Mục đích nhằm đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh giai đoạn 2023 – 2025 và các năm tiếp theo; phấn đấu hàng năm tiết kiệm tối thiểu 2,0% tổng điện năng tiêu thụ trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn 2023-2025; phấn đấu đến hết năm 2025, 100% chiếu sáng đường phố sử dụng đèn LED; đến năm 2030 có 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu (phục vụ tiêu thụ tại chỗ, không bán điện vào hệ thống điện quốc gia).
UBND tỉnh yêu cầu toàn thể nhân dân, các tổ chức sử dụng điện trên địa bàn tỉnh phải có trách nhiệm trong việc sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả. Các hoạt động tiết kiệm điện phải được thực hiện thường xuyên, liên tục, tạo nên ý thức tự giác trong mọi hoạt động của xã hội, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng phát triển bền vững.
Tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 20/CT-TTg; Phổ biến, quán triệt việc thực hiện tiết kiệm điện tới toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của đơn vị, đưa nội dung tiết kiệm điện vào chỉ tiêu đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ, chấp hành kỷ luật nội bộ và thi đua, khen thưởng hàng năm.
Triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp quản lý nhà nước, hỗ trợ kỹ thuật, nghiên cứu khoa học, công nghệ và phát triển sản phẩm, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực; huy động mọi nguồn lực nhằm tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Tuyên truyền, nâng cao nhận thức, hành động của tổ chức, cá nhân về thực hiện Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan; sử dụng điện đúng mục đích, tiết kiệm nhưng vẫn đạt hiệu quả cao; giảm cường độ năng lượng trong các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm và các ngành kinh tế trọng điểm tiêu thụ nhiều năng lượng; hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thành phố, thị xã, các doanh nghiệp và tổ chức, đoàn thể xã hội trên địa bàn tỉnh Nghệ An tập trung thực hiện một số nhiệm vụ và giải pháp sau:
1. Thực hiện tiết kiệm điện tại cơ quan, công sở
– Chủ động phối hợp với đơn vị điện lực tại địa phương xây dựng và tổ chức triển khai kế hoạch tiết kiệm điện cho đơn vị mình, đảm bảo hằng năm tối thiểu tiết kiệm 5,0% và khuyến khích tiết kiệm 10% tổng điện năng tiêu thụ trong năm đối với trường hợp thiếu điện.
– Xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện hiệu quả quy chế về tiết kiệm điện, các quy định về sử dụng, bảo dưỡng và sửa chữa các trang thiết bị tiêu thụ điện tại cơ quan, đơn vị.
– Phổ biến, quán triệt việc thực hiện tiết kiệm điện tới toàn thể người lao động, đưa nội dung tiết kiệm điện vào chỉ tiêu đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ, chấp hành kỷ luật nội bộ và thi đua, khen thưởng hằng năm. Người đứng đầu tại cơ quan, công sở chịu trách nhiệm đối với những trường hợp vi phạm các quy định về tiết kiệm điện tại đơn vị mình.
– Tăng cường thực hiện Quyết định số 68/2011/QĐ-TTg ngày 12 tháng 12 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục phương tiện, thiết bị tiết kiệm năng lượng được trang bị, mua sắm đối với cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách Nhà nước.
– Đôn đốc, rà soát và thường xuyên kiểm tra việc thực hiện nội quy và các quy định hiện hành về tiết kiệm điện.
