Cụ thể, đến ngày 3/4, 100% trong số 539 cửa hàng với 1.622 cột bơm trên địa bàn Nghệ An đều thực hiện phát hành hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng. Trong đó: Số cửa hàng thực hiện giải pháp tự động truyền dữ liệu từ trụ cột bơm đến máy tính phát hành hoá đơn điện tử là 93 cửa hàng, 333 cột bơm. Số cửa hàng thực hiện giải pháp sử dụng máy POS cầm tay là 364 cửa hàng, 1.075 cột bơm. Số cửa hàng thực hiện giải pháp truyền dữ liệu xuất hóa đơn qua ứng dụng (app) điện thoại là 82 cửa hàng, 214 cột bơm.
Đối với truyền dữ liệu xuất hóa đơn qua app, các cửa hàng chủ yếu sử dụng phần mềm Dịch vụ hóa đơn điện tử S-Invoice của Viettel được cài trên điện thoại. Đây là phần mềm có phí, có chức năng khởi tạo, lập, gửi, nhận, lưu trữ và quản lý hóa đơn, được ký bằng chữ ký số, có giá trị về mặt pháp lý như hóa đơn giấy thông thường; có thể chuyển đổi thành hóa đơn giấy khi có nhu cầu.
Tuy nhiên, phần mềm này phải thao tác thủ công, nhân viên căn cứ theo số lít trên cột bơm để bấm phát hành hoá đơn và gửi trực tiếp lên cơ quan thuế.
Trong thời gian qua, Cục Thuế Nghệ An đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế; phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành liên quan để giải quyết vướng mắc phát sinh và tìm ra giải pháp tối ưu nhất trong quá trình thực hiện. Ngành Thuế đã phối hợp với các đơn vị cung cấp giải pháp phần mềm hoá đơn điện tử để hướng dẫn các doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu cài đặt, quản lý, sử dụng hóa đơn.
Ngành Thuế yêu cầu các đơn vị kinh doanh xăng, dầu lập hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng tại các cửa hàng bán lẻ xăng, dầu và kết nối dữ liệu với cơ quan thuế theo quy định. Từ đó, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước, chống thất thu thuế và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Ngoài ra, Cục Thuế Nghệ An còn phối hợp chặt chẽ với cơ quan liên quan, triển khai các biện pháp kiểm tra, giám sát nhằm phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm trong công tác kinh doanh mặt hàng xăng, dầu trong đó, có việc chấp hành thực hiện hóa đơn điện tử đối với từng lần bán hàng theo quy định.