Nhiều tuyến phố thay cây đồng loạt
Từ đầu tháng 10 đến nay, hàng ngày đi làm người dân thành phố Vinh không khỏi ngạc nhiên trước việc cùng 1 lúc đường Lê Hồng Phong và Minh Khai là 2 tuyến phố trung tâm của thành phố bị đào xới vỉa hè để thi công cống hộp thoát nước, lắp hệ thống ống hạ ngầm các tuyến cáp điện lực hay viễn thông, thì cũng đồng loạt cắt tỉa và đánh chuyển hàng loạt cây xanh đi nơi khác. Trước đó, cùng với đầu tư nâng cấp hạ tầng, một loạt cây xanh khác trên phố đi bộ Hồ Tùng Mậu, Nguyễn Văn Cừ hay đường Phan Đình Phùng, Trần Phú cũng bị chặt bỏ đánh chuyển để trồng cây mới. Dù thực hiện theo quy hoạch thiết kế nhưng việc thay thế cây cũng khiến dư luận không ít băn khoăn…
Đơn cử như ông Hồ Văn Cung ở số 171, đường Lê Hồng Phong, phường Hưng Bình cảm thấy tiếc nuối khi hàng xoài trước vỉa hè nhà ông trên đường Lê Hồng Phong đang tươi tốt bị chặt bỏ, đánh chuyển đi nơi khác trồng. Theo ông, để có 1 hàng cây rợp bóng phải mất hàng chục năm chăm sóc, bảo vệ nên khi chặt đi để trồng cây mới dù đẹp hơn nhưng hiệu quả chưa biết thế nào nên người dân băn khoăn cũng là điều dễ hiểu.
Nói về việc thay cây trên các tuyến phố, ông Nguyễn Việt Đức – Trưởng phòng Quản lý đô thị TP. Vinh lý giải: Trước đây, do nguồn lực còn hạn chế nên thành phố mới chỉ quan tâm đầu tư hạ tầng kỹ thuật như đường giao thông, mương thoát nước còn mạng lưới cây xanh đô thị chưa được quan tâm và đầu tư thỏa đáng. Thực tế trước đây, sau khi làm đường và vỉa hè xong, nếu tuyến phố được thành phố đầu tư cây xanh thì công ty cây xanh trồng các loại cây sẵn có và kinh phí rẻ như bằng lăng, xoài, sao đen… Các tuyến phố còn lại, các cơ quan, đơn vị, người dân tiện cây gì trồng cây nấy, không theo thiết kế, miễn nhanh có bóng mát là được.
Thực tế cho thấy, sau một thời gian đầu tư trồng cây xanh khá tự phát, cùng với yêu cầu chỉnh trang đô thị theo hướng xanh – sạch – đẹp, mạng lưới cây xanh đô thị Vinh đã bộc lộ nhiều bất cập. Trên nhiều tuyến phố có các cây xanh như ngô đồng, phượng… đã mục ruỗng nên nguy cơ gãy đổ lớn khi mưa bão.
Không những thế, theo Ban chỉ huy phòng chống lụt bão các phường, xã phản ánh: Các loại cây lá to là tác nhân một phần gây ngập úng tại các tuyến phố. Nguyên nhân là mỗi khi mưa lớn, gió làm lá cây rụng xuống theo dòng nước bịt kín miệng các hố thu, giếng thăm dọc vỉa hè. Vì vậy, rất nên phải đánh giá, quy hoạch và mạng lưới cây xanh để thiết kế, trồng lại cho phù hợp.
