Thưởng thức những quả mắc kham cuối cùng vừa mua từ một xe hàng rong trên phố, chị Phương Minh Châu ở Huỳnh Thúc Kháng (Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ, vài ngày trở lại đây, lướt mạng xã hội, chị thấy khắp nơi bán quả mắc kham rừng. Hình thức bên ngoài không hề bắt mắt, vỏ rám, trái nhỏ như mận cơm. Song, mọi người miêu tả hương vị của loại quả này vô cùng đặc biệt.
Sáng nay, trên đường từ nhà tới cơ quan, nhìn thấy xe hàng rong bán mắc kham chị tạt vào mua. Ban đầu, chỉ định mua 2-3 lạng ăn trải nghiệm. Ai ngờ, nếm thử 1 quả, chị liền mê mẩn hương vị của chúng nên mua luôn 1kg với giá 80.000 đồng.
Chị Châu là người rất thích ăn trái cây tươi. Bình thường, trái cây vỏ bên ngoài thường không có vị gì, nhưng vỏ mắc kham lại có vị ngọt. Quả ăn giòn tan, vị ban đầu chua chát nhẹ, vị cuối lại ngọt. Chỉ cần ăn một quả mắc kham, 10 phút sau vẫn cảm giác được vị ngọt thanh trong cổ họng. Chấm với muối sẽ càng tăng hương vị của mắc kham hơn.
“Ăn mắc kham tôi cảm nhận giống như ăn một viên ô mai. Song, mắc kham giòn và tươi nên cảm giác ngon hơn”, chị Châu chia sẻ.
Vài ngày trở lại đây, mắc kham bất ngờ gây sốt trên “chợ mạng”. Theo đó, mắc kham (hay còn gọi là me rừng) được rao bán khắp các chợ online lớn nhỏ với lời quảng cáo vỏ bên ngoài ngọt, cắn ăn sẽ thấy chua chát nhẹ và vị ngọt hậu.
Loại quả rừng này có giá dao động từ 60.000-80.000 đồng/kg.
Chị Đinh Thị Ngân – đầu mối bán trái cây online ở Thanh Xuân (Hà Nội) – thừa nhận, vài ngày trở lại đây, lượng mắc kham bán ra tăng mạnh. Chị cho biết, mắc kham là loại quả rừng có nhiều ở vùng núi Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang. Từ tháng 9 hàng năm, người dân thường vào rừng hái mắc kham đem về bán. Bởi, loại quả này ăn ngon lại có nhiều công dụng tốt cho sức khoẻ.
“Đầu mùa, tôi bán mắc kham xanh giá chỉ 30.000-35.000 đồng/kg. Nay giữa mùa, mắc kham rám có giá 70.000 đồng/kg, đắt gấp đôi”, chị nói. Song, mỗi ngày, chị vẫn bán hết 80-90kg mắc kham.
Theo chị Ngân, đa phần khách chỉ đặt mua 1-2 kg về ăn thử vì hiếu kỳ. Còn khách quen thường đặt mua 3-5kg do loại quả này bảo quản trong ngăn mát được khá lâu. Ngoài ăn tươi, mắc kham còn chế biến được thành nhiều món ăn khác nhau như: mắc kham ướp, lắc muối ớt, ngâm đường…“Tôi bán mắc kham đã 4 năm nay, song dịp này mới thấy quả mắc kham tiêu thụ tốt đến vậy”, chị nói.
Anh Bùi Trung Hiếu, đầu mối đổ sỉ mắc kham tại Lạng Sơn, chia sẻ, có những ngày anh tiêu thụ hết gần 1 tấn hàng.
Ở vùng Lạng Sơn, bà con vào núi hái mắc kham và được gia đình anh Hiếu gom mua lại. Những năm trước, anh bán mắc kham tươi không nhiều vì ít người ăn. Thế nên, hàng mua được của bà con anh thường đem làm món mắc kham ướp, giống như muối cà pháo.
Quả ướp để càng lâu ăn càng ngon, bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh có thể được vài tháng. Tuy nhiên, khi ướp xong, anh đổ sỉ luôn cho các đầu mối ở các tỉnh, trong đó khách Hà Nội chiếm phần lớn.
Năm nay, lượng mắc kham tươi đổ sỉ tăng cao. Đặc biệt, từ cuối tháng 11 đến nay, 2/3 lượng hàng gom được anh đều đổ sỉ cho các mối, số còn lại mới đem ướp rồi đóng hộp bán.
“Mối sỉ nói mắc kham gây sốt, được nhiều người mua ăn tươi nên lượng hàng họ nhập cũng tăng hơn trước”, anh Hiếu cho hay. Theo anh, khi ăn tươi nên chọn những quả mắc kham có vỏ rám. Đó là những quả đã già, khi ăn đảm bảo độ giòn, vị chua chát nhẹ và ngọt hậu. Vỏ mắc kham rám cũng có vị ngọt thanh đặc biệt. Quả có vỏ xanh có vị chua nhiều hơn, hợp làm món ướp.