Sản phẩm du lịch chưa phong phú
Đánh giá về du lịch Nghệ An những năm gần đây, nhiều người có chung ý kiến: Sản phẩm du lịch tuy đã cải thiện nhưng chưa tạo bước đột phá, chưa có sản phẩm tạo thương hiệu đặc trưng.
Phố biển Cửa Lò và Khu di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên (Nam Đàn) là những trọng điểm du lịch của Nghệ An trong nhiều năm qua. Nhưng nhìn nhận một cách khách quan, điểm đến Cửa Lò phần lớn vẫn là khách nội tỉnh, lượng khách ngoại tỉnh có xu hướng giảm dần, nhất là khi thời gian gần đây trong vùng xuất hiện nhiều khu du lịch biển.
Còn khách về Khu di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên chủ yếu là hành hương theo chương trình về nguồn, bày tỏ niềm tôn kính và biết ơn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Cho đến nay, nói đến du lịch Nghệ An, không ít du khách ở các tỉnh phía Nam và phía Bắc nghĩ rằng ở đây chỉ biển Cửa Lò và quê Bác. Điều đó phản ánh thực tế về sản phẩm du lịch của Nghệ An chưa phong phú và tạo được bước đột phá, từ đó chưa thu hút được nhiều du khách về trải nghiệm.
Ông Nguyễn Ngọc An – Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Lữ hành Fiditour – Vietluxtour (Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, trong suy nghĩ của người dân mọi miền trong nước, du lịch Nghệ An chủ yếu là các chương trình “về nguồn”, đưa du khách về với Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên; về với biển Cửa Lò mộc mạc đơn sơ, chưa đủ để “níu chân” du khách, đặc biệt là du khách phương Nam.
Bởi vì, do đặc thù về khí hậu nên việc khai thác du lịch chỉ được một nửa thời gian trong năm. Còn với các tỉnh phía Nam, Nghệ An vẫn chưa đủ sức thu hút các trung tâm du lịch lớn như Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, mặc dù đã có đường bay thẳng từ các địa phương này.
Cùng chung nhận định với ông Nguyễn Ngọc An, ông Nguyễn Phi Phong – Trưởng phòng Sản phẩm, Công ty CP Du lịch Mytour (Hà Nội) cho biết: “Nghệ An đang tập trung vào phát triển du lịch biển ở Cửa Lò và các điểm đến lịch sử tâm linh như Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên. Điều đó khiến cho du khách đến từ các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ luôn nghĩ Nghệ An chỉ có Cửa Lò và quê Bác. Việc này gây nên những hạn chế cho sự phát triển kinh tế du lịch Nghệ An, vì du lịch biển mỗi năm chỉ khai thác được mấy tháng mùa nắng nóng”.
Cơ cấu lại sản phẩm
Từ thực tế vừa nêu, tỉnh Nghệ An đã xác định được yêu cầu cấp thiết hiện nay là từng bước cơ cấu lại các sản phẩm du lịch theo hướng phát triển có trọng tâm, trọng điểm và nâng cao chất lượng trên cơ sở xây dựng sản phẩm đặc thù mang thương hiệu du lịch Nghệ An.
Bởi lẽ, theo đánh giá của các chuyên gia, du lịch Nghệ An vẫn còn nhiều tiềm năng để tiếp tục phát triển bằng cách xây dựng những sản phẩm mới và làm mới những sản phẩm đã có. Đặc biệt, khu vực miền Tây với phong cảnh núi rừng hùng vĩ và thơ mộng, bản làng trù phú cùng nét đặc sắc về đời sống văn hóa, phong tục của đồng bào các dân tộc là tài nguyên quý giá để xây dựng sản phẩm du lịch.
Từng tham gia đoàn Famtrip khảo sát ở Nghệ An, ông Nguyễn Ngọc An cho biết, đã phát hiện ra nhiều tuyến, điểm du lịch có thể khai thác, tạo ra nhiều loại hình sản phẩm khác nhau, phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng, có thể khai thác quanh năm.
Ông An tạm đề xuất các loại hình du lịch mới ngoài các tour truyền thống có thể khai thác ngay gồm: Du lịch thể thao, mạo hiểm leo núi dã ngoại gắn liền với đỉnh Puxailaileng (Kỳ Sơn) và với sông Giăng, Phà Lài (Con Cuông); Du lịch văn hoá trải nghiệm bản sắc các dân tộc vùng cao…
Tuy nhiên, để triển khai các loại hình sản phẩm này, trước hết cần chuẩn chỉnh lại các dịch vụ hỗ trợ như cơ sở lưu trú, phương tiện vận chuyển, công tác hướng dẫn, thực đơn và các đầu mối lữ hành địa phương.
Còn ông Nguyễn Phi Phong cũng nhận thấy ở Nghệ An ngoài Cửa Lò, Cửa Hội, quê Bác thì các điểm đến như đỉnh Puxailaileng (Kỳ Sơn), Vườn Quốc gia Pù Mát, sông Giăng – Phà Lài (Con Cuông) và Hòn Mát (Nghĩa Đàn)… là những điểm đến hấp dẫn của du khách ở các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh.
Vấn đề ở đây là sự quảng bá, truyền thông của các đơn vị lữ hành đang yếu và chưa triển khai một cách đồng bộ, nhất quán. Hiện tại, công tác truyền thông du lịch chưa đủ lực để thúc đẩy du lịch miền Tây Nghệ An cất cánh.
Để du lịch Nghệ An phát triển hơn nữa, cần đảm bảo các yếu tố: Các công ty lữ hành bắt tay vào nghiên cứu và xây dựng sản phẩm du lịch chuyên nghiệp nhất, nghiên cứu đối tượng và thời gian lưu trú phù hợp cho tệp khách hàng; các điểm đến cần có hỗ trợ pháp lý về du lịch an toàn, cơ sở lưu trú đạt chuẩn.
Lãnh đạo Sở Du lịch cho biết, hiện tại ngành Du lịch đang xây dựng hai sản phẩm mới, thứ nhất là sản phẩm “Chèo thuyền kayak – đi bộ, leo núi (trekking) – đạp xe đạp địa hình leo núi (mountain biking) từ đập Phà Lài (bản Xiềng) đi bản Cò Phạt (xã Môn Sơn – Con Cuông)”. Thứ hai là sản phẩm “Chinh phục đỉnh Puxailaileng” (Kỳ Sơn) – nơi được xem là “nóc nhà của dãy Trường Sơn Bắc”.
Với hai sản phẩm du lịch này (đang trong quá trình hoàn thiện), ngành du lịch kỳ vọng sẽ thu hút lượng khách lớn, nhất là khách quốc tế. Các sản phẩm này sẽ được gắn kết với các sản phẩm truyền thống như du lịch cộng đồng, tham quan các di tích, danh thắng trong vùng để hỗ trợ lẫn nhau và giữ chân khách du lịch.