Đại diện Phòng quản lý đô thị TP. Vinh cho biết thêm: Từ năm 2017, trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện Đề án phát triển cây xanh đô thị giai đoạn 2007-2017, thành phố Vinh đã có kế hoạch là cùng với đầu tư nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, chỉnh trang đô thị để phát triển các tuyến phố theo chủ đề, thành phố Vinh sẽ rà soát để loại bỏ các loại cây xanh đã bị mục ruỗng hoặc không còn phù hợp; đồng thời từng bước trồng mới các loại cây xanh phù hợp với tiêu chí cây xanh đô thị và tiến tới thiết kế mỗi tuyến phố trồng một loại cây đặc chủng để tạo điểm nhấn. Điều này đã được các đô thị lớn, thành phố du lịch nổi tiếng đã làm khá thành công. Cây xanh không chỉ tạo bóng mát mà còn nhằm tạo không gian, điểm nhấn để người dân, khách du lịch có thể vui chơi, check-in vào mỗi mùa hoa nở…
Cây xanh mới tạo điểm nhấn cho các tuyến phố
Việc thay thế, trồng mới lại hệ thống cây xanh trên đường Nguyễn Thị Minh Khai và đường Lê Hồng Phong sau cải tạo, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật đường và vỉa hè nằm trong trong kế hoạch chỉnh trang đô thị các tuyến phố trung tâm của thành phố. Trước khi quyết định trồng toàn bộ bằng lăng tại đường Lê Hồng Phong và cây nhổi tại đường Nguyễn Thị Minh Khai, thành phố đã cân nhắc và tham khảo nhiều mẫu cây khác để lên phương án và trình UBND thành phố phê duyệt.
Từ kinh nghiệm chuyển đổi cây xanh tại các dự án chỉnh trang đô thị trên, cùng với nâng cấp hạ tầng, thành phố Vinh đã mạnh dạn đầu tư thay thế cây xanh tại các tuyến phố Cao Thắng, Hồ Tùng Mậu và Đại lộ Lê Nin, mới đây là đường Nguyễn Văn Cừ và hiện đang triển khai tại đường Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai.
Đơn cử mới đây tại đường Lê Hồng Phong, trong số 511 cây xanh hiện có thì có 89 không phù hợp hoặc đã bị mục ruỗng, nguy cơ gãy đổ cao phải thanh lý, chỉ sử dụng, trồng lại được 85 cây bằng lăng, số còn lại sẽ đánh chuyển đi nơi khác trồng cho phù hợp.
Tương tự, trong số 309 cây xanh hiện hữu tại đường Nguyễn Thị Minh Khai, phải thanh lý 8 cây do mục ruỗng, dịch chuyển đi trồng ở nơi khác 301 cây, chỉ chọn để 45 cây phù hợp để dịch chuyển trồng lại. Trước đó, các cây xanh trên đường Hồ Tùng Mậu, Phan Đình Phùng hay Nguyễn Văn Cừ không còn phù hợp cũng đã được thay thế, di chuyển đến trồng tại các công viên hoặc khuôn viên cơ quan, đơn vị, phường, xã trên địa bàn thành phố.
Lãnh đạo Phòng Quản lý đô thị cho biết: Không chỉ hiện nay mà sắp tới, theo lộ trình đề ra và căn cứ vào điều kiện nguồn lực, thành phố sẽ lần lượt thay thế cây xanh trên các tuyến phố. Ngoài nguồn lực đầu tư từ nguồn ngân sách, thành phố cũng thu hút xã hội hóa bằng khuyến khích các chủ đầu tư dự án, người dân trồng mới cây trên vỉa hè tuyến phố, điểm công cộng theo quy hoạch, thiết kế được duyệt.
Về phía người dân, mong muốn TP Vinh tăng tỷ lệ cây xanh và phát triển hệ thống mạng lưới cây xanh để tạo điểm nhấn cho các tuyến phố. Tuy nhiên trước khi tiến hành thay thế cây xanh tại các tuyến phố nên tham vấn ý kiến các chuyên gia về đô thị và lâm sinh. Bên cạnh đó, cần công khai hóa thông tin, lộ trình thay thế cây xanh trên các tuyến phố để người dân nắm bắt, thấu hiểu và có sự đồng thuận cao./.