Chiều 25/12, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác tư pháp năm 2023, đánh giá kết quả công tác đến giữa nhiệm kỳ; định hướng nhiệm vụ công tác tư pháp đến hết nhiệm kỳ và nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu công tác năm 2024.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang dự và chỉ đạo hội nghị; Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long chủ trì hội nghị. Tại điểm cầu tỉnh Nghệ An, đồng chí Nguyễn Đức Trung – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì.
ĐẢM BẢO TIẾN ĐỘ, CHẤT LƯỢNG CÁC NHIỆM VỤ
Năm 2023, bộ, ngành Tư pháp đã tập trung nguồn lực tổ chức thực hiện kịp thời, bảo đảm tiến độ, chất lượng các nhiệm vụ đề ra. Công tác chỉ đạo, điều hành tiếp tục có nhiều đổi mới, hiệu quả cao hơn. Kết quả công tác năm 2023 trên hầu hết các lĩnh vực của bộ, ngành Tư pháp đều tăng so với cùng kỳ năm 2022, trong đó, có một số lĩnh vực công tác đạt kết quả nổi bật.
Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật được các bộ, ngành quan tâm, chú trọng triển khai quyết liệt, đạt được nhiều kết quả tích cực. Năm 2023, Bộ Tư pháp, các bộ, ngành đã xây dựng, trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 515 văn bản quy phạm pháp luật, từ đầu nhiệm kỳ đến nay là 2.198 văn bản. Qua đó, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật của nước ta; kịp thời thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng.
Công tác kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật được thực hiện kịp thời với khối lượng công việc lớn, góp phần đảm bảo tính thống nhất, công khai, minh bạch, khả thi của hệ thống pháp luật. Bộ Tư pháp đã tổ chức 10 đoàn kiểm tra liên ngành tình hình thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
Công tác truyền thông, phổ biến về chính sách, pháp luật, hòa giải ở cơ sở được tổ chức thực hiện hiệu quả. Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử được xây dựng, vận hành hiệu quả, duy trì kết nối, chia sẻ thông suốt với Cơ sở Dữ liệu Quốc gia về dân cư. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, các bộ, ngành, địa phương đã tổ chức 1.464.569 cuộc phổ biến, giáo dục pháp luật trực tiếp cho hơn 100 triệu lượt người.
Công tác thi hành án dân sự đạt kết quả cao nhất từ trước đến nay. Thể chế trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp tiếp tục được hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và quản lý Nhà nước. Tính từ đầu nhiệm kỳ đến nay, các cơ quan thi hành án dân sự đã thi hành xong 1.609.462 việc, với trên 211.073 tỷ đồng.
Công tác trợ giúp pháp lý có nhiều kết quả ấn tượng, nhất là việc thiết lập cơ chế trực trợ giúp pháp lý trong điều tra hình sự trên toàn quốc, số vụ việc trợ giúp pháp lý tố tụng cao nhất từ trước đến nay. Công tác pháp luật quốc tế, hợp tác quốc tế có nhiều dấu ấn quan trọng.
Bên cạnh những kết quả đạt được, chất lượng công tác xây dựng, tổ chức thi hành pháp luật chưa cao; tình trạng nợ ban hành văn bản quy định chi tiết các luật, nghị quyết có hiệu lực chưa được khắc phục triệt để; hiệu quả quản lý Nhà nước về công tác bổ trợ tư pháp chưa được như mong muốn; số vụ việc thi hành án chuyển kỳ sau vẫn còn cao; hiệu quả thi hành án hành chính chưa đạt được kết quả như mong muốn…
Tại hội nghị, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương đã tập trung đánh giá, thảo luận những kết quả đạt được, các khó khăn, hạn chế và nguyên nhân trong việc thực hiện nhiệm vụ từ đầu nhiệm kỳ đến nay, đề xuất định hướng nhiệm vụ trọng tâm công tác năm 2024 và cả nhiệm kỳ…
KHẮC PHỤC KHÓ KHĂN, HOÀN THÀNH TỐT NHIỆM VỤ ĐƯỢC GIAO
Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang nhấn mạnh, năm 2023 nước ta gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng đã nỗ lực vượt qua và đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Trong thành tích đó, phải kể đến những đóng góp rất lớn, quan trọng của ngành Tư pháp.
Nhấn mạnh năm 2024 sẽ có nhiều khó khăn, Phó Thủ tướng Chính phủ cho rằng, thời gian không còn nhiều, trong khi các nhiệm vụ của ngành Tư pháp đang còn “nợ” nhiều; bộ máy công tác của ngành chưa có cơ chế đặc thù; đòi hỏi của người dân ngày càng lớn…
Thời gian tới, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đề nghị ngành Tư pháp cần cố gắng nhiều hơn nữa, khắc phục các khó khăn, vướng mắc để tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ quan trọng: Xây dựng thể chế phải kịp thời và có chất lượng; đề xuất sửa đổi Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015, Chương trình xây dựng pháp luật, pháp lệnh của năm 2024, 2025.
Bên cạnh đó, trong công tác thẩm định đề nghị xây dựng, dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật cần kịp thời, chuẩn chỉnh, tháo gỡ các “điểm nghẽn”; tiếp tục nâng cao chất lượng công tác thi hành pháp luật; tăng cường công tác truyền thông chính sách, phổ biến, giáo dục pháp luật bằng nhiều hình thức, hiệu quả…
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cũng yêu cầu ngành Tư pháp quan tâm công tác xây dựng ngành, giúp cán bộ trong ngành yên tâm công tác, giữ được niềm tin với công việc, với truyền thống vẻ vang của ngành. Đặc biệt, người lãnh đạo phải là tấm gương mẫu mực về sự tử tế để cán bộ trong ngành học tập, noi theo.
Mặt khác, ngành Tư pháp cần tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để nâng cao chất lượng các mặt công tác; tăng cường cải cách hành chính, chuyển đổi số; nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác pháp luật quốc tế.