Mạnh dạn chuyển đổi cách thức sản xuất
Tại xóm Bắc Sơn, xã Nghi Thiết, 2 năm nay, vợ chồng anh Hoàng Ngọc Văn dồn sức chăm sóc khu vườn đặc biệt của gia đình. Đó là khu nhà lưới rộng 1.500m2 được đầu tư xây dựng với số tiền hơn 600 triệu đồng. Anh Văn cho biết, nắm bắt xu hướng sản xuất nông nghiệp xanh, sạch, an toàn, anh bàn với vợ dồn vốn liếng xây dựng khu nhà lưới để trồng rau, củ, quả sạch.
Vợ chồng anh Văn đã mạnh dạn đổi mới cách sản xuất nông nghiệp của gia đình vốn đã quen từ hàng chục năm nay cũng nhờ một phần khuyến khích, hỗ trợ của hội nông dân và các cấp, ngành ở địa phương. Thực hiện ý tưởng đầu tư này, hộ anh Hoàng Ngọc Văn được UBND huyện, hội nông dân hỗ trợ hơn 100 triệu đồng theo các chương trình, dự án của Nhà nước khuyến khích mô hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn.
“Đây là năm thứ hai chúng tôi trồng các giống rau, củ, quả trong nhà lưới. Đối với dưa lưới, cuối tháng 9 là cho thu hoạch. Sau khi kết thúc vụ dưa lưới sẽ chuyển sang trồng dưa chuột vụ đông, chủ yếu là dưa chuột baby. Mùa nào rau nấy, trồng trong nhà lưới với hệ thống tưới nhỏ giọt tự động nên tiết kiệm được công sức, giảm chi phí thuê nhân công” – anh Văn chia sẻ.
Khu nhà lưới của anh Văn với 1.500m2 trồng khoảng 300 gốc dưa lưới. Mỗi cây sau khi đơm hoa, đậu từ 2-4 quả, sẽ được cắt tỉa bớt các quả nhỏ hơn, chỉ giữ lại mỗi cây 1 quả để chăm sóc. Sau khoảng 3 tháng, trọng lượng dưa đạt khoảng 1,5-2,5 kg/quả là có thể thu hoạch. Với số lượng 3.000 cây/vụ, trừ hao phí, trung bình mỗi vụ cho thu hoạch khoảng 2.500 quả. Giá bán tại vườn tùy thời điểm, dao động từ 30.000 – 40.000 đồng/kg, mỗi vụ dưa cho thu về 100 – 150 triệu đồng, trừ chi phí cho thu lãi khoảng 70-100 triệu đồng. Anh Hoàng Ngọc Văn cũng chia sẻ, tùy loại dưa sẽ đòi hỏi cách chăm sóc khác nhau và cho giá trị khác nhau. Trong đó, dưa lưới xanh có giá trị cao hơn dưa lưới vàng, song lại “khó tính” hơn trong yêu cầu chăm bón.
Để đảm bảo cây trồng cho năng suất cao, ngoài tuân thủ các quy trình kỹ thuật trồng trọt mà cán bộ nông nghiệp hỗ trợ hướng dẫn, người trồng cây cũng cần phải thường xuyên cập nhật tình hình bằng cách bám ruộng, vườn.
Hướng tới nền sản xuất nông nghiệp công nghệ cao
Trên địa bàn huyện Nghi Lộc, những mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao theo hướng hữu cơ, xanh, sạch như hộ anh Hoàng Ngọc Văn đang được địa phương đẩy mạnh khuyến khích, hỗ trợ bằng cơ chế, chính sách cụ thể thông qua Đề án số 13 – ĐA/HU về “Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn huyện Nghi Lộc giai đoạn 2022-2025”.
Lãnh đạo phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Nghi Lộc cho biết, hiện nay, toàn huyện có 24 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, với tổng diện tích gần 160.000 m2. Trong đó, có 22 mô hình sản xuất dưa lưới, nho, rau, củ, quả gieo trồng trên giá thể trong nhà màng, sử dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, tự động, với diện tích hơn 50.000 m2; có 2 mô hình trồng cam, bưởi sử dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, tiết kiệm nước với diện tích 109.000 m2.
Các mô hình này cho tổng sản lượng trên 403 tấn củ, quả, doanh thu hơn 10 tỷ đồng/năm. Qua đánh giá thực tế cho thấy, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong nhà lưới, nhà màng ở huyện Nghi Lộc cho hiệu quả năng suất, lợi nhuận tăng rõ rệt so với sản xuất truyền thống. Cụ thể, trồng dưa lưới, rau, củ, quả trong nhà màng cao gấp 10 lần; trồng cam, bưởi ứng dụng công nghệ cao cho năng suất gấp 4 lần so với sản xuất truyền thống.
Ngoài ra, những mô hình này cũng thu hút, giải quyết việc làm cho khoảng 100 lao động thường xuyên, thu nhập ổn định trung bình khoảng 80 triệu đồng/người/năm.
Giai đoạn từ năm 2018 đến năm 2020, huyện Nghi Lộc đã hỗ trợ 350 triệu đồng/mô hình để xây dựng nhà màng có diện tích 2.500 m2 trở lên. Từ năm 2021 đến nay, hỗ trợ không quá 200 triệu đồng/mô hình để xây dựng nhà màng có diện tích 1.000 m2 trở lên. Tổng kinh phí hỗ trợ trong cả 2 giai đoạn trên là 4,55 tỷ đồng.
Nguồn hỗ trợ này đã khuyến khích người dân huy động nguồn lực đầu tư xây dựng nhà lưới, đầu tư áp dụng quy trình sản xuất an toàn, chất lượng cao; từng bước chuyển đổi tư duy sản xuất của người dân theo hướng sản xuất quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao đem lại sản phẩm có chất lượng, hiệu quả để cung ứng cho các thị trường cao cấp, mang lại việc làm và thu nhập khá cao cho nông dân.
Đề án số 13-ĐA/HU của huyện Nghi Lộc về “Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn huyện Nghi Lộc giai đoạn 2022-2025” xác định mục tiêu và 5 nhiệm vụ, giải pháp để đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Trong đó, phấn đấu đến năm 2025, giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt trên 2.400 tỷ đồng; tốc độ tăng trưởng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt trên 190%/năm.