2. Thực hiện tiết kiệm điện trong chiếu sáng công cộng, chiếu sáng cho mục đích quảng cáo, trang trí ngoài trời
– Các tổ chức, cá nhân quản lý vận hành hệ thống chiếu sáng công cộng, hệ thống chiếu sáng cho mục đích quảng cáo, trang trí ngoài trời chủ trì, phối hợp với cơ sở cung cấp điện xây dựng và tổ chức triển khai kế hoạch tiết kiệm điện, theo đó, phải đảm bảo tối thiếu tiết kiệm 30% tổng điện năng tiêu thụ trong giai đoạn 2023 – 2025 cho các hoạt động chiếu sáng trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
– Áp dụng các giải pháp quản lý, quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật chiếu sáng công cộng; thay thế các đèn trang trí, đèn chiếu sáng, đèn quảng cáo bằng đèn tiết kiệm điện; áp dụng công nghệ điều khiển tự động trong chiếu sáng công cộng, chiếu sáng cho mục đích quảng cáo, trang trí ngoài trời. Đẩy mạnh triển khai áp dụng các giải pháp công nghệ tiết kiệm năng lượng cho các thiết bị phục vụ mục đích quảng cáo, trang trí, chiếu sáng công cộng.
– Triển khai các giải pháp công nghệ tiết kiệm điện trong chiếu sáng công cộng, sử dụng thiết bị chiếu sáng hiệu suất cao, tiết kiệm điện cho 100% công trình chiếu sáng công cộng chuẩn bị đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp.
– Đẩy nhanh quá trình thực hiện tự động hóa chiếu sáng theo khung thời gian và điều kiện thời tiết của các công trình chiếu sáng công cộng.
– Các nhà hàng, khách sạn, cơ sở dịch vụ thương mại, tổ hợp văn phòng và tòa nhà chung cư tắt hoặc giảm tối thiểu 50% công suất chiếu sáng quảng cáo trang trí ngoài trời vào cao điểm buổi tối của hệ thống điện theo yêu cầu của đơn vị điện lực địa phương; tuân thủ các quy định về chiếu sáng tiết kiệm và hiệu quả, sẵn sàng cắt, giảm nhu cầu sử dụng điện khi có thông báo của đơn vị điện lực tại địa phương trong trường hợp xảy ra thiếu điện.
3. Thực hiện tiết kiệm điện tại các hộ gia đình
– Khuyến khích, hỗ trợ người dân sử dụng các thiết bị điện được dán nhãn năng lượng theo Quyết định số 04/2017/QĐ-TTg ngày 9/3/2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định danh mục phương tiện, thiết bị phải dán nhãn năng lượng, áp dụng mức hiệu suất năng lượng tối thiểu và lộ trình thực hiện.
– Tập huấn, hướng dẫn việc sử dụng các chế độ vận hành tiết kiệm điện đối với các thiết bị gia dụng tiêu thụ nhiều điện (tủ lạnh, điều hòa không khí, quạt, bình nước nóng, máy giặt, hệ thống chiếu sáng,…); tuyên truyền, hướng dẫn và yêu cầu các hộ gia đình thực hiện các biện pháp sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả tại gia đình như: Tắt các thiết bị điện khi ra khỏi phòng, tắt nguồn điện nếu không sử dụng, các thiết bị điện; chỉ sử dụng điều hòa nhiệt độ khi thật cần thiết và để ở nhiệt độ 26°C trở lên; ưu tiên mua sắm các phương tiện, thiết bị điện hiệu suất cao hoặc thiết bị điện có dán nhãn tiết kiệm năng lượng; hạn chế tối đa sử dụng bóng đèn sợi đốt; khuyến khích lắp đặt và sử dụng hệ thống điện mặt trời trên mái nhà, hệ thống đun nước nóng từ năng lượng mặt trời đến hộ gia đình.
4. Thực hiện tiết kiệm điện tại các cơ sở kinh doanh thương mại và dịch vụ
– Xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện có hiệu quả việc sử dụng điện, quy tắc về sử dụng điện tiết kiệm, an toàn và hiệu quả tại các cơ sở kinh doanh, dịch vụ (siêu thị, trung tâm thương mại, nhà hàng, cơ sở lưu trú, cửa hàng, khách sạn, tổ hợp văn phòng, chung cư,…), cụ thế hóa mục tiêu tiết kiệm điện hàng năm, đưa ra các giải pháp để thực hiện.
