Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Mùa Xuân là Tết trồng cây, làm cho đất nước càng ngày càng xuân”, những năm qua, các bộ, ngành, các cấp uỷ đảng, chính quyền địa phương và Nhân dân Nghệ An đã hưởng ứng, tham gia tích cực phong trào trồng cây, trồng rừng, bảo vệ rừng, đạt được nhiều thành tựu quan trọng, thiết thực. Qua đó, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, cải thiện môi trường, giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, đảm bảo quốc phòng, an ninh.
Năm 2023, với chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh; cùng với sự nỗ lực, tinh thần sáng tạo, chung sức, đồng lòng vượt qua khó khăn của hàng triệu bà con nông dân, cộng đồng doanh nghiệp công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng trong toàn tỉnh đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Toàn tỉnh đã trồng được trên 22.000 ha rừng trồng tập trung và hơn 8,1 triệu cây xanh phân tán, khai thác trên 1,7 triệu m3 gỗ rừng trồng đảm bảo nguồn cung cấp nguyên liệu ổn định cho công nghiệp chế biến lâm sản; bảo vệ tốt 962.230 ha rừng hiện có; đảm bảo độ che phủ rừng duy trì trên 58%.
Nhằm phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục khó khăn, hạn chế, đồng thời tích cực chuẩn bị tổ chức tốt “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”, nhân dịp Xuân Giáp Thìn 2024, ngay từ những ngày đầu năm, UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc các sở, ban, ngành cấp tỉnh và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã, các đơn vị, chủ rừng tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, động viên các cấp, ngành và nhân dân tích cực tham gia trồng cây, trồng rừng; thực hiện tốt các quy định của pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng và động vật hoang dã.
Đồng thời, đẩy mạnh công tác trồng rừng thâm canh, trồng rừng gỗ lớn, nâng cao năng suất, chất lượng rừng theo tinh thần Chỉ thị số 10-CT/TU ngày 5/10/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đẩy mạnh phát triển vùng nguyên liệu rừng trồng thâm canh chất lượng cao gắn với cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững và công nghiệp chế biến lâm sản giai đoạn 2021-2025; góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai có hiệu quả pháp luật về lâm nghiệp, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Lâm nghiệp; thực hiện nghiêm túc Kết luận số 61- KL/TW ngày 17/8/2023 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 13- CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Đấu tranh, truy quét, phát hiện và xử lý nghiêm theo quy định đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp.
Các cơ quan, đơn vị triển khai đồng bộ, hiệu quả các cơ chế, chính sách trong lâm nghiệp. Xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai hiệu quả, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch năm 2024 về lĩnh vực lâm nghiệp. Chỉ đạo thực hiện tốt công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng, chống chặt phá, khai thác rừng trái pháp luật trước, trong và sau dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Xây dựng kế hoạch tổ chức Lễ phát động “Tết trồng cây” Xuân Giáp Thìn 2024 đảm bảo thiết thực, an toàn, tiết kiệm, phù hợp với nếp sống văn minh, truyền thống văn hóa của dân tộc và phong tục, tập quán tốt đẹp của từng địa phương; tạo điều kiện để các cơ quan, tổ chức, đoàn thể, trường học, lực lượng vũ trang và mọi tầng lớp nhân dân tích cực tham gia trồng cây, trồng rừng.
Thời điểm tổ chức Lễ phát động “Tết trồng cây” Xuân Giáp Thìn 2024 tốt nhất là vào những ngày đầu năm mới. Sau khi trồng phải thực hiện tốt công tác chăm sóc, bảo vệ cây trồng và rừng trồng hiện có để cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt; tổ chức kiểm tra đánh giá kết quả thực hiện “Tết trồng cây” và công tác trồng rừng, bảo vệ rừng tại địa phương, rút kinh nghiệm, biểu dương, khen thưởng kịp thời những tổ chức, cá nhân điển hình làm tốt. Tổng hợp báo cáo kế hoạch tổ chức và kết quả thực hiện về UBND tỉnh theo quy định.
Cùng với đó, tăng cường công tác quản lý chất lượng giống cây trồng lâm nghiệp, lựa chọn loài cây trồng phù hợp, chuẩn bị cây giống chất lượng tốt và tăng tỷ lệ sử dụng giống mô, hom; tranh thủ thời vụ và thời tiết thuận lợi để trồng rừng đảm bảo đạt tỷ lệ cây sống cao; ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong trồng rừng gỗ lớn, nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị rừng trồng; thực hiện chăm sóc, quản lý bảo vệ rừng, phân công trách nhiệm quản lý cụ thể để cây trồng, rừng trồng phát triển tốt.