Kiểm tra, kiểm soát tàu cá
Trước mỗi chuyến biển, ngư dân Nguyễn Văn Lộc, chủ tàu biển số NA 90705 ở xã Diễn Bích (Diễn Châu) cho biết, nhiều năm nay, việc chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ, đăng ký lịch trình và kiểm tra trang thiết bị kết nối vệ tinh cho con tàu đã trở thành thói quen, giúp các thuyền viên yên tâm ra khơi.
Có tàu ra khơi cùng một thời điểm với tàu anh Lộc, vừa cho tàu dừng lại tại Trạm kiểm soát Biên phòng Lạch Vạn để trình các thủ tục, ngư dân Nguyễn Văn Trung ở xóm Nam Chiến Thắng, xã Diễn Bích, huyện Diễn Châu cho biết, việc chấp hành các quy định của pháp luật luật khi hành nghề trên biển, ra vào cảng luôn được ngư dân Diễn Bích tuân thủ. Và ông khẳng định rằng, chấp hành các quy định về kiểm soát hoạt động đánh bắt cá mới có thể gỡ “thẻ vàng”, cũng là đang giúp chính mình, giúp nghề nghiệp của mình được phát triển bền vững.
Việc kiểm soát các hoạt động đánh bắt cá, phương tiện đánh bắt cũng chính là 1 trong 6 nội dung khuyến nghị mà Đoàn kiểm tra của Ủy ban châu Âu EC đã đề ra sau cuộc kiểm tra lần thứ 3 vào hồi tháng 10/2022. Cụ thể, EC khuyến nghị “cần tiếp tục rà soát, điều chỉnh để tăng cường hiệu lực hiệu quả, siết chặt công tác quản lý chống khai thác IUU”.
Tại Nghệ An, thực hiện các biện pháp ngăn ngừa, tiến đến chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm các quy định về khai thác thuỷ sản, ví như quy định về vùng đánh bắt; đăng ký, đăng kiểm tàu cá; chứng nhận an toàn thực phẩm tàu cá; quản lý, cấp giấy phép khai thác thuỷ sản… đến nay đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Theo số liệu từ Chi cục Thuỷ sản, đến ngày 18/10/2023, tổng số tàu cá của Nghệ An đã được cấp đăng ký là 2.470 chiếc, bằng 90,91%. Ngoài các tàu cá đã được thống kê, Sở Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo Chi cục Thủy sản phối hợp với các địa phương tuyên truyền, hướng dẫn các chủ tàu làm thủ tục xóa đăng ký đối với các tàu cháy, chìm, giải bản, thuộc diện mất tích và bán ngoại tỉnh chưa làm thủ tục xóa đăng ký. Đồng thời đảm bảo các tàu đã bị xóa đăng ký không tham gia hoạt động khai thác tại địa phương.
Số tàu cá còn hạn đăng kiểm là 1.266/1.653 chiếc thuộc diện phải đăng kiểm, đạt 76,59% số tàu có chiều dài trên 12m và đạt 100% số tàu đang hoạt động khai thác. Các tàu cá còn lại chưa thực hiện việc cấp hoặc cấp lại giấy phép khai thác thủy sản chiếm 9,43%, nguyên nhân do các tàu đang trong thời gian đổi số đăng ký, hoặc tàu mua ngoại tỉnh chưa cấp phép; tàu hết hạn giấy phép nhưng không tiếp tục gia hạn do nằm bờ, chờ bán hoặc thiết bị giám sát hành trình chưa kết nối.
Đối với cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm tàu cá, hiện đã cấp trong tháng 10/2023 là 70 tàu (cấp mới 68 tàu, cấp lại 02 tàu). Tính đến ngày 18/10/2023, số tàu cá đã cấp giấy chứng nhận ATTP còn hạn là 919/1.115 tàu, đạt 82,42% so với tổng số tàu cá phải cấp. Tổng số tàu đã cấp phép đang còn hạn 2.237/2.470 tàu, đạt 90,57% số tàu có chiều dài trên 6m, đạt 100% số tàu đang hoạt động khai thác. Bên cạnh đó, trong tháng 10/2023, Chi cục Thủy sản đã thu hồi 05 giấy phép khai thác thủy sản đối với tàu cá đã xóa đăng ký.
