Tàu 67 gặp khó
Ngư dân Trần Ngọc Biển ở xóm Đại Hải, xã Quỳnh Long (Quỳnh Lưu), chủ tàu mang BKS NA 96588 TS được đóng theo chính sách của Nghị định 67/CP (gọi tắt là tàu 67), cho biết: Tàu của tôi được đóng mới từ năm 2016, với tổng kinh phí 9 tỷ đồng. Trong đó, tôi cùng 6 ngư dân khác trong xã thế chấp sổ đỏ để vay vốn Ngân hàng Công thương Việt Nam – chi nhánh Quỳnh Lưu 6,4 tỷ đồng.
Sau 7 năm đưa vào khai thác, mặc dù tích cực bám biển nhưng do ngư trường ngày càng khó khăn, cùng đó giá nhiên liệu tăng mạnh, từ chỗ 12.000 đồng/lít (năm 2017), nay tăng lên trên 20.000 đồng/lít, trong khi giá hải sản lại không tăng nên gặp khó. Đặc biệt, những năm 2020 – 2021, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhiều ngư dân phải cách ly, hải sản không tiêu thụ được nhưng nợ ngân hàng vẫn phải trả… khiến nhiều tàu 67 lâm cảnh nợ nần.
Ông Biển cho biết, sau 7 năm đưa con tàu vào khai thác, trong số vốn vay ngân hàng 6,4 tỷ đồng, đến nay ông mới trả được 3 tỷ đồng, hiện còn nợ 3,4 tỷ đồng. Thời hạn trả nợ ngân hàng để đóng tàu theo Nghị định 67/CP trong vòng 10 năm, do vậy số nợ còn lại 3,4 tỷ đồng phải trả hết trong 3 năm tới là rất khó. Bởi trong quá trình hoạt động, ngoài chi phí cho mọi hoạt động trên biển, còn phải bảo dưỡng máy móc, sửa chữa ngư cụ…
Trước khó khăn đó, 5 bạn thuyền từng gắn bó với ông đã bỏ nghề sang tìm việc làm khác, chỉ còn một mình ông bám trụ, do đó, mỗi chuyến biển ông phải thuê nhiều lao động, chi phí cao, mà không đi biển thì không có tiền chi tiêu, không có tiền trả bạn hàng, trả ngân hàng. Những năm qua, ông Biển đã phải chấp nhận vay mượn tiền của các tổ chức, cá nhân hàng tỷ đồng để trả cho ngân hàng đúng hạn, nhằm duy trì nghề biển.
“Nghề biển đã gắn bó với gia đình từ bao đời nay, do vậy, nếu vì khoản nợ ngân hàng mà bỏ nghề thì biết làm gì bây giờ, trong khi cuộc sống của gia đình nhìn vào mình”, ông Biển cho hay.
Đang tu sửa ngư cụ sau chuyến biển đầu tháng 10 âm lịch vừa qua, ngư dân Trần Đình Thiên ở xã Quỳnh Long, chủ tàu cá NA 98668 TS cho biết: Con tàu cá của ông có công suất 820CV, với chiều dài 25m, rộng 7,3m, được đóng theo chính sách của Nghị định 67/CP, tổng trị giá hơn 10 tỷ đồng, trong đó vay vốn từ Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quỳnh Lưu 7 tỷ đồng, đến nay chưa thể trả hết.
Do tình hình đánh bắt gặp nhiều khó khăn, phía ngân hàng tạo điều kiện cho ngư dân trả lãi và gốc mỗi năm 800 triệu đồng. Tuy nhiên, ngay cả khi đã được ngân hàng cho giãn thời gian thì việc trả được tiền lãi đã là một thách thức cho chủ tàu.
Ông Thiên cho biết, do khó khăn về ngư trường, giá nhiên liệu tăng… nên tiền lãi sau mỗi chuyến biển không đáng kể. Như chuyến biển cuối tháng 9 âm lịch vừa qua, hải sản bán được 200 triệu đồng, trừ các chi phí cho nhiên liệu, đá lạnh, lương thực, thực phẩm… cho 18 người lênh đênh trên biển gần 20 ngày, thành ra số tiền lãi chỉ còn 20 triệu đồng.
“Số lãi này chia cho 18 thành viên thì còn đâu để trả nợ cho ngân hàng nữa. Dù rất cố gắng nhưng tàu của ông mỗi năm chỉ có thể trả được số tiền 400 triệu đồng cả gốc và lãi cho ngân hàng. Đến năm 2027 là hết thời hạn 10 năm vay vốn đóng tàu 67, nhưng số nợ ngân hàng vẫn còn gần 4 tỷ đồng, với tình trạng này là rất khó trả hết nợ đúng hạn”, ông Trần Đình Thiên băn khoăn.
Tìm hiểu được biết, sau nhiều năm đưa vào sử dụng, hàng chục tàu 67 khai thác không hiệu quả, khiến chủ tàu không trả nợ đúng hạn, thậm chí phải ra toà xử lý rủi ro. Điển hình như huyện Quỳnh Lưu có tới 20 tàu cá đang xử lý rủi ro, số còn lại 32 tàu đang tiếp tục đốc thúc thu hồi nợ.
