Lớp học Nhạc cụ dân tộc miễn phí thu hút nhiều em nhỏ trên địa bàn huyện Tương Dương tham gia. Ảnh: CSCC |
Tuần qua, khi lớp học Nhạc cụ dân tộc miễn phí do Đoàn thị trấn Thạch Giám phối hợp với Câu lạc bộ Bảo tồn và Phát huy các loại hình nhạc cụ dân tộc huyện Tương Dương tổ chức cũng là lúc nghệ nhân Xên Văn Long ở bản Pủng, xã Lưu Kiền, huyện Tương Dương phải vượt hơn 30km để tới lớp tham gia giảng dạy.
Dù rằng con đường từ nhà tới lớp học phải vượt qua bao nhiêu là con suối, ngọn đồi, nhưng trong lòng ông không cảm thấy mỏi mệt. Bởi chỉ cần được nhìn thấy các em nhỏ say mê, háo hức luyện tập là mọi nỗi vất vả đều được xua tan.
Cùng chung mục đích lan tỏa tình yêu dành cho nhạc cụ dân tộc, nghệ nhân Lay Đại Cương nhà ở bản Vẽ, xã Yên Na cũng vượt quãng đường hơn 25km để đến với lớp học.
Bước sang độ tuổi 70, lại phải vượt qua quãng đường xa đến thế dưới cái nắng bỏng rát của mùa Hè thì không tránh khỏi những lúc mệt mỏi. Nhưng bản thân ông Cương luôn mang trong mình tâm niệm rằng, các nét văn hóa cổ truyền dân tộc luôn là gốc rễ cần được gìn giữ, trân trọng. Vì vậy, ngay khi được Đoàn thị trấn Thạch Giám đặt vấn đề tổ chức lớp học miễn phí này, ông và các thành viên của câu lạc bộ đều nhiệt tình tham gia.
Nghệ nhân Lay Đại Cương nhà ở bản Vẽ, xã Yên Na vượt quãng đường hơn 25km để truyền dạy các nhạc cụ dân tộc cho các em học sinh. Ảnh: CSCC |
Nghệ nhân Lương Văn Huỳnh – Chủ nhiệm Câu lạc bộ Bảo tồn và Phát huy các loại hình nhạc cụ dân tộc huyện Tương Dương cho biết, không chỉ có hai nghệ nhân trên mà trong câu lạc bộ còn rất nhiều nghệ nhân phải vượt qua quãng đường xa để đến với lớp dạy học miễn phí này.
Họ có thể là nông dân, bảo vệ hoặc là cán bộ về hưu, nhưng dù xuất thân từ địa vị nào vẫn luôn mang trong mình tâm huyết được truyền dạy cho thế hệ trẻ những nét đẹp của văn hóa dân tộc mình.
Ví như nghệ nhân Vi Văn Quỳnh (sinh năm 1958, tại bản Chắn, thị trấn Thạch Giám) có hoàn cảnh vô cùng vất vả khi vừa phải cáng đáng việc nhà lại vừa chăm sóc cho vợ bị bệnh hiểm nghèo 13 năm qua. Thế nhưng, khi tổ chức Đoàn mong muốn câu lạc bộ phối hợp để tổ chức lớp học thì ông đã nỗ lực sắp xếp mọi công việc để cùng với mọi người truyền dạy cho các cháu.
Nghệ nhân Vi Văn Quỳnh (bìa phải, sinh năm 1958, tại bản Chắn, thị trấn Thạch Giám) tận tình truyền dạy cho các em thanh thiếu nhi trên địa bàn. Ảnh: CSCC |
Cũng là một trong những cá nhân tích cực tại lớp học miễn phí này, Nghệ nhân Ưu tú Lương Văn Pắn (sinh năm 1968) ở bản Khe Ngậu, xã Xá Lượng luôn có mặt đầy đủ tại các buổi giảng để đồng hành cùng các em nhỏ. Quãng đường mà ông phải vượt qua cũng trên 10km.