Một trong những nội dung quan trọng góp phần “gỡ thẻ vàng”, đó là thường xuyên cập nhật dữ liệu tàu cá lên phần mềm cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia VNFishbase được thực hiện thường xuyên và đầy đủ. Ở Nghệ An, tổng số tàu cá đã cập nhật lên phần mềm đạt 100% tổng số tàu cá đã đăng ký.
Phát huy hiệu quả thiết bị giám sát hành trình tàu cá
Một trong những biện pháp quan trọng, hữu hiệu để kiểm soát, giúp ngư dân khai thác có hiệu quả và phù hợp các quy định quốc tế đó là lắp đặt, sử dụng thiết bị giám sát hành trình (GSHT) VMS cho tàu cá. Nhờ các thiết bị này, lực lượng chức năng nắm được phạm vi hoạt động, quản lý đảm bảo tàu cá không vi phạm đánh bắt tại các vùng biển không được phép.
Tại Thị xã Hoàng Mai, ông Hồ Hữu Thọ – Phó Chủ tịch UBND phường Quỳnh Dị, Thị xã Hoàng Mai cho biết, Hội Nghề cá và chế biến được địa phương thành lập, thông qua hội này, chính quyền cùng với đồn Biên phòng Quỳnh Phương cùng phối hợp triển khai tuyên truyền, tổ chức cho bà con ký cam kết về IUU.
Ngoài ra, lực lượng Bộ đội Biên phòng còn phối hợp với các địa phương, các cơ quan chức năng sẽ tập trung khoanh vùng, phân loại đối tượng nguy cơ cao vi phạm vùng biển nước ngoài; kiểm soát chặt tàu cá xuất bến, không để tàu cá không đủ điều kiện xuất bến; xử lý nghiêm tàu cá vi phạm quy định VMS, tàu vi phạm vùng biển nước ngoài; xử lý vi phạm tại các cảng cá. Từ đó tạo chuyển biến trong nhận thức và hành động cho bà con ngư dân trong quá trình làm ăn trên biển, đặc biệt là việc lắp đặt, duy trì hoạt động của thiết bị GSHT.
Tại Nghệ An, tính đến ngày 18/10/2023, toàn tỉnh có 1.069/1.115 tàu cá đã lắp đặt thiết bị GSHT, đạt 95,87%. Để đảm bảo phát huy hiệu quả của việc GSHT, các lực lượng chức năng tổ chức trực ban 24/24 giờ tại Trạm bờ – Chi cục Thủy sản nhằm theo dõi, thông tin cho chủ tàu cá về việc tàu mất kết nối VMS, vượt ranh giới trên biển, yêu cầu thực hiện đúng quy định pháp luật; tổng hợp, lập danh sách và trao đổi thông tin giữa các lực lượng chức năng để phối hợp, xử lý.
Tỷ lệ lớn các tàu cá hiện nay đã thực hiện duy trì tốt hoạt động của thiết bị GSHT, phát huy hiệu quả trong việc đảm bảo không vi phạm quy định quốc tế trong đánh bắt; kết nối để được hướng dẫn, hỗ trợ khi có trường hợp cấp bách. Song, bên cạnh đó vẫn còn xảy ra hiện tượng mất kết nối thiết bị GSHT.
Riêng trong tháng 10/2023, số tàu cá mất kết nối VMS trên biển là 1.463 lượt tàu. Trong đó, số tàu cá mất kết nối quá 10 ngày trên biển là 65 lượt tàu, đưa lũy kế 10 tháng đầu năm 2023, tổng số tàu cá của Nghệ An mất kết nối VMS trên biển là 14.873 lượt tàu.
Theo cán bộ Chi cục Thuỷ sản, để giảm thiểu tình trạng này, khi phát hiện mất kết nối, cán bộ trực ban sẽ liên lạc để nhắc nhở, yêu cầu các tàu cá kiểm tra lại thiết bị. Ngoài ra, phát thông báo qua kênh đàm thoại 7918.KHz định kỳ, thường xuyên. Riêng đối với nhóm tàu cá mất kết nối quá 10 ngày, sẽ có những biện pháp xử lý cụ thể như lập biên bản nhắc nhở; yêu cầu chủ tàu khắc phục, cam kết duy trì hoạt động GSHT theo đúng quy định và chấp hành các quy định khác về hoạt động khai thác hải sản. Hoặc yêu cầu cảng cá không cho tàu cá bốc dỡ thủy sản, xuất lạch khi chưa có biên bản giải trình, làm rõ lý do mất kết nối, chưa nạp cước thuê bao duy trì hoạt động GSHT theo quy định.