– Phổ biến thực hiện nội quy, quy định về tiết kiệm điện của cơ sở cho khách hàng.
– Xây dựng kế hoạch, kịch bản phối hợp với các đơn vị điện lực tại địa phương trong cắt giảm phụ tải.
– Triển khai chương trình khuyến khích sử dụng nguồn năng lượng tại chỗ bằng các nguồn năng lượng tái tạo, các thiết bị điện sử dụng năng lượng tái tạo.
5. Thực hiện tiết kiệm điện tại doanh nghiệp sản xuất
– Lập kế hoạch và triển khai thực hiện kế hoạch tiết kiệm tại đơn vị; xây dựng chương trình huy động hệ thống phát điện dự phòng trong trường hợp xảy ra thiếu điện.
– Khuyến khích triển khai chương trình các doanh nghiệp tham gia thỏa thuận tự nguyện thực hiện các giải pháp về tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm điện và tư vấn thực hiện các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả
– Đẩy mạnh triển khai thực hiện Quyết định số 279/QĐ-TTg ngày 8/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình quốc gia về quản lý nhu cầu điện giai đoạn 2018 – 2020, định hướng đến năm 2030.
– Triển khai thực hiện các giải pháp sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả như: Đảm bảo sử dụng đúng công suất và biểu đồ phụ tải; thực hiện kế hoạch sản xuất hợp lý; hạn chế tối đa việc huy động các thiết bị, máy móc có công suất tiêu thụ điện lớn vào giờ cao điểm; hạn chế tối đa các thiết bị điện hoạt động không tải.
– Lắp đặt, tích hợp các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, năng lượng gió vào hệ thống năng lượng nội bộ theo đúng quy trình, quy định; ưu tiên sử dụng các thiết bị được dán nhãn năng lượng hiệu suất cao.
– Các cơ sở sử dụng năng lượng có điện năng tiêu thụ từ 01 triệu kWh/năm trở lên phải tiết kiệm ít nhất 2% điện năng tiêu thụ trên một đơn vị sản phẩm mỗi năm hoặc phải tiết kiệm ít nhất 2% tổng điện năng tiêu thụ trong năm; rà soát, đảm bảo việc chấp hành, tuân thủ các quy định của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
– Tuân thủ các quy định về định mức tiêu hao năng lượng trên một đơn vị sản phẩm đối với các cơ sở sản xuất thuộc đối tượng điều chỉnh các Thông tư quy định về định mức tiêu hao năng lượng.
– Khuyến khích xây dựng, triển khai áp dụng hệ thống quản lý năng lượng theo tiêu chuẩn ISO 50001:2018 tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Thực hiện kiểm toán năng lượng định kỳ, xây dựng và thực hiện các mục tiêu, giải pháp về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả hàng năm.
– Tăng cường thúc đẩy các kỹ thuật tiết kiệm năng lượng tiên tiến, thúc đẩy cải tiến công nghệ trong các ngành tiêu thụ nhiều năng lượng, tối ưu hóa nguyên liệu sản xuất, loại bỏ năng lực sản xuất lạc hậu, tiếp tục nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng thông qua đầu tư các dự án tiết kiệm năng lượng.
– Triển khai và áp dụng các hướng dẫn kỹ thuật về tiết kiệm điện và sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, khai thác và sử dụng cẩm nang công nghệ về tiết kiệm năng lượng cho các ngành công nghiệp tiêu thụ nhiều năng lượng trên cả nước.
– Đối với các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm trên địa bàn tỉnh tuân thủ các quy định của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và các văn bản liên quan. Hàng năm lập kế hoạch, báo cáo thực hiện kế hoạch sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả theo quy định tại Thông tư số 25/2020/TT-BCT ngày 29/9/2020 của Bộ Công Thương quy định về việc lập kế hoạch, báo cáo thực hiện kế hoạch sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.