UBND tỉnh Nghệ An vừa ban hành công điện số 37/CĐ-UBND ngày 13/12/2023 về việc tăng cường công tác PCCC trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn và các lễ hội Xuân năm 2024
Công điện nêu rõ, thời gian qua, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương tập trung triển khai đồng bộ nhiều biện pháp, giải pháp công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH), qua đó đạt nhiều kết quả tích cực, số vụ cháy được kiềm chế, làm giảm, không để xảy ra cháy gây thiệt hại về người. Tuy nhiên, nghiêm túc đánh giá, tình hình cháy, nổ trên địa bàn có thời điểm còn diễn biến phức tạp, số vụ cháy còn xảy ra nhiều, xảy ra 1 vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản, cụ thể: Từ ngày 15/12/2022 đến 14/11/2023, trên địa bàn tỉnh xảy ra 68 vụ cháy không gây thiệt hại về người, thiệt hại về tài sản ước tính khoảng 26 tỷ đồng.
Nguyên nhân để xảy ra cháy chủ yếu do công tác theo dõi, quản lý về PCCC và CNCH ở các đơn vị, địa phương còn một số tồn tại; người đứng đầu các cơ quan, tổ chức và chủ hộ gia đình chưa quan tâm đúng mức đến công tác đảm bảo an toàn PCCC; vi phạm các quy định về an toàn PCCC còn xảy ra nhiều, đặc biệt trong quản lý, sử dụng điện, nguồn nhiệt, ngọn lửa trần…; lực lượng PCCC tại chỗ có nơi hoạt động chưa hiệu quả, còn lúng túng trong xử lý vụ việc khi xảy ra cháy; phương tiện chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ có nơi còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu công tác chữa cháy trong tình hình mới.
Thời gian tới, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu:
Các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, UBND các huyện, thành phố, thị xã tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; chỉ đạo của Bộ Công an, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh về công tác PCCC và CNCH.
Tăng cường công tác quản lý nhà nước về PCCC tại đơn vị, địa phương, cơ quan, doanh nghiệp; phát huy hiệu quả phương châm “4 tại chỗ”. Tích cực phối hợp và hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng Công an, Quân đội, Bộ đội Biên phòng đóng quân trên địa bàn để chữa cháy kịp thời, hiệu quả khi xảy ra cháy, nổ; hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản, sớm khắc phục hậu quả, ổn định tình hình trên địa bàn. Tăng cường kiểm tra công tác sẵn sàng chiến đấu của lực lượng dân phòng và các điều kiện phục vụ công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại chỗ.
Ban hành văn bản chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, tổ chức trên địa bàn tăng cường công tác PCCC và CNCH, tổ chức ký cam kết, tự giác chấp hành các quy định của pháp luật về PCCC, phòng ngừa từ xa không để xảy ra cháy, nổ lớn. Yêu cầu các cơ sở, cụm dân cư tăng cường lực lượng bảo vệ, tuần tra canh gác đảm bảo an toàn PCCC trong mùa hanh khô, dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Giáp Thìn và các lễ hội Xuân năm 2024.
Các địa phương tổ chức các lễ hội Xuân phải tập trung chỉ đạo bảo đảm an toàn PCCC tại chỗ, như: Tuyên truyền, khuyến cáo các nội quy PCCC; tổ chức lực lượng, trang bị phương tiện và huấn luyện nghiệp vụ PCCC đối với lực lượng tại chỗ; xây dựng, tổ chức thực tập phương án chữa cháy, đặc biệt lưu ý phương án chữa cháy tại các bãi đỗ xe; cứu nạn, cứu hộ nơi tập trung đông người…
Chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp tăng cường xây dựng chuyên mục về PCCC, thường xuyên tuyên truyền về công tác PCCC, xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến về PCCC, tăng cường thời lượng phát sóng, phát thanh, đưa tin trong mùa hanh khô, dịp lễ, hội và Tết Nguyên đán năm 2024 gắn với công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc…
Công an tỉnh phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân trong việc sử dụng gas, điện, hóa chất, sắp xếp, lưu trữ hàng hóa, trang bị phương tiện PCCC, thoát nạn, thoát hiểm; tuyên truyền các biện pháp phòng ngừa cháy tại loại hình nhà ở kết hợp kinh doanh, tại các khu công nghiệp, siêu thị, chợ, trung tâm thương mại, khu di tích văn hóa, chung cư, nhà cao tầng…
Tổ chức tổng kiểm tra, rà soát về PCCC và CNCH đối với các cơ sở thuộc diện quản lý Nhà nước về PCCC, tập trung kiểm tra kỹ các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự, cơ sở có quy mô lớn, tập trung đông người, có tính chất nguy hiểm, cháy, nổ cao như: Khách sạn, nhà trọ, cơ sở kinh doanh karaoke, quán bar, vũ trường, chung cư, nhà cao tầng, chợ, trung tâm thương mại, nhà kho, xưởng sản xuất… Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về PCCC và CNCH; kiên quyết tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động theo quy định của pháp luật.
Đối với các cơ sở còn tồn tại, vi phạm về PCCC và CNCH, phải tổ chức phúc tra, kiểm tra việc thực hiện của cơ sở, bảo đảm khắc phục triệt để các tồn tại, vi phạm về PCCC và CNCH theo quy định. Duy trì nghiêm túc chế độ thường trực chiến đấu 24/24 giờ; bảo đảm sẵn sàng cứu chữa kịp thời, hiệu quả khi có sự cố cháy, nổ xảy ra. Tăng cường công tác huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ PCCC đối với lực lượng PCCC Công an các cấp và lực lượng khác theo quy định.
Thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra các đơn vị, địa phương triển khai thực hiện các giải pháp về PCCC. Tham mưu thành lập các đoàn kiểm tra để đôn đốc, đánh giá, chấn chỉnh kịp thời những sơ hở, thiếu sót; đồng thời phối hợp tham mưu khen thưởng các đơn vị địa phương thực hiện tốt, phê bình các đơn vị, địa phương thực hiện kém hiệu quả, thiếu trách nhiệm…
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp Công an tỉnh và cơ quan, đơn vị liên quan triển khai các phương án, biện pháp PCCC và CNCH tại các cơ sở, đơn vị quốc phòng hoạt động trên địa bàn tỉnh thuộc thẩm quyền quản lý; sẵn sàng huy động lực lượng, phương tiện tham gia chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ khi có yêu cầu.
Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan thông tấn báo chí phối hợp Công an tỉnh và các đơn vị liên quan xây dựng, tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, internet, các trang mạng xã hội… Nội dung tuyên truyền cần tập trung phổ biến, giáo dục kiến thức pháp luật PCCC; cảnh báo nguy cơ xảy ra cháy tại các cơ sở, nhà dân trong mùa hanh khô và Tết Nguyên đán năm 2024; những hậu quả, tác hại và những chế tài xử lý đối với hành vi vi phạm quy định pháp luật về PCCC; kết quả xử lý của các lực lượng chức năng; hình thức biểu dương người tốt, việc tốt trong công tác PCCC và CNCH…
Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Nghệ An xây dựng các phóng sự, bài viết phản ánh các hành vi thiếu tinh thần trách nhiệm, các vi phạm nghiêm trọng về PCCC của các cơ sở, cá nhân có liên quan để nâng cao tính giáo dục, phòng ngừa; tuyên truyền về công tác triển khai diễn tập, tập huấn về PCCC và CNCH ở các cơ quan, tổ chức, đơn vị trên địa bàn tỉnh; cảnh báo, khuyến cáo việc thực hiện công tác PCCC và CNCH tại những nơi có nguy cơ cháy nổ cao như các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhà hàng, các khu chợ, khu dân cư, các nhà chung cư… trong đó, chú trọng thực hiện vào các khung giờ vàng để thu hút đông đảo người dân tham gia theo dõi.
Sở Công Thương tăng cường quản lý nhà nước về điện, phối hợp Công an tỉnh trong việc tuyên truyền, hướng dẫn công tác phòng cháy, chữa cháy đối với cá nhân, tổ chức kinh doanh, sử dụng điện và các chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ trong phạm vi quản lý.
Công ty Điện lực Nghệ An, Truyền tải điện Nghệ An chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường kiểm tra hệ thống, mạng lưới điện để phòng ngừa nguy cơ gây mất an toàn phòng cháy, chữa cháy từ hệ thống, thiết bị điện. Tuyên truyền, khuyến cáo, kiểm tra, hướng dẫn các biện pháp đảm bảo an toàn khi sử dụng điện tại các hộ gia đình, các khu dân cư có nguy cơ cháy, nổ cao. Kịp thời phối hợp lực lượng Công an xử lý các vụ việc liên quan khi xảy ra cháy.
Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chỉ đạo lực lượng Kiểm lâm tăng cường công tác kiểm tra an toàn PCCC rừng; thường xuyên phối hợp UBND các huyện, thành phố, thị xã, cơ quan, đơn vị có liên quan xác định và cảnh báo sớm các khu rừng có nguy cơ xảy ra cháy để chủ động phòng ngừa; hướng dẫn cho cán bộ và nhân dân thực tập phương án, biện pháp phòng ngừa, đảm bảo an toàn PCCC rừng; đôn đốc các sở, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm túc Công văn số 7056/UBND-NC ngày 23/8/2023 về việc tăng cường công tác PCCC và CNCH đối với tàu cá, cảng cá.
Sở Văn hóa và Thể thao chỉ đạo tăng cường kiểm tra việc thực hiện nội quy ra, vào khu di tích, việc sử dụng các phương tiện, công cụ dễ gây cháy tại các khu di tích (thiết bị điện, thắp hương, đốt vàng mã…), đặc biệt chú ý Khu di tích Kim Liên, Khu di tích cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong, Đền Chung Sơn, Đền thờ vua Quang Trung… Phối hợp các đơn vị liên quan triển khai các biện pháp phòng ngừa, ứng phó khi có cháy, nổ xảy ra tại các khu di tích, các khu vực quản lý.
Sở Tài chính trên cơ sở cân đối ngân sách tại địa phương, tham mưu bố trí nguồn kinh phí để triển khai các hoạt động PCCC và CNCH trên địa bàn tỉnh theo đúng quy định.
Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các tổ chức thành viên (Tỉnh Đoàn, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, Hội Cựu chiến binh tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, Liên đoàn lao động tỉnh, Hội người cao tuổi tỉnh…) phối hợp các sở, ban, ngành cấp tỉnh và chính quyền các cấp tăng cường công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên, Nhân dân thực hiện tốt công tác PCCC; phối hợp các lực lượng chức năng tổ chức chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ khi có sự cố cháy, nổ xảy ra.