Bên cạnh đó, yêu cầu các đơn vị cung cấp GSHT kiểm tra tình trạng hoạt động của thiết bị GSHT để làm rõ nguyên nhân tàu cá mất kết nối. Và cho đến nay, số tàu cá mất kết nối GSHT quá 10 ngày đã bị xử lý là 421/427 lượt tàu.
Cũng qua thiết bị GSHT đã phát hiện trong tháng 10/2023, số tàu cá vượt qua đường ranh giới cho phép trên biển là 07 lượt tàu. 10 tháng đầu năm 2023, số tàu cá vượt qua đường ranh giới cho phép trên biển là 122 lượt tàu, trong đó nguyên nhân chủ yếu do ngư trường khai thác xa nên các tàu cá chạy tắt qua đường ranh giới để tiết kiệm nhiên liệu, hoặc một số tàu cá bị hỏng thiết bị định vị, hỏng máy nên thả trôi tàu dạt qua đường ranh giới cho phép trên biển…
Ông Trần Như Long – Phó Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ sản cho biết, cơ quan chức năng thường xuyên phối hợp với lực lượng Biên phòng cung cấp dữ liệu để xử lý đối với những tàu cá vi phạm theo quy định, tiến tới chấm dứt tình trạng vi phạm ranh giới đánh bắt trên biển. Bởi đây là một trong những nội dung bắt buộc phải thực hiện nghiêm để đáp ứng các tiêu chuẩn để gỡ “thẻ vàng”.
Ông Long nhấn mạnh, thời gian tới, Chi cục sẽ tiếp tục phối hợp các cơ quan, đơn vị đôn đốc, chỉ đạo quyết liệt hoàn thành việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá. Kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tàu cá cập cảng, rời cảng theo quy định, nâng cao chất lượng công tác giám sát sản lượng thủy sản bốc dỡ thủy sản qua cảng; xử lý nghiêm đối với tàu cá chưa đủ điều kiện theo quy định. Bên cạnh đó, theo dõi, lập danh sách các tàu cá có nguy cơ cao vi phạm khai thác IUU. Điều tra, xử phạt 100% các trường hợp tàu cá Nghệ An vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài và thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng. Từ nay đến cuối năm, cần tăng tốc, quyết liệt hơn trong ngăn ngừa các vi phạm, khắc phục các bất cập mới có thể đạt mục tiêu “gỡ thẻ” theo đúng lộ trình.
Từ ngày 10/10-18/10/2023, Đoàn Kiểm tra của Uỷ ban châu Âu EC sang Việt Nam kiểm tra tình hình và kết quả phòng chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định IUU, khắc phục gỡ cảnh báo thẻ vàng đối với thủy sản Việt Nam. Đây là lần kiểm tra thứ 4 của Ủy ban châu Âu EC tại Việt Nam. Trước đó, đoàn đã kiểm tra lần thứ 3 vào hồi tháng 10/2022 và đưa ra 6 khuyến nghị cho Việt Nam cần thực hiện, xử lý để đạt tiêu chí “gỡ thẻ”, gồm:
(1) Tiếp tục để xảy ra tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài. (2) Hồ sơ các lô hàng xuất khẩu tại 02 doanh nghiệp (T&H, Thịnh Hưng) nghi vấn gian lận, chưa minh bạch và đảm bảo tính hợp pháp. (3) Thực hiện Hiệp định PSMA vẫn còn hạn chế trong kiểm soát, thẩm tra, đối chiếu thông tin đối với tàu khai thác của nước ngoài qua VMS, AIS. (4) Khung pháp lý cần tiếp tục rà soát, điều chỉnh để tăng cường hiệu lực hiệu quả, siết chặt công tác quản lý chống khai thác IUU. (5) Công tác thực thi pháp luật, xử phạt các hành vi khai thác IUU tại địa phương còn rất yếu kém. (6) Chưa cân bằng giữa cường lực khai thác và nguồn lợi thủy sản”.