Chuyển đổi nghề ở xã ven biển Quỳnh Long
Xã Quỳnh Long (Quỳnh Lưu) là địa phương có nghề truyền thống đánh bắt hải sản lâu đời, với đội tàu cá hùng hậu nhất tỉnh. Khác với trước, câu chuyện làm giàu từ nghề biển, thì nay còn được người dân quan tâm là con em chuyển đổi sang ngành, nghề khác cho thu nhập ổn định, thôn, xóm nhộn nhịp hơn hẳn.
Đặt chiếc điện thoại xuống bàn sau cuộc nói chuyện với người con trai đang theo học ở Học viện Hải quân, bà Vũ Thị Vân ở thôn Đại Bắc, xã Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu không giấu được niềm vui: Vợ chồng sinh được 3 người con, đứa đầu năm nay 26 tuổi, đứa út 20 tuổi. Với tầm tuổi này, trước đây đã theo cha đi biển khai thác hải sản, nhưng các con lại quyết tâm theo học các trường đại học, cao đẳng. Không những các con, mà chồng chị là anh Đào Minh Cầu cũng đã chuyển từ nghề truyền thống đánh bắt hải sản, sang đi tàu chở hàng từ vài năm nay.
“Bản thân anh đã từng theo cha đi biển từ năm 16 tuổi. Sau 33 năm bám biển đánh bắt hải sản, anh đã trở thành ngư phủ dày dạn kinh nghiệm và bản lĩnh nghề nghiệp. Chính nghề biển đã mang lại nguồn thu nhập, xây dựng tổ ấm cho gia đình. Tuy nhiên, thay vì kế thừa vị trí thuyền trưởng của cha, thì anh quyết định chuyển sang làm công nhân trên tàu biển chuyên chở hàng trong nước, với mức lương ổn định gần 20 triệu đồng/tháng”, bà Vũ Thị Vân bộc bạch.
Không riêng gì gia đình bà Vân, nhiều lao động trẻ ở xã ven biển này cũng chuyển sang làm các ngành, nghề trên bờ. Phổ biến nhất vẫn là xuất khẩu lao động và vào làm công nhân tại các nhà máy. Vì vậy, lao động nghề biển ngày càng giảm dần. “Bây giờ tìm bạn đi biển lâu dài còn khó hơn tìm luồng cá lớn”, ngư dân Trần Đình Thiên ở xã Quỳnh Long ví von.
Bí thư Đảng ủy xã Quỳnh Long, ông Hồ Nhật Anh tâm sự: Là địa phương có nghề truyền thống đi biển từ bao đời, thời điểm cao nhất xã Quỳnh Long có 86 tàu cá công suất lớn, thì nay giảm còn 35 tàu. Một trong những nguyên nhân khiến đội tàu cá giảm là do nguồn lao động nghề biển bị thiếu hụt.
Lao động trẻ không còn mặn mà với nghề biển mà phát triển các nghề dịch vụ tại chỗ như: Cắt tóc, làm đẹp, xây dựng, thợ sửa chữa điện tử, điện dân dụng, điện lạnh… Đặc biệt, chị em trước đây chỉ biết vá lưới, bán cá ở chợ thì nay chuyển sang làm công nhân các nhà máy. Thống kê cho thấy, từ năm 2010 về trước, xã Quỳnh Long có 70% lao động đi biển và các nghề liên quan đến biển thì bây giờ số này giảm xuống còn 40%.
“Xã hội phát triển, người dân chuyển sang ngành, nghề khác là hướng đi đúng, phù hợp với xu thế mới. Khi con em làm các ngành, nghề khác, nhận thức của con người được thay đổi, tư duy làm kinh tế năng động hơn”, ông Hồ Nhật Anh chia sẻ.
Định hướng của Diễn Ngọc
Xã Diễn Ngọc được biết đến là vùng biển năng động của huyện Diễn Châu. Không chỉ bám biển đánh bắt hải sản, người dân nơi đây còn phát triển đa ngành nghề như kinh doanh dịch vụ, hậu cần nghề cá, chế biến hải sản… Toàn xã có hơn 7.700 người, thì có 3.000 người liên quan đến đánh bắt, hậu cần nghề cá, còn lại là các ngành, nghề khác.
Ông Nguyễn Văn Dũng – Phó Chủ tịch UBND xã Diễn Ngọc cho biết, ngoài những giải pháp nâng cao hiệu quả khai thác hải sản thì địa phương nỗ lực đẩy mạnh mở rộng đa dạng các ngành, nghề khác nhằm tăng thu nhập cho người dân. Hiện nay, toàn xã có 47 doanh nghiệp, gần 2.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ thương mại, trong đó, có 117 cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá với doanh thu hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. Đây là hướng mở mới đang được người dân xã Diễn Ngọc quan tâm.
“Hai năm nay, xã Diễn Ngọc bắt đầu thực hiện đề án chuyển đổi nghề bằng hai hướng: Thứ nhất, chính quyền địa phương tuyên truyền, hướng dẫn thanh niên trong độ tuổi tăng cường đi XKLĐ và làm tại các công ty, nhà máy… Trong đó, có công ty vận tải biển ở Hải Phòng đã tuyển dụng gần 300 thanh niên làm công nhân trên tàu hàng. Đây là một nghề phù hợp với lao động dân biển, khi làm việc trên tàu hàng, họ được nhận với mức lương từ 30 – 40 triệu đồng/tháng.
Hướng thứ hai là vận động bà con ngư dân chuyển đổi nghề khai thác thủy sản bằng giã kéo, sang nghề khác thân thiện với môi trường như lưới vây, câu, xúc… Do chuyển đổi nghề hiệu quả nên đến nay xã Diễn Ngọc đã giảm số tàu cá từ 456 tàu xuống còn 232 tàu, đến năm 2030 sẽ giảm xuống chỉ còn 100 tàu cá”, ông Nguyễn Văn Dũng chia sẻ.
Những năm qua, ngoài các giải pháp nâng cao hiệu quả khai thác hải sản, chính quyền các xã vùng bãi ngang ven biển Diễn Châu, Quỳnh Lưu, thị xã Hoàng Mai… đang nỗ lực đẩy mạnh mở rộng đa dạng ngành nghề, chuyển dịch cơ cấu lao động. Mỗi năm huyện Diễn Châu có gần 500 lao động vùng biển đi nước ngoài làm việc, có hàng ngàn công nhân làm việc trong các nhà máy tại các khu công nghiệp trong và ngoài huyện.
Ông Bùi Xuân Trúc – Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết, hiện nay, toàn huyện có hơn 20% lao động nghề biển chuyển sang các ngành, nghề khác.
Nghệ An hiện có đội tàu cá 3.336 chiếc. Mục tiêu của tỉnh, đến năm 2030, số lượng tàu cá giảm xuống còn 3.250 chiếc.