Khảo sát hiệu quả thực tế tại thôn, bản
Để đánh giá được hiệu quả thực tế của mô hình “Tổ tiết kiệm và vay vốn bền vững gắn với sinh hoạt cộng đồng” (gọi tắt là Tổ vay vốn), đại diện Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh phối hợp với đơn vị cơ sở, các cấp chính quyền, hội, đoàn thể ở huyện Con Cuông đã về dự sinh hoạt bà con bản Hua Nà, xã Lục Dạ và bản Xiềng, xã Môn Sơn. Qua đó cùng với người dân trao đổi, thảo luận về các hoạt động, kết quả sau một thời gian triển khai.
Tại bản Hua Nà, Tổ vay vốn của bản có 46 tổ viên, trong đó hiện có 38 hộ vay vốn; dư nợ hiện tại hơn 2,1 tỷ đồng, số dư tiết kiệm hơn 120 triệu đồng và không có nợ xấu.
Tổ trưởng Tổ vay vốn bản Hua Nà Ngân Thị Hiền cho biết, 46 tổ viên hiện đang tham gia sinh hoạt đều đặn hàng tháng. Tại các buổi sinh hoạt, các tổ viên trao đổi kinh nghiệm trong vay vốn, đầu tư sản xuất, gây quỹ của tổ để hỗ trợ nhau trong cuộc sống. Các tổ viên cũng trao đổi, học tập kinh nghiệm từ các mô hình kinh tế hiệu quả. Nhờ vậy, năm 2022 bản Hua Nà đã giảm từ 58 hộ nghèo xuống còn 48 hộ; 10 tháng đầu năm 2023 giảm được 5 hộ nghèo.
Bí thư Chi bộ bản Hua Nà Lương Thị Phượng cũng khẳng định, thông qua hoạt động của tổ vay vốn đã giúp các thành viên trong tổ gắn kết, hoạt động hiệu quả hơn. Việc kết hợp sinh hoạt tổ vay vốn gắn với hoạt động cộng đồng giúp các tổ viên hào hứng, tham gia tích cực. Nhất là lồng ghép công tác vay vốn, tiết kiệm với việc sinh hoạt câu lạc bộ dân ca, câu lạc bộ gia đình trẻ… nên thường xuyên thu hút hơn 40 người tham gia.
Cũng nhờ thu hút được các thành viên sinh hoạt đông đủ và đều đặn, nên việc thu lãi suất, huy động tiết kiệm được đảm bảo hơn, số tiền tiết kiệm tăng hơn so với trước, thu lãi nhanh chóng. Ví như bản Hua Nà có lợi thế về nuôi vịt bầu, mỗi tháng khi sinh hoạt tổ, khi có thành viên cần vay vốn, các thành viên mang theo 200 ngàn đồng góp quỹ tổ để giúp hộ hội viên đó mua con giống chăn nuôi.
Cũng với cách làm tương tự, tại bản Xiềng, xã Môn Sơn, thông qua trao đổi với người dân và cán bộ UBND xã, các hội, đoàn thể ở địa phương đều khẳng định hiệu quả tích cực của mô hình tổ tiết kiệm và vay vốn bền vững gắn với sinh hoạt cộng đồng.
Bà Lô Thị Mậu – Chủ tịch UBND xã Lục Dạ cũng khẳng định việc thành lập 4 tổ tiết kiệm và vay vốn bền vững gắn hoạt động cộng đồng ở 11 thôn bản của Lục Dạ, UBND xã cũng đã quán triệt các tổ trưởng, tổ viên tuân thủ các quy định, phát huy sự đoàn kết cộng đồng. Cán bộ xã, các chi hội, đoàn thể sẽ hỗ trợ, giúp đỡ thêm để các tổ phát huy hiệu quả. Mô hình mới này nhằm hỗ trợ thêm người dân phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, khắc phục tình trạng bình xét vay vốn chưa công bằng trước đây.
Đề xuất duy trì mô hình
Sau khi khảo sát, đánh giá, lắng nghe ý kiến của người dân ở các thôn bản, chiều 21/11, đoàn công tác đã có cuộc thảo luận cùng với các cấp hội, đoàn thể huyện Con Cuông về việc triển khai mô hình tổ tiết kiệm và vay vốn bền vững gắn với sinh hoạt cộng đồng trên địa bàn.
