Theo đó, để tập trung triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số của tỉnh, và nâng cao Chỉ số chuyển đổi số (DTI) tỉnh Nghệ An, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thành phố, thị xã khẩn trương, nghiêm túc chỉ đạo triển khai thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
– Thành lập Ban chỉ đạo Chuyển đổi số của cơ quan, đơn vị, địa phương trên cơ sở kiện toàn lại Ban chỉ đạo xây dựng chính quyền điện tử, trong đó phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên phụ trách nhiệm vụ chuyển đổi số của cơ quan, đơn vị, địa phương, hoàn thành trước ngày 30/8/2023.
– Tập trung chỉ đạo nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh, đảm bảo năm 2023 tỷ lệ hồ sơ xử lý trực tuyến trên 80%.
– Bố trí công chức, viên chức chuyên trách, kiêm nhiệm lĩnh vực công nghệ thông tin, chuyển đổi số, an toàn thông tin mạng để phục vụ triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số.
– UBND các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo triển khai phát sóng chuyên mục riêng về chuyển đổi số trên hệ thống truyền thanh cơ sở của địa phương, hoàn thành trước ngày 30/9/2023.
– UBND các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo thành lập và trực tiếp quản lý, điều hành các Tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã, cấp thôn, hoàn thành trước ngày 30/9/2023.
Văn phòng UBND tỉnh:
– Chỉ đạo Cổng thông tin điện tử tỉnh thực hiện nâng cấp Hệ thống cổng Thông tin điện tử, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Nghệ An đáp ứng yêu cầu chức năng, tính năng kỹ thuật theo quy định. Bổ sung những tính năng cá thể hóa cách tiếp cận dịch vụ; cá thể hóa thực hiện dịch vụ và cá thể hóa về trả kết quả dịch vụ để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong việc khai thác sử dụng các dịch vụ công trực tuyến của tỉnh. Triển khai ứng dụng trợ lý ảo hỗ trợ công chức, viên chức người dân và doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công theo Công văn số 797/BTTTT- THH ngày 06/3/2022 của Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn một số nhiệm vụ quan trọng thúc đẩy triển khai chuyển đổi số năm 2022, hoàn thành trước ngày 30/9/2023.
– Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan nâng cao mức độ người dân được tham gia cùng cơ quan nhà nước giải quyết các vấn đề của địa phương với chính quyền: Công bố công khai kênh tiếp nhận phản ánh (Cổng Dịch vụ công, App di động, tin nhắn trên nền tảng liên lạc); Tỷ lệ phản ánh được xử lý đúng hạn và mức độ hài lòng với việc xử lý phản ánh qua cổng Dịch vụ công, qua ứng dụng di động, qua tin nhắn trên các nền tảng liên lạc (Zalo, Messenger,…) và qua các kênh khác (sử dụng hình thức điện tử).
Sở Thông tin và Truyền thông:
– Trên cơ sở Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam được ban hành, nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh xây dựng Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Nghệ An đảm bảo đúng quy định.
– Chủ trì, phối hợp với Sở Nội Vụ, Sở Khoa học và Công nghệ nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh kịp thời ban hành chính sách thuê chuyên gia chuyển đổi số.
– Chủ trì, phối hợp với các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện mục tiêu đến cuối năm 2023, tỷ lệ dân số trên 15 tuổi có điện thoại thông minh đạt 85%; tỷ lệ hộ gia đình có người có điện thoại thông minh đạt 95%; tỷ lệ hộ gia đình có đường Internet cáp quang băng rộng đạt 75%.
– Triển khai nâng cấp Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh theo hướng sử dụng công nghệ điện toán đám mây, kết nối nền tảng điện toán đám mây Chính phủ theo đúng quy định.
– Nghiên cứu, triển khai các nền tảng như: Nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung; Nền tảng số quản trị tổng thể, thống nhất phục vụ hoạt động chỉ đạo, điều hành và quản trị nội bộ của cơ quan nhà nước; Triển khai ứng dụng Trí tuệ nhân tạo (AI) trong hoạt động của chính quyền số.
– Tăng cường công tác tuyên truyền, khuyến khích người dân trong độ tuổi trưởng thành đăng ký sử dụng chữ ký số hoặc chữ ký điện tử cá nhân để thuận tiện trong việc thực hiện các giao dịch điện tử.
– Tăng cường giám sát, phát hiện và xử lý các sự cố trong các cơ quan nhà nước; thực hiện xử lý, loại bỏ mã độc đối với các IP botnet được phát hiện.
– Xây dựng các phương án ứng cứu xử lý sự cố tấn công mạng cho các hệ thống thông tin của cơ quan nhà nước; tổ chức các cuộc diễn tập xử lý các sự cố tấn công mạng.
– Tăng cường công tác phối hợp, học tập kinh nghiệm triển khai các nội dung về chuyển đổi số, nâng cao Chỉ số chuyển đổi số (DTI) cấp tỉnh tại các bộ, ngành, địa phương.
Sở Tài chính:
– Chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản nhắc nhở, chấn chỉnh quản lý chi cho chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh; nghiên cứu, kịp thời tham mưu xây dựng chính sách tỷ lệ chi Ngân sách nhà nước tối thiểu hàng năm cho chuyển đổi số.
– Chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông và các cơ quan, đơn vị liên quan tổng hợp báo cáo hàng năm gồm: Tổng kinh phí chi cho An toàn thông tin (kinh phí giám sát; kiểm tra, đánh giá; diễn tập, ứng cứu sự cố; đào tạo, tập huấn; tuyên truyền về an toàn thông tin). Tổng kinh phí chi cho chính quyền số, xã hội số, kinh tế số theo phân cấp ngân sách hiện hành.
Sở Kế hoạch và Đầu tư:
– Nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh xây dựng giải pháp thúc đẩy doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận, tham gia chương trình SMEdx.
– Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh triển khai các giải pháp thúc đẩy doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số đạt tối thiểu 50% số doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh.
Sở Nội vụ: Tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo điều hành.
Sở Giáo dục và Đào tạo:
– Nghiên cứu đề xuất, khuyến khích các cơ sở đào tạo cao đẳng, đại học, sau đại học trên địa bàn tỉnh đào tạo về chuyển đổi số.
– Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở đào tạo cao đẳng, đại học, giáo dục nghề nghiệp, các cơ sở giáo dục từ tiểu học đến trung học phổ thông thực hiện chuyển đổi số (hoàn thiện các mô hình quản trị sổ, hoạt động sổ, chuẩn hóa dữ liệu sổ, kho học liệu số mở).
Sở Lao động, Thương binh và Xã hội: Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông và các cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh xây dựng kế hoạch bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng số cho người lao động.
Sở Công Thương:
– Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thúc đẩy các doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử.
– Chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng sàn thương mại điện tử vỏ sò và Postmart.
Cục Thuế tỉnh: Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thúc đẩy doanh nghiệp nộp thuế điện tử, đảm bảo mục tiêu cuối năm 2023 tỷ lệ doanh nghiệp nộp thuế điện tử đạt 100%.
Công an tỉnh: Tăng cường công tác tuyên truyền, triển khai thực hiện việc cấp danh tính số/tài khoản định danh điện tử cho người dân trên địa bàn tỉnh theo quy định.
Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Nghệ An: Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn khuyến khích, hỗ trợ người dân từ 15 tuổi trở lên mở tài khoản giao dịch tại ngân hàng.
Yêu cầu các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thành phố, thị xã nghiêm túc triển khai thực hiện các nội dung trên. Định kỳ báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh (qua Sở Thông tin và Truyền thông).