Nguồn vốn huy động tăng, cho vay khó khăn
Quý I năm 2024, tình hình huy động, cho vay của ngành Ngân hàng gặp nhiều khó khăn, trên cả nước huy động và dư nợ đều giảm. Đến ngày 20/02/2024, huy động cả nước giảm 1,83%; tín dụng cả nước giảm 1,09%. Trong bối cảnh đó, ngành Ngân hàng Nghệ An vẫn duy trì mức tăng trưởng nguồn vốn huy động và dư nợ khá tốt.
Ước tính đến thời điểm 31/3/2024, nguồn vốn huy động trên địa bàn tỉnh đạt 241.069 tỷ đồng, tăng 3,75% so với đầu năm. Tổng dư nợ của các tổ chức tín dụng trên địa bàn ước đạt 288.811 tỷ đồng, tăng 0,9% so với đầu năm.
Cụ thể: Dư nợ cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp nông thôn và địa bàn nông thôn toàn địa bàn ước là 136.826 tỷ đồng, chiếm 46% dư nợ toàn địa bàn; cho vay phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo Nghị quyết 30/NQ-CP ước đạt 20.208 tỷ đồng, chiếm 6,8%; cho vay xuất khẩu ước là 2.474 tỷ đồng, so với đầu năm giảm 13%; cho vay theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP ước còn 120 tỷ đồng; dư nợ cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị định 02/NQ-CP ước còn 105 tỷ đồng.
Mặc dù tăng trưởng dư nợ tốt hơn so với bình quân chung cả nước, song hoạt động cho vay vẫn khá khó khăn, có những thời điểm, một số ngân hàng người trả nhiều hơn người vay. Tại Ngân hàng BIDV Chi nhánh Phủ Diễn, lãnh đạo đơn vị này cho biết, trong khi huy động vẫn tăng trưởng đều thì cho vay chậm. Mặc dù lãi suất cho vay đã giảm mạnh so với năm 2023 nhưng nhiều khách hàng kinh doanh khó khăn, đến kỳ tiến hành trả nợ và không vay tiếp; trong khi đó, việc tìm kiếm khách hàng mới không dễ.
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết, tín dụng đầu năm tăng thấp chủ yếu do yếu tố mùa vụ dịp Tết Nguyên đán, các cơ sở sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp nghỉ Tết, khả năng hấp thụ vốn không cao. Ngoài yếu tố mùa vụ quý 1 rơi vào thời điểm Tết Nguyên đán, thì năm nay còn có yếu tố nữa là nền kinh tế thế giới thực sự chưa khởi sắc, ảnh hưởng đến yếu tố đầu ra. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu chưa xuất được hàng, trong khi đó thị trường trong nước còn khó khăn nên nhu cầu về tín dụng suy giảm.
Theo khảo sát về các yếu tố ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp chế biến, chế tạo thì khó nhất vẫn là tính cạnh tranh trong nước cao, nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế thấp, khó khăn về tài chính, thiết bị công nghệ lạc hậu, không tuyển dụng được lao động theo yêu cầu, thiếu nguyên, nhiên, vật liệu… Yếu tố tiếp cận vốn vay ngân hàng, lãi suất không phải là vướng mắc lớn của doanh nghiệp hiện nay.
Với việc tín dụng tăng trưởng thấp trong quý 1, bên cạnh vốn cho sản xuất tăng sức cầu cho nền kinh tế, nhiều ngân hàng đang đẩy mạnh cho vay tiêu dùng với nhiều gói ưu đãi. Anh Dũng ở thành phố Vinh cho biết, gia đình anh vừa vay 500 triệu đồng tại Ngân hàng BIDV để sửa chữa nhà; thời gian vay là 5 năm, trong 2 năm đầu lãi suất vay 6,2%/năm, sau đó lãi suất thả nổi theo thị trường. Ngoài lãi suất khá thấp thì ưu điểm của gói vay là khách hàng có thể tất toán trong 2 năm đầu mà không bị phạt trả trước.
