Chủ trì buổi làm việc có đồng chí Nguyễn Văn Đệ – Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh. Cùng dự có đại diện các chi cục, phòng ban trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các sở ngành và UBND các huyện, thị liên quan.
Nghệ An được đánh giá là tỉnh có tiềm năng phát triển nuôi trồng thủy sản cả nước ngọt, mặn lợ ven biển. Mấy năm lại đây, với tiềm năng mặt nước, nuôi trồng thủy sản trên lòng hồ chứa đã phát triển mô hình khá tốt. Tuy nhiên, do các mô hình đang manh mún và xung đột với các ngành kinh tế khác nên một số huyện buộc phải cấm…
Để thực hiện mục tiêu đến năm 2025, sản lượng nuôi đạt 75 ngàn tấn và năm 2030 là 90 ngàn tấn, UBND tỉnh đã giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng Đề án phát triển thủy sản trên các hồ đập giai đoạn 2021-2030.
Hiện trên các hồ chứa có 2 hình thức là nuôi trong lồng bè và nuôi thả trực tiếp. Ngoài các giống bản địa, gần đây bà con còn nuôi nhiều đối tượng có giá trị kinh tế cao như cá lăng, cá leo, trắm đen… Cả tỉnh có 2.000 lồng nuôi với sản lượng năm 2022 là 18.000 tấn, tăng so với đầu nhiệm kỳ là 4.200 tấn.
Hiện toàn tỉnh có gần 2.000 lồng bè, trong đó khoảng 700 lồng tại vùng lòng hồ thủy điện Bản Vẽ (Tương Dương), 1.000 lồng nuôi ở thủy điện Hủa Na (Quế Phong) và một số hồ thủy điện khác; đối tượng nuôi là trắm cỏ, trắm đen, cá chép, cá lăng, cá leo; phấn đấu thử nghiệm nuôi thêm cá tầm, cá ghé; sử dụng công nghệ mới HDPE thay thế cho lồng tự phát bằng tre nứa.
Đối với hình thức nuôi thả trực tiếp tại các hồ chứa ở các huyện Quỳnh Lưu, Hoàng Mai, Nghĩa Đàn, Thanh Chương, Yên Thành… nuôi cá trắm, chép, rô phi, diêu hồng; nuôi thả bán thâm canh trên diện tích dưới 50 ha; có quản lý, giám sát quy trình nuôi. Dự kiến thu hút các nguồn lực đầu tư và chính sách hỗ trợ kích cầu để nâng cao giá trị, sản lượng hải sản nuôi trồng thủy sản theo chiến lược phát triển ngành thủy sản của Chính phủ và chương trình của tỉnh. Bên cạnh đó, phải đảm bảo cân đối hài hòa các lợi ích nhằm phát triển bền vững; kết hợp với đầu tư hạ tầng nuôi, không xung đột với ngành kinh tế khác như du lịch, thủy điện thủy lợi, tỉnh sẽ phải xây dựng cơ sở thu mua, chế biến sau thu hoạch, đảm bảo môi sinh môi trường…
Phát biểu buổi làm việc, đại diện UBND các huyện Quế Phong, Quỳ Châu và các sở ngành đồng tình cao với tinh thần của đề án, bà con vùng đồng bào miền núi chủ yếu thức ăn bản địa, hạn chế thức ăn công nghiệp nên phù hợp, có tác dụng ổn định đời sống cho bà con, nhất là vùng tái định cư thủy điện. Các chính sách hỗ trợ nếu có thì chỉ hỗ trợ cho bà con mua lồng bè hoặc các giống vật nuôi là đặc sản bản địa, hỗ trợ nhân giống, không phải hỗ trợ thức ăn. Để phát triển bền vững, phải hình thành các hợp tác xã, thu hút doanh nghiệp đồng hành, thu mua, chế biến, liên kết, tìm đầu ra cho sản phẩm…
Trên cơ sở tiếp thu các ý kiến phát biểu của các địa phương và sở ngành, đồng chí Nguyễn Văn Đệ – Phó Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp thu các ý kiến phát biểu của địa phương và sở ngành để chỉnh sửa lại đề án, sớm trình UBND tỉnh ban hành cuối tháng 12/2023 để áp dụng từ năm 2024.
Thống nhất với đề xuất các sở, ngành là vùng nuôi và mô hình nuôi phải được cấp phép thì mới được hỗ trợ, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng lưu ý, để khai thác hiệu quả tiềm năng hồ đập và mang lại giá trị kinh tế, đề nghị Sở Nông nghiệp và PTNT rà soát các đề án trước và tập trung đề xuất chính sách mới hỗ trợ bà con mua lồng bè, lắp đặt trang thiết bị quan trắc, sản xuất giống bản địa…; Đồng thời có các cơ chế huy động hiệu quả nguồn lực từ xã hội, doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này./.