Tại buổi thảo luận, sau khi tổng hợp lại tình hình, thông tin mà người dân đã trao đổi với đoàn công tác, các thành viên đoàn công tác đã tổng kết, đánh giá và thảo luận, đề xuất phương hướng thực hiện.
Đại diện Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh mong muốn cùng với hoạt động vay vốn ngân hàng, chính quyền và người dân lồng ghép các hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội để phát huy tốt nguồn vốn vay, phát huy sự tương trợ nhau trong cuộc sống để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho bà con.
Ông Nguyễn Việt Nam – Giám đốc Ngân hàng Chính sách huyện Con Cuông cho biết, ban đầu mô hình này triển khai ở mỗi xã, mỗi tổ chức hội 1 tổ. Trong 2 năm 2020 – 2021, Con Cuông đã tổ chức được 67 tổ, trong đó Hội Nông dân 18 tổ, Hội Phụ nữ 31 tổ, Đoàn Thanh niên 7 tổ… Hiện có nhiều tổ hoạt động đều đặn, gắn kết. Các thành viên trong tổ tiết kiệm và vay vốn tích cực hỗ trợ các hộ yếu thế hơn phát huy hiệu quả nguồn vốn vay. Một số khác lại giúp nhau trong cuộc sống thông qua sinh hoạt tổ.
Bà Lữ Thị Khuyên – Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Con Cuông nêu ý kiến, qua hoạt động của các tổ tiết kiệm vay vốn gắn với hoạt động cộng đồng cho thấy, các mô hình vay vốn phát triển kinh tế của hội viên hội phụ nữ đã phát huy hiệu quả, không có dư nợ xấu. Từ nguồn vốn vay, phụ nữ Con Cuông đã có nhiều hơn các cơ hội tham gia phát triển kinh tế ở địa phương, nhất là chăn nuôi trồng trọt và làm du lịch cộng đồng. Thậm chí từ những mô hình vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội, nhiều chị em đã vươn lên khấm khá và viết đơn xin thoát nghèo. Nếu trong tổ có trường hợp nguy cơ không trả nợ lãi đúng hạn thì các tổ viên khác cùng góp lại giúp hội viên đó trả lãi đúng hạn, thậm chí góp tiết kiệm đúng hạn.
Bên cạnh đó, qua hoạt động của tổ, ngoài vay vốn thì chị em còn được trao đổi, cập nhật các kiến thức văn minh lịch sự, các nếp sống văn hoá, giảm các hủ tục và được tham gia cùng nhau nhiều hơn các hoạt động cộng đồng.
Hội Nông dân huyện Con Cuông cũng ghi nhận hiệu quả tích cực của mô hình. Cùng với hoạt động vay vốn tiết kiệm, thông qua sinh hoạt tổ vay vốn có thể tuyên truyền hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng mà địa phương cần triển khai đến người dân. Về phía ngân hàng cũng có sự phối hợp chặt chẽ với các cấp hội nên việc giải ngân vốn vay, huy động tiết kiệm và tổ chức sinh hoạt cộng đồng ở cơ sở nhiều hơn để thu hút nhiều người dân tham gia.
Đại diện Hội Cựu chiến binh, Huyện đoàn Con Cuông cũng cho rằng, qua thực tế triển khai vay vốn của hội viên hội cựu chiến binh cho thấy đây là mô hình tích cực nên duy trì. Tuy nhiên, nhân rộng hoặc chọn địa bàn thực hiện thì cần lựa chọn địa phương phù hợp. Quy chế hoạt động của tổ cũng cần có quy định cụ thể, thống nhất; định kỳ có đánh giá hiệu quả, học tập kinh nghiệm, trao đổi để mô hình ngày càng phát huy tốt hơn.
Bên cạnh đánh giá các mặt tích cực, đoàn công tác cũng chỉ ra những tồn tại, vướng mắc cần khắc phục. Ví như về quy định văn bản chưa chặt chẽ, dẫn đến cách thức hoạt động, tổ chức của một số tổ chưa chặt chẽ, bài bản nên phần nào ảnh hưởng đến chất lượn. Một số địa phương thành viên tham gia tổ còn ít do hoạt động cộng đồng tại địa phương chưa rõ nét./.