Theo Công điện số 1123/CĐ-TTg ngày 18/11/2023 Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử, góp phần đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tăng cường triển khai ngay các giải pháp phù hợp, khả thi, hiệu quả để giám sát chặt chẽ, tăng cường thanh tra, kiểm tra việc phát hành và sử dụng hóa đơn điện tử. Đặc biệt là việc lập hóa đơn điện tử tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu cho các khách hàng theo từng lần bán hàng, bảo đảm đúng quy định pháp luật và xử lý nghiêm minh nếu có sai phạm.
Tổng cục Thuế đã ban hành Công văn số 5080/TCT-DNL ngày 13/11/2023 yêu cầu cơ quan thuế các cấp khẩn trương nắm bắt thực trạng triển khai hoá đơn điện tử theo từng lần bán hàng của các cửa hàng kinh doanh xăng dầu tại địa phương.
Việc này đảm bảo thực hiện việc chấp hành đúng quy định pháp luật về quản lý, sử dụng hoá đơn, đồng thời ngăn chặn hành vi bán hàng không xuất hoá đơn trong hoạt động kinh doanh xăng dầu.
Hiện nay về cơ sở pháp lý việc xuất hoá đơn điện tử theo từng lần bán xăng dầu đã được quy định. Cụ thể: Theo Khoản 1 Điều 90 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 ngày 13/6/2019 về nguyên tắc lập, quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử: “1. Khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, người bán phải lập hóa đơn điện tử để giao cho người mua theo định dạng chuẩn dữ liệu và phải ghi đầy đủ nội dung theo quy định của pháp luật về thuế, pháp luật về kế toán, không phân biệt giá trị từng lần bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ”.
* Điểm i khoản 4 Điều 9 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ về hóa đơn, chứng từ quy định: “i) Thời điểm lập hóa đơn điện tử đối với trường hợp bán xăng dầu tại các cửa hàng bán lẻ cho khách hàng là thời điểm kết thúc việc bán xăng dầu theo từng lần bán. Người bán phải đảm bảo lưu trữ đầy đủ hóa đơn điện tử đối với trường hợp bán xăng dầu cho khách hàng là cá nhân không kinh doanh, cá nhân kinh doanh và đảm bảo có thể tra cứu khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu”.
* Điểm c khoản 14 Điều 10 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP về nội dung của hóa đơn quy định: “… Đối với hóa đơn điện tử bán xăng dầu cho khách hàng là cá nhân không kinh doanh thì không nhất thiết phải có các chỉ tiêu tên hóa đơn, ký hiệu mẫu số hóa đơn, ký hiệu hóa đơn, số hóa đơn; tên, địa chỉ, mã số thuế của người mua, chữ ký điện tử của người mua; chữ ký số, chữ ký điện tử của người bán, thuế suất thuế giá trị gia tăng”.
* Điểm a khoản 3 Điều 22 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP về phương thức và thời điểm chuyển dữ liệu hóa đơn điện tử cũng quy định: “… Riêng đối với trường hợp bán xăng dầu cho khách hàng thì người bán tổng hợp dữ liệu tất cả các hóa đơn bán xăng dầu trong ngày theo từng mặt hàng để thể hiện trên bảng tổng hợp dữ liệu hoá đơn điện tử và chuyển bảng tổng hợp dữ liệu hóa đơn điện tử này ngay trong ngày.”
Ngành thuế yêu cầu các đơn vị, các doanh nghiệp đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn các cửa hàng, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn triển khai ngay các giải pháp thực hiện được việc phát hành hoá đơn điện tử sau từng lần bán hàng theo quy định; trong đó, nhấn mạnh phải giám sát chặt chẽ việc phát hành, sử dụng hoá đơn điện tử nói chung và hoá đơn điện tử đối với xăng dầu nói riêng; phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi phát hành, sử dụng hoá đơn, chứng từ không đúng quy định./.