Ông Bùi Xuân Trúc – Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quỳnh Lưu cho rằng, nguyên nhân nhiều tàu cá 67 trên địa bàn huyện phải xử lý rủi ro là không có khả năng trả nợ, do khai thác không hiệu quả, một số chìm và cháy tàu. Như trong tháng 7/2023, trong vụ cháy 5 tàu cá tại cảng cá Lạch Quèn, thì có 2 tàu 67 của ngư dân Hồ Đình Việt và Đào Xuân Thắng, hiện 2 con tàu đang được trục vớt, chờ cơ quan chức năng xử lý theo quy định của ngân hàng, vì mỗi chủ tàu còn dư nợ ngân hàng hơn 5 tỷ đồng.
Theo thông tin từ Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh Nghệ An, tính đến thời điểm 30/9/2023, trong tổng số 104 tàu 67, có 9 tàu gặp sự cố đã tất toán khoản vay; 95 tàu còn nghĩa vụ trả nợ cho ngân hàng với số nợ gốc hơn 525 tỷ đồng; toàn địa bàn tỉnh có 68 tàu bị nợ quá hạn, trong đó có 65 tàu bị chuyển nợ xấu, với tổng giá trị nợ xấu là 420,3 tỷ đồng, chiếm 80% số nợ gốc vay theo Nghị định 67.
Nguyên nhân chủ tàu 67 nợ xấu ngân hàng đã được đánh giá, trong đó một nguyên nhân chính là dịch Covid-19 kéo dài 3 năm liên tục, các tàu bị cách ly. Bên cạnh đó, cơ hội khai thác đánh bắt ở vùng biển nước ngoài bị hạn chế do Hiệp định Vùng đánh cá chung Vịnh Bắc Bộ hết hiệu lực; Nhà nước thực hiện nghiêm các biện pháp kiểm soát chặt chẽ tình trạng ngư dân khai thác trái phép tại vùng biển nước ngoài, nhằm đảm bảo tuân thủ quy định IUU của Liên minh châu Âu. Một nguyên nhân nữa là ngư trường ở vùng biển Việt Nam ngày càng cạn kiệt nguồn lợi hải sản. Trong khi đó, giá hải sản giảm mạnh dù đầu ra bị hạn chế. Một số phương tiện khai thác đánh bắt của các tàu đóng từ thời gian đầu đã lạc hậu, hư hỏng.
Cái khó nữa đối với ngư dân là, từ cuối năm 2019 đến nay, Công ty Bảo hiểm PJICO Nghệ An ngừng bán bảo hiểm thân tàu cho các tàu vay vốn theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP, khiến một số tàu hết thời hạn bảo hiểm không mua được bảo hiểm mới, hoặc phải mua bảo hiểm ngoài không được hỗ trợ chi phí theo chính sách của Nhà nước. Đối với các tàu đã được mua bảo hiểm của PJICO thì việc đền bù bảo hiểm cũng bị kéo dài, gây khó khăn về tài chính cho các chủ tàu.
Giải pháp nào cho tàu 67?
Trước thực trạng khó khăn của các chủ tàu 67 trên địa bàn tỉnh, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Nghệ An đã đề xuất Chính phủ cho phép thực hiện cơ chế chuyển đổi chủ tàu với các điều kiện linh hoạt hơn, đảm bảo việc giá trị tài sản tại thời điểm chuyển đổi tương ứng với giá trị khoản nợ chủ tàu mới nhận bàn giao lại từ chủ tàu cũ, phần dư nợ chênh lệch giữa dư nợ hiện tại và giá trị thực tế của con tàu cùng các khoản nợ gốc quá hạn, lãi phát sinh sẽ do chủ tàu cũ tiếp tục chịu trách nhiệm hoàn trả cho ngân hàng hoặc Nhà nước có các giải pháp hỗ trợ khác.
Xem xét điều chỉnh giảm mức lãi suất cho vay áp dụng đối với các tàu vay vốn theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP trong bối cảnh mặt bằng lãi suất cho vay giảm, các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đều được hưởng hỗ trợ của Chính phủ và của ngành Ngân hàng. Xem xét, có cơ chế phù hợp nhằm khoanh nợ, xóa nợ cho các khách hàng vay theo Nghị định 67 bị rủi ro khách quan, bất khả kháng.
Bà Nguyễn Thị Thu Thu – Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Nghệ An cho biết, đơn vị cũng đã đề xuất Bộ Tài chính sớm ban hành các văn bản sửa đổi, hướng dẫn thực hiện quy tắc bảo hiểm đối với tàu cá vay vốn theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP phù hợp với các quy định hiện hành; đồng thời chỉ đạo PJICO tiếp tục bán bảo hiểm cho ngư dân và nhanh chóng chi trả các khoản bảo hiểm cho ngư dân khi gặp rủi ro.
Ông Trần Xuân Học – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng: Bên cạnh một số chủ tàu nghiêm túc thực hiện việc sản xuất, chịu khó trả ngân hàng, vẫn có tình trạng chủ tàu 67 cố tình chây ì trước khoản vay ngân hàng.
Bộ Tài chính cần sớm tiếp tục có cơ chế, chính sách hỗ trợ ngư dân mua bảo hiểm thuyền viên và thân tàu. Đối với ngư dân, cần quan tâm nghiên cứu kỹ ngư trường để mỗi chuyến đi biển là có hiệu quả. Ngư dân phải xoá bỏ tư tưởng chây ì, tích cực sản xuất và có kế hoạch trả nợ ngân hàng đúng quy định. Phía các ngân hàng thương mại cũng cần tạo điều kiện cho những chủ tàu nghiêm túc sản xuất, nhưng do yếu tố khách quan nên không trả nợ đúng tiến độ, bằng cách giãn nợ để ngư dân có điều kiện trả dần…