Ông Nguyễn Xuân Thông – Giám đốc vùng Bắc Trung Bộ Ngân hàng Quốc tế VIB cho biết: 3 tháng đầu năm tình hình huy động, cho vay phản ánh đúng chu kỳ phát triển kinh tế trong năm. Đối với VIB khu vực Bắc Trung Bộ, từ đầu năm đến nay huy động tăng trưởng tốt, đạt trên 10% trong khi cho vay chỉ tăng hơn 1%.
“Một số ngân hàng lớn tỷ trọng cho vay doanh nghiệp cao thì thời gian qua tăng trưởng dư nợ giảm do sản xuất kinh doanh khó khăn, nhu cầu vay vốn thấp, nhiều doanh nghiệp đến kỳ trả nợ. Trong khi đó, ngân hàng cổ phần chủ yếu cho vay cá nhân nên ảnh hưởng không nhiều. Tuy nhiên, kinh tế vĩ mô đang tốt dần lên, điều đó sẽ tác động tích cực đến nền kinh tế nói chung, hoạt động kinh doanh của ngành ngân hàng nói riêng.
Tiếp tục hỗ trợ người dân, doanh nghiệp
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, các bộ ngành, ngay từ đầu năm, UBND tỉnh Nghệ An đã triển khai đồng bộ các biện pháp tăng cường hoạt động đầu tư xây dựng trên địa bàn, đặc biệt là tốc độ triển khai thực hiện các công trình, dự án trọng điểm có tính kết nối, có sức lan toả. Qua đó, tạo việc làm, kích cầu thị trường, tăng thu ngân sách, góp phần phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao đời sống người dân trên địa bàn tỉnh. Được biết, tại nhiều ngân hàng, đầu năm khách trả vốn vay rất nhiều nhưng cuối tháng 3 đến nay tình hình cho vay ấm dần lên, dư nợ được cải thiện, tăng trưởng tốt. Nhu cầu vốn bắt đầu có tín hiệu tăng trở lại.
Để kịp thời cung cấp vốn cho nhu cầu sản xuất kinh doanh, các ngân hàng đã đưa ra nhiều gói tín dụng ưu đãi dành riêng cho vay doanh nghiệp. Cùng với mặt bằng lãi suất huy động giảm mạnh, lãi suất cho vay cũng được các ngân hàng điều chỉnh giảm, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp có nhu cầu được tiếp cận vốn vay giá rẻ.
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Nghệ An cho biết: Thực hiện Chỉ thị 01/CT-NHNN, ngành ngân hàng cân đối nguồn vốn đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế, đảm bảo thanh khoản cho hệ thống ngân hàng, qua đó góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững. Điều hành tín dụng đáp ứng đủ và kịp thời nhu cầu vốn cho sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp. Tiếp tục triển khai chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo Nghị quyết 33/NQ-CP của Chính phủ với lãi suất cho vay thấp hơn từ 1,5%-2% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng.
UBND tỉnh Nghệ An cũng đã công bố danh sách 02 dự án đáp ứng điều kiện pháp lý để tiếp cận vay vốn theo Nghị quyết 33/NQ-CP . Đến thời điểm hiện tại, Công ty CP Đầu tư đô thị Dầu khí Quang trung chưa có nhu cầu vay vốn ngân hàng do Dự án đang trong giai đoạn giải phóng mặt bằng, tái định cư. Công ty CP địa ốc Kim Thi có nhu cầu vay vốn và đã thực hiện các thủ tục vay vốn gói tín dụng 120.000 tỷ đồng…
Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Nghệ An: Thực hiện các giải pháp hỗ trợ khách hàng cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN, lũy kế từ ngày 24/4 đến 29/02/2024, đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho 187 lượt khách hàng với tổng giá trị nợ (gốc và lãi) được cơ cấu lại là 1.698,3 tỷ đồng.
Ngân hàng Chính sách xã hội Nghệ An thực hiện hiệu quả các chính sách cho vay ưu đãi trên địa bàn, đặc biệt là đối với việc cho vay các Chương trình ưu đãi bằng nguồn vốn cho vay theo Nghị quyết 11/NQ-CP, giải ngân 100% các chương trình cho vay giải quyết việc làm, cho vay nhà ở xã hội, cho học sinh sinh viên mua máy tính, cho vay đối với các cơ sở mầm non, cho vay đồng bào dân tộc thiểu số.