Sáng 22/9, Thường trực HĐND tỉnh có cuộc làm việc một số sở, ngành cấp tỉnh theo kế hoạch giám sát việc giải quyết các kiến nghị của cử tri trên địa bàn tỉnh từ đầu nhiệm kỳ 2021 – 2026 đến nay.
Đồng chí Nguyễn Như Khôi – Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn giám sát của Thường trực HĐND tỉnh chủ trì cuộc làm việc.
Tham dự cuộc làm việc có đồng chí Nguyễn Nam Đình – Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh.
Làm rõ nguyên nhân tồn đọng 175 kiến nghị cử tri chưa giải quyết dứt điểm
Tổng hợp từ đầu nhiệm kỳ 2021 – 2026 đến nay, HĐND tỉnh đã tiếp nhận, tổng hợp qua các “kênh” tiếp xúc cử tri, tiếp nhận qua đường dây điện thoại trực tuyến tại các kỳ họp, phản ánh qua văn bản bằng đường bưu điện…, với tổng 725 ý kiến kiến nghị của cử tri, Nhân dân.
Trên cơ sở tổng hợp của HĐND tỉnh chuyển UBND tỉnh giao các sở, ngành cấp tỉnh và các địa phương giải quyết; đến thời điểm này đã có 550 ý kiến cơ bản được xử lý dứt điểm; còn 175 ý kiến chưa được giải quyết dứt điểm, mặc dù các nội dung kiến nghị chính đáng, bức bách, dẫn đến cử tri kiến nghị đi kiến nghị lại nhiều lần, gây bức xúc trong Nhân dân.
Tại cuộc làm việc, các thành viên đoàn giám sát và đại diện các sở, ngành đã phân tích, làm rõ nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Tựu trung nhất là do chưa có chính sách, quy định của pháp luật để giải quyết một số vấn đề trong thực tiễn, như giải quyết các khu nhà ở tập thể cũ; giải quyết các vấn đề phát sinh từ dự án thuỷ điện; hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng từ cụm dự án chăn nuôi bò sữa TH di dời…
Đó còn là nguồn kinh phí chưa đảm bảo để thực hiện các kiến nghị của cử tri liên quan đến đầu tư các công trình giao thông, thuỷ lợi, xử lý các điểm ô nhiễm môi trường do tồn dư thuốc bảo vệ thực vật…
Cùng với nguyên nhân khách quan còn có nguyên nhân chủ quan mà theo nhiều ý kiến cho rằng: Một số sở, ngành trong trả lời một số ý kiến, kiến nghị còn chung chung, chưa làm rõ lộ trình giải quyết.
Mặt khác, mối quan hệ phối hợp giữa các sở, ngành cấp tỉnh với các địa phương chưa thật sự quan tâm; đồng thời chưa quyết liệt, rốt ráo trong giải quyết kiến nghị cử tri.
Nghiên cứu giải pháp tăng hiệu quả giải quyết kiến nghị cử tri
Trên cơ sở ý kiến của các thành viên đoàn giám sát và các sở, ngành, phát biểu tại cuộc làm việc, đồng chí Nguyễn Nam Đình – Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh nêu một số định hướng.
Cụ thể, trong tổng hợp ý kiến kiến nghị cử tri cần thực hiện phân loại, ý kiến lần đầu, lần 2, lần 3… và phân loại theo tính chất về mức độ cấp thiết, ý kiến phản ánh ở phạm vi rộng…; trên cơ sở đó để có lộ trình giải quyết theo thứ tự ưu tiên và tập trung.
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh cũng đặt ra yêu cầu trong trả lời kiến nghị của cử tri cần chắc chắn dứt khoát, rõ ràng; kể cả các ý kiến trả lời ngay tại hội nghị tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND tỉnh và trả lời giải quyết của các sở, ngành phải làm rõ do chưa có cơ chế, chính sách quy định hay nguồn lực để xử lý. Trong trường hợp các kiến nghị của cử tri hợp lý, chính đáng thì phải nghiên cứu, đề xuất với tỉnh, Trung ương bổ sung cơ chế chính sách, quy định pháp luật hoặc bố trí nguồn lực ở giai đoạn tiếp theo.
