Mục đích, yêu cầu Kế hoạch số 875/KH-UBND/2023 là phát huy vai trò, trách nhiệm điều hành của các sở, ngành cấp tỉnh và UBND các huyện, thành, thị để thúc đẩy cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tỉnh Nghệ An, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI.
Mục tiêu cụ thể là nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến nhà đầu tư, doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo sự cạnh tranh, thi đua và đánh giá về chất lượng điều hành quản lý giữa các sở, ngành cấp tỉnh và UBND cấp huyện; nâng cao hiệu lực trong chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo UBND tỉnh đến các sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND cấp huyện; tạo kênh thông tin tin cậy và rộng rãi, minh bạch để nhà đầu tư, doanh nghiệp được tham gia đóng góp ý kiến xây dựng bộ máy sở, ban, ngành và cấp huyện. Trên cơ sở kết quả DDCI, nghiên cứu giải pháp để nâng cao PCI những năm tiếp theo.
Yêu cầu phương pháp xây dựng hệ thống bộ chỉ số và tiêu chí đánh giá DDCI được lựa chọn tương tự như các chỉ số PCI, trên cơ sở áp dụng linh hoạt, phù hợp với thực tiễn tại Nghệ An, tiếp thu báo cáo kết quả DDCI năm 2022 và có sự tham vấn của chuyên gia PCI trong quá trình xây dựng, triển khai thực hiện.
Việc khảo sát, lấy ý kiến phải được thực hiện với nội dung, tiêu chí, đối tượng cụ thể, thiết thực về những vấn đề doanh nghiệp quan tâm khi liên hệ giải quyết thủ tục hành chính, phản ánh khách quan tình hình hoạt động cũng như khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư, doanh nghiệp…
+ Phạm vi, quy mô và phương pháp khảo sát: Quy mô mẫu khảo sát thu được khoảng từ 3.000 đến 3.500 mẫu. Số lượng mẫu khảo sát dựa trên số lượng các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh trên địa bàn với kỳ vọng tỷ lệ thu thập dữ liệu thực tế khoảng 60-80% trong khoảng thời gian khảo sát. Phương pháp khảo sát trực tiếp khoảng 50%; khảo sát trực tuyến khoảng 50%. Tỷ lệ khảo sát qua các phương pháp này sẽ được điều chỉnh phù hợp với đặc điểm của mẫu khảo sát và hình thức khảo sát doanh nghiệp mong muốn.
+ Đối tượng được đánh giá gồm 23 đơn vị sở, ngành cấp tỉnh được chia thành 2 nhóm, trong đó, nhóm A gồm các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Giao thông Vận tải, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao động – Thương binh và Xã hội, Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam, Cục Thuế tỉnh, Cục Hải quan, Cục Quản lý thị trường, Bảo hiểm xã hội tỉnh. Nhóm B gồm các Sở: Tài chính, Văn hóa và Thể thao, Y tế, Khoa học và Công nghệ, Giáo dục và Đào tạo, Ngoại vụ, Tư pháp, Du lịch, Ngân hàng Nhà nước, Công an tỉnh.
+ Nguyên tắc xây dựng và triển khai: Việc xây dựng và triển khai bộ chỉ số DDCI trên địa bàn Nghệ An phải đảm bảo các nguyên tắc thực tế, gắn kết trách nhiệm, khả thi, chính xác, có ý nghĩa và bảo mật.
Từ tháng 3 đến tháng 5/2024, tổ chức khảo sát, đánh giá; phân tích, viết báo cáo, trình UBND tỉnh phê duyệt và công bố kết quả vào tháng 5/2024.
Theo kế hoạch này, UBND tỉnh cũng giao trách nhiệm cho Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tỉnh là cơ quan chủ trì có nhiệm vụ phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai các biện pháp tổ chức thực hiện; đồng thời, giao các cơ quan phối hợp là Sở Tài chính thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt dự toán và cấp kinh phí triển khai kế hoạch này; các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện phối hợp cung cấp thông tin; Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh và Báo Nghệ An thường xuyên thông tin tuyên truyền về quá trình thực hiện và công bố chỉ số DDCI của tỉnh.