Theo tục lệ của người Việt Nam, Rằm tháng Bảy là dịp lễ trọng trong năm, do đó, gia đình nào cũng sửa soạn mâm cỗ tươm tất, chu đáo để cúng thờ cúng. Thị trường Rằm tháng Bảy năm nay, dịch vụ mâm cỗ sẵn hút khách, các mặt hàng khác giá cả ổn định, tiêu thụ chậm.
Từ đầu tháng Bảy, chị Nguyễn Thị Hằng, chủ cửa hàng thực phẩm sạch ở Diễn Thành (Diễn Châu) đã đăng lên Facebook, Zalo quảng cáo về dịch vụ làm mâm cỗ sẵn cúng Rằm phục vụ khách hàng. Ngoài xôi gà, bánh trôi, bánh chưng, chả cuốn, giò… thì chị còn nhận soạn lễ trọn gói hoa quả, hương nến, đồ mã theo nhu cầu của khách.
Chị Nguyễn Thị Hằng cho biết: “Với tính tiện lợi, tiết kiệm thời gian nên dịch vụ mâm cỗ làm sẵn, soạn lễ rằm trọn gói rất được người tiêu dùng ưa chuộng. Nhất là đối tượng công nhân viên chức, người kinh doanh, buôn bán hầu hết đều đặt cửa hàng làm sẵn. Từ mồng 10 tháng Bảy âm lịch đến nay, ngày nào cửa hàng cũng có đơn hàng làm cỗ xôi gà, mâm quả, có ngày lên đến cả vài chục đơn”.
Ở thành phố Vinh, từ nhiều năm nay, dịch vụ mâm cỗ cúng làm sẵn, giao tận nhà phát triển khá rầm rộ. Vào dịp Rằm, hầu hết các cửa hàng thực phẩm, các nhà hàng đều triển khai thêm dịch vụ này. Nhu cầu của người dân về dịch vụ mâm cỗ cúng làm sẵn khá cao nên rất nhiều cửa hàng uy tín đã kín đơn hàng ngay cận rằm, chỉ nhận đơn đến sáng 14 âm lịch; nhiều nhà hàng phải huy động thêm nhân lực để phục vụ khách.
Chị Nguyễn Tố Như, chủ một nhà hàng ở đường Phan Đình Phùng (TP.Vinh) cho biết: “Đến mồng 10 là chúng tôi đã phải chốt đơn không nhận thêm của khách đặt nữa. Cao điểm nhất là các ngày 12, 13, 14 âm lịch, mỗi ngày 20-30 mâm cỗ nên ngoài 3 nhân viên thường xuyên thì quán phải huy động thêm 2 người làm thời vụ nữa. Hầu hết là đặt cỗ xôi gà, mâm làm sẵn với mức giá bình dân”.
Theo khảo sát, giá mâm cỗ làm sẵn năm nay khá ổn định, không tăng so với các năm trước. Trong đó, cỗ xôi gà dao động từ 350-500.000 đồng/cỗ (tuỳ trọng lượng), mâm mặn từ 5-7 món dao động từ 700.000 đồng -1 triệu đồng/mâm; riêng mâm cỗ chay, giá có nhích hơn trước, mỗi mâm từ 1 triệu -1,2 triệu đồng (tuỳ số món).
Ngoài ra, một số nhà hàng còn nhận đặt thêm mâm cỗ cúng chúng sinh gồm: cháo loãng, cơm trắng, canh, xôi, chè, khoai lang (hoặc khoai sọ) luộc, bỏng ngô, hoa quả, bánh kẹo, trầu cau, gạo, muối… giá 150.000 -200.000 đồng.
Tại chợ dân sinh, các mặt hàng cúng Rằm như: nếp, gà trống, bánh chưng, giò lụa, hoa quả, trầu cau… giá khá ổn định và không khí mua sắm có vẻ trầm lắng hơn mọi năm.
Anh Nguyễn Văn Hưng, kinh doanh hoa quả ở chợ Hưng Dũng (Thành phố Vinh) cho biết: “So với năm ngoái, giá các loại quả giảm nhẹ, khoảng 5-10% so với ngày thường; hoa cúc, trầu cau dịp rằm cũng dồi dào, không khan hàng như các năm trước”.
Theo đó, 1 đĩa trầu cau có giá 10.000-15.000 đồng; hoa cúc đại đoá, cúc chén có giá 8.000-10.000 đồng/bông; hoa huệ có giá 100.000 đồng/10 cành. Sức mua cũng kém hơn mọi năm, doanh thu cũng chỉ nhỉnh hơn ngày thường khoảng 10-15% chứ không tăng đột biến như các năm trước.
Kinh tế khó khăn nên phần nào ảnh hưởng đến việc mua sắm Rằm, thay vì mâm cỗ cầu kỳ, nhiều món, nhiều thứ như trước thì nhiều gia đình chỉ sắm lễ đơn giản, phổ biến là cỗ xôi gà. Do đó, dịp Rằm tháng Bảy, mặt hàng ở chợ bán chạy nhất là nếp và gà trống. Giá nếp các loại dao động từ 25.000-32.000 đồng/kg; giá gà trống dao động từ 90.000 -140.000 đồng/kg (tăng 10.000-20.000 đồng/kg so với ngày thường). Đặc biệt, các cơ sở giết mổ gia cầm thu hút khá đông khách tới thuê làm gà cúng.
Nhìn chung, thị trường Rằm tháng 7 năm nay khá ổn định, nguồn cung hàng hóa phong phú, dồi dào, giá cả phù hợp, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. So với các năm trước, sức mua sắm dịp Rằm giảm mạnh, không khí mua sắm kém sôi động hơn.