Đồng chí Nguyễn Nam Đình cũng cho biết, để đảm bảo khoa học, đồng thời giảm tải cho bộ phận tổng hợp, theo dõi việc giải quyết các kiến nghị của cử tri ở các cấp, ngành, hiện Thường trực HĐND tỉnh đang xúc tiến việc xây dựng phần mềm đưa vào áp dụng trong thời gian tới.
Nâng cao trách nhiệm “đeo bám” của các cấp, các ngành
Thay mặt đoàn giám sát, đồng chí Nguyễn Như Khôi – Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn giám sát của Thường trực HĐND tỉnh khẳng định: Giải quyết kiến nghị cử tri là thẩm quyền, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước các cấp; đây cũng là tiêu chí đánh giá trách nhiệm của đại biểu do cử tri bầu.
Đánh giá cao ý thức trách nhiệm của các sở, ngành trong giải quyết, trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri từ đầu nhiệm kỳ đến nay, đồng thời chia sẻ những khó khăn, vướng mắc do khách quan trong giải quyết 175 kiến nghị tồn đọng, kéo dài; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Như Khôi cũng thẳng thắn chỉ ra một số vấn đề do chủ quan.
Đó là có khá nhiều vấn đề, các sở, ngành đang trả lời chung chung, thiếu lộ trình giải quyết và thiếu sự phối hợp cụ thể giữa các sở, ngành và giữa các sở, ngành với các địa phương. Thông qua giám sát tại các địa phương phản ánh, một số sở, ngành cấp tỉnh “đẩy” trách nhiệm giải quyết cho địa phương.
Một số sở, ngành cấp tỉnh và địa phương thiếu đeo bám đến cùng để giải quyết kiến nghị của cử tri; đồng thời trong trả lời theo quy trình được quy định tại Quyết định số 25 của UBND tỉnh chưa đảm bảo, nhất là việc trả lời đến tận cử tri còn hạn chế, dẫn đến kết quả giải quyết không đến được cử tri, nên cử tri kiến nghị đi, kiến nghị lại.
Từ thực tiễn đặt ra, Phó Chủ tịch HĐND Nguyễn Như Khôi đề nghị các sở, ngành rà soát lại 175 kiến nghị thuộc chức năng, thầm quyền, trên cơ sở đó xác định rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan, để có biện pháp, giải pháp xử lý; nếu liên quan đến chính sách, quy định của pháp luật thì chủ động tham mưu điều chỉnh, sửa đổi; về nguồn lực thì cần tính toán, ưu tiên bố trí nguồn lực đầu tư các công trình bức thiết; khắc phục tình trạng trả lời do không có cơ sở pháp lý hoặc không có nguồn lực là xong.
Các sở, ngành cũng cần nâng cao hơn trách nhiệm, đeo bám rốt ráo hơn trong giải quyết và chuyển ý kiến trả lời đến chính xác đối tượng phản ánh, đề xuất. Quan tâm rà soát, đưa ra các kiến nghị, đề xuất để sửa đổi, bổ sung quy trình tiếp nhận, xử lý và trả lời ý kiến cử tri theo Quyết định số 25 của UBND tỉnh theo tinh thần chuyển đổi số.
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cũng đề nghị các sở, ngành tăng cường công tác quản lý nhà nước và quan tâm có giải pháp giải quyết một số vấn đề về quản lý và sử dụng đất tại các nông, lâm trường; ô nhiễm môi trường do tồn dư thuốc bảo vệ thực vật và tại Trường Dân tộc Nội trú 2; xử lý 14 khu tập thể cũ tại thành phố Vinh; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân; quan tâm tính toán, bố trí nguồn lực đầu tư các công trình thiết yếu…