Dự và chỉ đạo hội nghị có đồng chí Bùi Thanh An- Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
Cùng dự có đại diện Đảng ủy Khối Các cơ quan tỉnh, Đảng bộ Khối Doanh nghiệp tỉnh và các sở, ngành, cấp tỉnh; đại diện UBND các huyện, thành, thị, các trường đại học, cao đẳng nghề, lãnh đạo 98 doanh nghiệp là công ty hạ tầng, nhà đầu tư và doanh nghiệp trong khu kinh tế.
Triển khai nhiệm vụ năm của Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam trong điều kiện gặp nhiều khó khăn do tình hình thế giới diễn biến phức tạp và khó lường, tuy nhiên, được sự quan tâm, hỗ trợ của tỉnh, Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam (Ban quản lý) đã chủ động bám sát Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh năm 2023 và Phương án phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để triển khai thực hiện nên đã đạt được kết quả khá nổi bật.
Cùng với tham mưu cho tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ các hãng tàu biển, các doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa bằng container qua Cảng Cửa Lò; đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù liên quan đến khu kinh tế, khu công nghiệp theo Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; tiếp tục hoàn thiện quy hoạch và quản lý quy hoạch khu kinh tế trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Ban quản lý chủ động phối hợp cùng với các sở, ngành, địa phương làm tốt công tác thu hút đầu tư và thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp.
Cụ thể, về hoạt động xúc tiến đầu tư, ban đã chủ trì tổ chức thành công các hoạt động kết nối và xúc tiến đầu tư cho lãnh đạo tỉnh tại các nước; đồng thời, phối hợp với các đơn vị như: Công ty TNHH VSIP Nghệ An, Hoàng Thịnh Đạt tham mưu cho lãnh đạo tỉnh làm việc với các nhà đầu tư đến tìm hiểu đầu tư vào Nghệ An và các khu công nghiệp trong khu kinh tế.
Kết quả thu hút đầu tư năm 2023 vượt kế hoạch đề ra, ban cấp mới gồm chấp thuận chủ trương đầu tư/cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 27 dự án, với tổng số vốn đăng ký trên 35 ngàn tỷ đồng; điều chỉnh 56 lượt dự án, trong đó, 18 dự án điều chỉnh tăng vốn, với số vốn tăng thêm 6.578,6 tỷ đồng. Tổng số vốn cấp mới và điều chỉnh là 41.648,3 tỷ đồng, vượt 108% mục tiêu đề ra (mục tiêu năm 2023 thu hút vốn đầu tư 15.000 – 20.000 tỷ đồng) và số vốn đầu tư đăng ký tăng 37,0% so với cùng kỳ năm 2022.
Cùng với tập trung hỗ trợ triển khai các dự án đầu tư, công tác quản lý đất đai, bảo vệ môi trường; quản lý doanh nghiệp và lao động; cải cách hành chính, chuyển đổi số, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp và huy động các nguồn vốn đầu tư cũng được quan tâm và đạt kết quả tích cực.
Năm 2023, tổng nguồn vốn đầu tư xây dựng hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp ước đạt 1.687 ngàn tỷ đồng.
Năm 2023 thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) có bước tăng trưởng vượt bậc khi lần đầu tiên thu hút FDI nằm trong tốp 10 địa phương thu hút FDI lớn nhất cả nước, với 18 dự án cấp mới và 12 dự án tăng vốn. Tổng số vốn cấp mới và điều chỉnh gần 1,6 tỷ USD, vượt 219% mục tiêu năm 2023 thu hút vốn đầu tư FDI là 500 triệu USD. So với cùng kỳ năm 2022, số vốn đầu tư FDI tăng 77,0%. Ban quản lý tham mưu cho UBND tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ thành lập mới 2 khu công nghiệp, với tổng diện tích 834,79 ha là Khu Công nghiệp Thọ Lộc giai đoạn 1 quy mô 500 ha và Khu Công nghiệp Hoàng Mai II quy mô 334,79 ha. Hiện Ban quản lý đang triển khai thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư Khu Công nghiệp WHA Industrial Nghệ An 2 (189 ha); Khu Công nghiệp Thọ Lộc B (180 ha); Khu Công nghiệp Nghĩa Đàn (200 ha); tỷ lệ lấp đầy bình quân 7 khu công nghiệp là trên 53%.
Bên cạnh kết quả nổi bật trên, tại hội nghị, Ban quản lý chỉ ra một số điểm còn tồn tại, hạn chế và nguyên nhân. Trên cơ sở phân tích các yếu tố thuận lợi và khó khăn, yêu cầu nhiệm vụ, Ban quản lý phấn đấu năm 2024 thu hút khoảng 20-25 dự án, với tổng mức đầu tư đăng ký đạt 15.000 – 20.000 tỷ đồng vào khu kinh tế, trong đó, vốn đầu tư FDI khoảng 700 triệu USD; thành lập mới từ 2-3 khu công nghiệp, với quy mô khoảng 600 ha.
Đại diện một số địa phương, nhà đầu tư đã phát biểu tham luận chia sẻ một số kết quả nổi bật năm 2023, bài học thành công và nêu một số kiến nghị đề xuất, kế hoạch đầu tư trong thời gian tới.
Tại hội nghị, thay mặt lãnh đạo tỉnh, đồng chí Bùi Thanh An- Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu chỉ đạo, ghi nhận nỗ lực cố gắng và kết quả nổi bật trên 9 lĩnh vực mà Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam đã xuất sắc đạt được trong năm qua. Trên cơ sở nhấn mạnh bối cảnh kinh tế thế giới và yêu cầu thu hút đầu tư trong nước, nhu cầu nguồn lực đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh và yêu cầu Ban quản lý cần nỗ lực hơn để hoàn thành mục tiêu nhiệm vụ cho năm 2024.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị năm 2024, ban tập trung thực hiện 3 nhiệm vụ trọng tâm: chủ động chuẩn bị ngày càng tốt hơn yêu cầu “5 sẵn sàng” của tỉnh, nhằm thu hút đầu tư; hoàn thành các mục tiêu đề ra trong năm 2024; đồng thời, triển khai có hiệu quả, đồng bộ các nhóm nhiệm vụ, giải pháp, như công tác lập quy hoạch phân khu các khu công nghiệp, khu chức năng trong khu kinh tế; huy động nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp, đảm bảo mặt bằng sạch; cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư, hỗ trợ các dự án trọng điểm; nâng cao hiệu quản lý đất đai, bảo vệ môi trường; tăng cường quản lý Nhà nước, cải cách hành chính, chuyển đổi số; đảm bảo nguồn nhân lực cho nhà đầu tư, doanh nghiệp…
Nghệ An sẽ tiếp tục đầu tư các khu công nghiệp mới như WHA 2, Thọ Lộc 2… đảm bảo quỹ đất khu công nghiệp rộng lớn hơn nữa. Đồng thời, đề nghị chính quyền địa phương liên quan đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các khu công nghiệp mới chuẩn bị đi vào hoạt động. Các kiến nghị, đề xuất của nhà đầu tư và doanh nghiệp, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận và giao Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam và UBND các huyện, thị liên quan phối hợp giải quyết.