Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Phạm Hồng Quang cho biết, tính đến ngày 20/11/2023, tổng kế hoạch đầu tư công năm 2023 của tỉnh Nghệ An đã giải ngân 6.004,592 tỷ đồng, đạt 66,47%. Trong đó, vốn đầu tư công tập trung giải ngân 3.160,078 tỷ đồng, đạt 56,59%.
Chương trình mục tiêu Quốc gia đã giải ngân 469,975 tỷ đồng, đạt 39,8%. Trong đó, Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới đã giải ngân 292,781 tỷ đồng, đạt 85,06%; Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã giải ngân 171,985 tỷ đồng, đạt 27,21%; Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững đã giải ngân 5,21 tỷ đồng, đạt 2,55%.
Một số đơn vị huyện, ngành có tỷ lệ giải ngân đạt khá (trên 75%) như: Nam Đàn, Hoàng Mai, Thanh Chương, Sở Giao thông vận tải, Công an tỉnh, Bệnh viện Y học cổ truyền Nghệ An, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp tỉnh, Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh, Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Nghệ An, Công ty TNHH Thủy lợi Tân Kỳ, Công ty TNHH một thành viên thủy lợi Tây Bắc Nghệ An…
Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, dự kiến hết năm 2023, tổng vốn đầu tư công ước giải ngân đạt 95,11% kế hoạch, trong đó nguồn đầu tư công tập trung ước đạt 95,42%, bao gồm ngân sách trung ương ước đạt 93,66%; ngân sách địa phương ước đạt 99,69%.
Kế hoạch vốn năm 2022 kéo dài sang năm 2023 đã giải ngân 830,555 tỷ đồng, đạt 52,91%. Trong đó, nguồn ngân sách trung ương đã giải ngân 777,192 tỷ đồng, đạt 53,16%; nguồn ngân sách địa phương đã giải ngân 53,363 tỷ đồng, đạt 49,53%.
Đối với 2 dự án dự án trọng điểm, liên vùng: Dự án đường ven biển từ Nghi Sơn (Thanh Hóa) đến Cửa Lò (Nghệ An) đoạn từ Km7 – Km76 đến ngày 20/11 đã giải ngân 680,244 tỷ đồng, đạt 81,96%. Dự án Bệnh viện Ung bướu Nghệ An (giai đoạn 2) đến ngày 20/11 đã giải ngân 90,938 tỷ đồng, đạt 33,07%.
UBND tỉnh đánh giá, mặc dù tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn năm 2023 của toàn tỉnh đang ở mức cao hơn bình quân chung của cả nước và cao hơn cùng kỳ năm 2022, nhưng một số nguồn vốn giải ngân còn thấp, như: Vốn chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, vốn nước ngoài, Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững.
Một số đơn vị ngành, huyện tỷ lệ giải ngân còn thấp (dưới 20% kế hoạch vốn) như: Sở Y tế, Trường Cao đẳng Việt – Đức, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, Bệnh viện Đa khoa huyện Yên Thành, Trường THPT Mường Quạ, Trường Trung cấp nghề Kinh tế – Kỹ thuật Bắc Nghệ An.
Bên cạnh đó, công tác giải phóng mặt bằng vẫn còn nhiều vướng mắc, đang là tồn tại lớn ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện và giải ngân vốn. Công tác quyết toán dự án hoàn thành vẫn còn chậm.
Theo UBND tỉnh, trong năm 2024, nguồn vốn đầu tư công tập trung phần tỉnh quản lý là 4.628,57 tỷ đồng. Trong đó, nguồn ngân sách Trung ương là 2.916,069 tỷ đồng; nguồn ngân sách địa phương là 1.712,501 tỷ đồng.
Từ nay đến hết năm 2023 còn hơn 1 tháng, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung yêu cầu các ngành, địa phương, chủ đầu tư phấn đấu đạt mục tiêu giải ngân trên 95%, thực hiện cơ bản giải ngân hết kế hoạch vốn năm 2022 kéo dài sang năm 2023. Đối với các dự án đã hoàn thiện thủ tục thì tập trung giải ngân, đối với các dự án mới thì cần quan tâm hoàn thiện thủ tục, nhất là các dự án đưa vào kế hoạch năm 2024.