Trong 9 tháng đầu năm 2023, 102 quốc gia và vùng lãnh thổ đã đầu tư tại Việt Nam; trong đó, Singapore dẫn đầu với hơn 3,98 tỷ USD; Trung Quốc đứng thứ 2 với 2,92 tỷ USD; Nhật Bản đứng thứ 3 với gần 2,9 tỷ USD; tiếp theo là Hàn Quốc, Hồng Kông, Đài Loan,…
Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 54 tỉnh, thành phố trên cả nước trong 9 tháng đầu năm 2023. Xét về số dự án, Trung Quốc dẫn đầu về số dự án mới (chiếm 21,2%). Hàn Quốc dẫn đầu về số lượt điều chỉnh vốn (chiếm 26,7%).
Hà Nội dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 2,53 tỷ USD, chiếm gần 12,5% tổng vốn đầu tư đăng ký và tăng gấp 2,46 lần so với cùng kỳ năm 2022.
Hải Phòng xếp thứ 2 với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 2,21 tỷ USD, chiếm 10,9% tổng vốn đầu tư cả nước, tăng 82,4% so với cùng kỳ. TP. Hồ Chí Minh với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 1,955 tỷ USD, đứng thứ 3 cả nước.
Bắc Giang thu hút được hơn 1,763 tỷ USD đứng thứ 4/63 tỉnh, thành. Bình Dương với hơn 1,382 tỷ USD đứng thứ 5 cả nước.
So với tháng 8/2023, Nghệ An vươn lên 2 bậc, xếp thứ 6/63 tỉnh, thành cả nước thu hút vốn FDI nhiều nhất trong 9 tháng đầu năm nay.
Cụ thể, theo Cục Đầu tư nước ngoài, Nghệ An đã cấp mới cho 14 dự án với tổng số vốn FDI hơn 1,015 tỷ USD và điều chỉnh tổng vốn đầu tư cho 7 dự án FDI với tổng mức là 256,79 triệu USD. Tổng cộng cả dự án đầu tư mới và tăng vốn, Nghệ An thu hút được hơn 1,272 tỷ USD, tăng 221,8% so với cùng kỳ năm 2022.
Với số vốn FDI trên, Nghệ An đứng đầu 14 tỉnh, thành vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung; xếp thứ 2 là Thanh Hóa, với 274,23 triệu USD; thứ 3 là Quảng Ngãi, với 197,59 triệu USD; thứ 4 là Bình Định, với 62,29 triệu USD; thứ 5 là Đà Nẵng, với 36,24 triệu USD; thứ 6 là Thừa Thiên Huế, với 34,75 triệu USD.
Thứ 7 là Ninh Thuận, với 12,53 triệu USD; thứ 8 là Bình Thuận, với 12,37 triệu USD; thứ 9 là Hà Tĩnh, với 4,06 triệu USD; thứ 10 là Phú Yên, với 3,58 triệu USD; thứ 11 là Khánh Hòa, với 2,6 triệu USD; thứ 12 là Quảng Nam, với 1,5 triệu USD; thứ 13 là Quảng Trị, với 0,35 triệu USD; đứng thứ 14 là Quảng Bình chưa có vốn đầu tư nước ngoài trong 9 tháng đầu năm nay.
Cũng theo Cục Đầu tư nước ngoài, tính lũy kế đến ngày 20/9/2023, cả nước có 38.379 dự án vốn đầu tư nước ngoài còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký 455,06 tỷ USD.
Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 289,9 tỷ USD, bằng 63,7% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.
Hiện 144 quốc gia, vùng lãnh thổ có dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam; trong đó, đứng đầu là Hàn Quốc, với tổng vốn đăng ký gần 83 tỷ USD (chiếm 18,2% tổng vốn đầu tư). Singapore đứng thứ 2, với gần 73 tỷ USD (chiếm 16% tổng vốn đầu tư). Tiếp theo lần lượt là Nhật Bản, Đài Loan, Hồng Kông.
Đầu tư nước ngoài đã có mặt ở tất cả 63 tỉnh, thành phố trong cả nước, trong đó, TP. Hồ Chí Minh là địa phương dẫn đầu trong thu hút đầu tư nước ngoài, với gần 57,14 tỷ USD (chiếm 12,6% tổng vốn đầu tư); tiếp theo là Bình Dương, với hơn 40,3 tỷ USD (chiếm gần 8,9% tổng vốn đầu tư); Hà Nội đứng thứ 3, gần 39,5 tỷ USD (chiếm gần 8,7% tổng vốn đầu tư).
Lũy kế đến nay, Nghệ An hiện có 145 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 3,874 tỷ USD, xếp thứ 27 cả nước. So với thời điểm tháng 9 năm 2022, chỉ sau 1 năm Nghệ An tăng 6 bậc ở chỉ số thống kê này, từ vị trí thứ 33 lên vị trí thứ 27 cả nước.