Theo lịch, ngày 21/10 là đến kỳ điều hành giá bán lẻ xăng dầu trong nước theo chu kỳ 10 ngày 1 lần. Nhưng do trùng với ngày nghỉ cuối tuần nên theo quy định tại Nghị định 95/2021/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu, kỳ điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu sẽ được chuyển sang ngày đi làm đầu tiên của tuần làm việc mới, tức là ngày thứ Hai (23/10).
Giá xăng, dầu thế giới tuần qua tăng nhẹ với mức tăng hơn 1%. Giá dầu Brent kết tuần ở mức 92,16 USD/thùng, còn giá dầu WTI ở mức 88,08 USD/thùng.
Vào tuần trước đó, giá dầu thế giới tăng mạnh với dầu Brent tăng 7,5% và giá dầu WTI tăng 5,9%.
Như vậy, giá xăng, dầu thế giới trải qua 2 tuần tăng liên tiếp. Giá xăng dầu đi lên do chịu tác động mạnh bởi xung đột Israel – Hamas cộng với dự trữ xăng dầu ở Mỹ bất ngờ giảm sau nhiều tuần tăng cao.
Nhận định về giá xăng, dầu tại kỳ điều hành ngày mai (23/10), lãnh đạo một số doanh nghiệp xăng dầu cho biết, ở kỳ điều hành này, giá xăng, dầu thế giới tăng nên giá xăng, dầu bán lẻ trong nước ngày mai có thể tăng theo.
Theo dự báo, kỳ điều hành ngày mai, nếu cơ quan điều hành không tác động đến Quỹ Bình ổn giá xăng dầu (Quỹ BOG) thì giá xăng trong nước có thể tăng từ 250-600 đồng/lít tùy loại. Còn giá dầu có khả năng tăng từ 50-120 đồng/lít.
Nếu dự báo trên là chính xác thì giá xăng ngày mai sẽ đảo chiều tăng sau 2 lần giảm mạnh liên tiếp.
Tính từ đầu năm đến nay, giá xăng đã trải qua 29 lần điều chỉnh, trong đó có 16 lần tăng, 9 lần giảm và 4 lần giữ nguyên.
Tại kỳ điều chỉnh gần đây nhất (ngày 11/10), giá xăng dầu được điều chỉnh giảm mạnh.
Cụ thể, giá xăng E5 giảm 1.600 đồng/lít, giá bán xuống mức 21.900 đồng/lít. Giá xăng RON95 giảm 1.800 đồng/lít, giá bán lẻ còn 23.040 đồng/lít.
Giá dầu diesel giảm 1.180 đồng/lít, giá bán không cao hơn 22.410 đồng/lít. Giá dầu hỏa giảm 1.350 đồng/lít, về mức 22.460 đồng/lít.
Ở kỳ điều hành này, liên Bộ Công Thương – Tài chính quyết định ngừng trích lập và cũng không chi Quỹ Bình ổn giá.
Mới đây, Bộ Công Thương có báo cáo tóm tắt về nội dung tờ trình sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 95 và Nghị định 83 về kinh doanh xăng, dầu.
Theo đó, Bộ Công Thương đề xuất giữ nguyên quy định hiện hành về cơ chế điều hành giá (Nhà nước điều hành giá) nhưng sẽ rà soát một số chi phí thực tế phát sinh, sửa đổi quy định về phương thức và tần suất xác định các chi phí để đảm bảo tính đủ, kịp thời.
Ngoài ra, thời gian rà soát, công bố chi phí đưa vào giá xăng, dầu hiện nay là 6 tháng sẽ rút ngắn xuống 3 tháng. Để giá xăng, dầu trong nước theo sát và cập nhật kịp thời biến động của giá xăng, dầu trên thế giới, thời gian điều hành giá sẽ còn 7 ngày, công bố cố định vào ngày thứ Năm hàng tuần.
Bộ Công Thương cho rằng, việc cho phép đại lý bán lẻ xăng, dầu được quyền mua xăng, dầu từ nhiều nguồn (tối đa 3 nguồn) sẽ tạo ra cạnh tranh về chiết khấu. Việc này cũng không trái với quy định của Luật Thương mại cũng như các quy định pháp luật về dân sự, kinh tế.