Nghệ nhân Vi Văn Hoa truyền dạy kỹ năng sử dụng khèn bè cho thanh thiếu nhi tại địa phương. Ảnh: Lô Lan |
Trong không khí náo nhiệt của lớp học, các nghệ nhân miệt mài truyền dạy cho các em những điệu khèn bè, sáo, cồng chiêng…say đắm lòng người. Nhìn những cô, cậu học trò người Thái háo hức khi lần đầu được khám phá các nhạc cụ của dân tộc mình, nghệ nhân Lương Văn Pắn không giấu được niềm vui chia sẻ: Kho tàng nhạc cụ dân tộc Thái ở miền Tây Nghệ An nói chung, huyện Tương Dương nói riêng khá phong phú với các loại pí, khèn, đàn tập tinh, cồng chiêng, tụng tinh…
Với những thanh âm đa dạng, các nhạc cụ có thể diễn tả được hầu hết các cung bậc của cảm xúc con người, có thể đệm được cho nhiều thể loại âm nhạc, từ những khúc hát dân ca đến những bài hát thời hiện đại. Cồng chiêng, khắc luống và các loại khèn, pí đã làm nên bản hòa tấu rộn ràng, náo nức, thể hiện niềm lạc quan, yêu đời và tinh thần đoàn kết của cộng đồng dân tộc Thái qua nhiều thế hệ.
Nghệ nhân Lương Văn Huỳnh – Chủ nhiệm Câu lạc bộ Bảo tồn và Phát huy các loại hình nhạc cụ dân tộc huyện Tương Dương hướng dẫn các em học sinh về nhạc cụ tụng tinh của đồng bào Thái. Ảnh: Lô Lan |
Được biết, lớp học do Đoàn thị trấn Thạch Giám phối hợp với CLB Bảo tồn và Phát huy các loại hình nhạc cụ dân tộc huyện Tương Dương tổ chức. Tham gia giảng dạy cho các em nhỏ có 20 thành viên của CLB Bảo tồn và Phát huy các loại hình nhạc cụ dân tộc huyện Tương Dương.
Lớp học được tổ chức bình quân mỗi tuần 3 buổi kéo dài trong 2 tháng Hè và hoàn toàn miễn phí. Với khoảng thời gian này các nghệ sẽ truyền dạy cho các em thành thạo những nhạc cụ mang đậm nét bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Từ đó, kịp thời phát hiện bồi dưỡng các hạt nhân văn nghệ, góp phần từng bước đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn các giá trị văn hóa tốt đẹp của các dân tộc trên địa bàn huyện.
Tiết mục biểu diễn sử dụng các nhạc cụ của đồng bào Thái do các nghệ nhân trình bày tại lớp học. Clip: Thanh Quỳnh |
Chị Lô Thị Lan – Bí thư Đoàn thị trấn Thạch Giám chia sẻ: Đây là một trong những hoạt động ý nghĩa của Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè 2023 của tuổi trẻ huyện nhà nhằm tạo sân chơi bổ ích, lành mạnh cho các em thanh thiếu nhi trên địa bàn. Đồng thời, khơi nguồn cảm hứng, vun đắp đam mê về nhạc cụ dân tộc, tạo tiền đề đưa các giá trị văn hóa truyền thống, đậm đà bản sắc dân tộc đến với thế hệ trẻ.
Những ngày qua, sau khi lớp học được tổ chức đã đón nhận sự nhiệt tình tham gia của các em thanh thiếu nhi cũng như phụ huynh của các em. Điều khiến cho các em học sinh và bà con nặng lòng nhất vẫn là nỗi vất vả của các nghệ nhân khi tham gia truyền dạy cho các em. Họ phải hy sinh rất nhiều thứ, từ thời gian, công sức đến các khoản chi phí phát sinh nhưng vẫn một lòng nhiệt huyết trong từng buổi dạy. Đó là một sự hy sinh thầm lặng cần được trân trọng, tôn vinh./.