Một lão ngư tên Hải vừa đưa thuyền cập bến vào cảng cho biết, thuyền ông đi từ sáng, cào trong ngày là về, mùa này nước nông, chem chép nằm dày trên cát nên mỗi chuyến 3 – 4 thuyền viên thu về được tầm 8 tạ đến 1 tấn. Chem chép được bỏ vào trong bao tải trọng lượng 50 kg, đưa lên bờ và cho thêm đá vào, thương lái thu mua chuyển ngay vào miền Nam.
“Tàu dã cào dưới sông được bao nhiêu là bỏ vào bao tải, chúng tôi được biết thương lái mua để bán cho các hộ nuôi tôm hùm, xay chem chép làm thức ăn cho tôm, có bao nhiêu mua hết bấy nhiêu” – lão ngư tên Hải cho biết.
Chị Nguyễn Thị Hoa – một tiểu thương thu mua hải sản ở Cảng Cửa Hội cho biết: Chúng tôi cũng đợi sẵn để mua chem chép đưa đi bán tại các chợ, con chem chép nhỏ nhưng có thịt và nước ngọt, có thể mua để nấu canh, nấu cháo. Ngặt nỗi mình muốn mua nhưng họ không bán, vì được bao nhiêu họ chuyển vào miền Nam hết. Chúng tôi đành đợi đây, nếu có ngao thì mua”.
Chị Hoa cũng như những người phụ nữ trên bến đợi tàu về với suy tính “không được chem chép thì chờ ngao”, bởi trong quá trình cào con chem chép, các thuyền viên thu được mỗi tàu vài ba chục cân ngao, có khi cả tôm về bán tại cảng, mỗi kg ngao có giá 80.000 đồng cũng có thêm vài triệu đồng/tàu. Mỗi tàu dã đi trong ngày, chưa trừ chi phí thu được từ 5 – 10 triệu đồng/tàu sau khi bán con chem chép. Mỗi bao tải 50 kg chem chép được thương lái thu mua với giá 600.000 – 700.000 đồng, giá bán 1 kg chem chép là 10.000 – 12.000 đồng.
Ngư dân vùng biển rất tinh khi phân biệt con chem chép và ngao. Chem chép cũng là loài nhuyễn thể giống như ngao, nhưng vỏ nặng hơn, vỏ có nhiều màu sắc, có vân nổi rõ lên, chem chép chỉ to bằng đầu ngón tay cái, còn ngao biển con to hơn, vỏ trơn bóng, ngao biển càng lớn càng có màu nâu sẫm hoặc tím.
Chem chép là một thức quà của biển cả khi mùa nước cạn. Thịt chem chép ngọt, thơm, ngư dân thường khai thác về lấy ruột nấu canh, nấu cháo tựa như khai thác hến trên sông. Nay có thương lái thu mua số lượng lớn nên các tàu dã ra sức khai thác. Mùa khai thác rộ khoảng 1 tuần do sản lượng không nhiều, nhưng khai thác như vậy là khai thác non, có thể dẫn đến suy giảm nguồn lợi ven bờ, mặc dù các tàu dã cào đã cải thiện mắt lưới để trừ lại con bé.
Con chem chép có nơi gọi là chép chép, nếu gặp loại vỏ mỏng, thân dài cho giá trị kinh tế cao hơn.