hoàng Thanh Tùng – Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Cà phê – Cao su Nghệ An cho biết: Trước đây, đơn vị có trên 2.500 ha cao su ở huyện Nghĩa Đàn và thị xã Thái Hòa, nhưng nay chỉ còn trên 1.800 ha. Nguyên nhân diện tích giảm là do những năm vừa qua giá mủ cao su xuống thấp, chưa kể một số diện tích bị đổ gãy do mưa bão, nên một số vùng bà con viết đơn xin thanh lý cây cao su để chuyển đổi sang cây trồng khác.
Trước khi chuyển đổi cây cao su sang cây trồng khác, đơn vị kiểm tra, đánh giá hiệu quả, xem có đủ điều kiện thanh lý hay không. Diện tích thanh lý cao su những năm vừa qua chủ yếu được bà con chuyển đổi sang trồng mía khá hiệu quả.
Không chỉ huyện Nghĩa Đàn, tại huyện Tân Kỳ, tình trạng này cũng diễn ra khá phổ biến. Tại đây có nhiều cánh rừng cao su đến kỳ khai thác nhưng bà con không cạo mủ thường xuyên, thậm chí bỏ mặc từ nhiều năm nay. Theo chị Nguyễn Thị Loan – một chủ hộ trồng cao su ở xã Tân Phú, khoảng 3 – 4 năm về trước, giá mủ là 45.000 đồng/kg nên gia đình cũng có “của ăn, của để”, nhưng với giá giá mủ xuống quá thấp như hiện nay, chúng tôi không thể tiếp tục đầu tư được nữa, bởi tiền bán mủ không đủ tiền công.
Đại diện Công ty CP Nông nghiệp Sông Con xã Tân Phú (Tân Kỳ) cho biết: Trước đây có trên 900 ha cao su, nhưng từ năm 2018 đến nay, đơn vị đã chuyển đổi trên 200 ha sang trồng mía, nay chỉ còn 700 ha cao su. Riêng trong năm 2023, đơn vị đã chuyển đổi 30 ha cao su ở xã Tân Phú sang trồng ổi, mía. Do giá mủ quá thấp nên hiện nay có gần 150/700 ha cao su phải ngừng khai thác mủ. Do vậy, hầu hết người dân ít đầu tư chăm sóc, tái sản xuất, dẫn đến tình trạng chất lượng mủ cao su giảm.
Quy hoạch hợp lý để phát triển cây cao su bền vững
Năm 2016 Nghệ An có 11.635 ha trồng cây cao su, đến thời điểm này, diện tích giảm xuống còn gần 9.000 ha, tập trung chủ yếu ở các huyện Anh Sơn, Nghĩa Đàn, Tân Kỳ, Quế Phong… Diện tích này do các doanh nghiệp, đơn vị nông lâm, trường, công ty TNHH một thành viên quản lý, giao khoán cho các hộ dân chăm sóc, khai thác, các đơn vị trên đứng ra thu mua mủ cao su.
Vùng đất Phủ Quỳ vẫn được coi là thủ phủ trồng cây cao su của tỉnh Nghệ An. Do nhiều nguyên nhân, giá cả xuống thấp, điều kiện thời tiết khắc nghiệt, cây cao su hay bị bão gió làm gãy đổ; quy trình chăm sóc không được chú trọng đầu tư, năng suất, sản lượng đạt thấp, đã dẫn đến tình trạng nhiều hộ dân đốn hạ, chuyển đổi sang cây trồng khác.
Tuy nhiên, có thể thấy, hiện nay, việc phát triển cây cao su trên địa bàn Nghệ An đang gặp nhiều khó khăn do nguồn lực tài chính của các công ty nông, lâm nghiệp trong tỉnh còn hạn chế, đội ngũ nhân lực có trình độ còn thiếu, cơ chế, chính sách trong đầu tư phát triển trồng cao su còn nhiều bất cập.
Hầu hết các nông, lâm trường đều đứng ra thu mua mủ cao su cho các nông hộ để chế biến, nhưng do công nghệ chế biến của nhà máy còn lạc hậu, nên sản phẩm cao su khi chế biến ra chưa đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, một số lô hàng khi xuất bán đi các nước đã bị trả lại, chủ yếu cao su bị lỗi dính tạp chất.
Chưa kể toàn bộ diện tích cao su của Nghệ An đến nay chưa có diện tích nào đạt chứng chỉ FSC. Trong khi đó, trình độ lao động và khâu quản lý chất lượng của các cơ sở sản xuất không đồng đều, điều này dẫn đến việc các doanh nghiệp xuất khẩu luôn bị động vào giá từ các đối tác, tính rủi ro của ngành ngày càng gia tăng.
Ông Nguyễn Tiến Đức – Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Nghệ An cho biết: Trong điều kiện giá mủ cao su không có lợi cho người sản xuất như hiện nay, ngành Nông nghiệp cũng khuyến cáo các huyện không tiếp tục mở rộng diện tích trồng cao su. Áp dụng các biện pháp kỹ thuật trong cạo mủ để giảm giá thành.
Các địa phương cần tiến hành rà soát toàn bộ quy hoạch phát triển cao su, đánh giá cụ thể tình hình phát triển của loại cây trồng này để có hướng phát triển phù hợp. Ngoài ra, Nghệ An cần đầu tư để có các nhà máy chế biến sâu nâng cao giá trị gia tăng cho sản xuất cao su.
Theo các nhà chuyên môn, cao su là loại cây đa mục đích vừa có giá trị kinh tế, vừa có tác dụng bảo vệ môi trường, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, cải thiện và nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân miền núi Nghệ An. Là loại công nghiệp dài ngày có giá trị kinh tế cao.
Vì vậy, để cây cao su phát triển theo hướng bền vững, các địa phương cần rà soát, yêu cầu giảm tình trạng trồng ngoài vùng quy hoạch, tăng cường đầu tư nâng cao chất lượng vườn cây, tránh tình trạng người dân trồng rồi lại chặt khi giá cao su xuống thấp. Tập trung thâm canh, nâng cao hiệu quả của những vườn cây hiện có, tái canh trồng mới ở những nơi có triển vọng.
Ngoài ra, tỉnh Nghệ An cần có các cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân trồng cao su, như đẩy mạnh công tác chuyển giao kỹ thuật và khuyến nông đến người dân trồng cao su, ưu tiên các nguồn vốn vay để người dân có điều kiện chăm sóc đầu tư các vườn cao su. Đặc biệt, thu hút các doanh nghiệp đầu tư các nhà máy chế biến mủ cao su hiện đại đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, ổn định tiêu thụ đầu ra cho nhân dân.