Tham gia đoàn công tác có lãnh đạo Sở Ngoại vụ, Ban Quản lý Khu Kinh tế Đông Nam, Sở Công Thương, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng UBND tỉnh và đại diện một số doanh nghiệp tỉnh Nghệ An.
Tiếp đón đoàn có đồng chí Vũ Quang Minh – Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước CHXHCN Việt Nam tại Cộng hòa liên bang Đức.
Tại buổi làm việc, đồng chí Lê Hồng Vinh đã thông báo cho Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước CHXHCN Việt Nam tại Cộng hòa Liên bang Đức về những thành tựu kinh tế – xã hội của tỉnh Nghệ An trong thời gian qua cũng như tình hình hợp tác giữa Nghệ An – Cộng hòa Liên bang Đức.
Theo đó, trong thời gian qua, dù gặp những tác động bất lợi do tình hình chính trị, an ninh, kinh tế thế giới diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, tỉnh Nghệ An đã nỗ lực vượt lên và đạt được những kết quả khá toàn diện trên các lĩnh vực: Quy mô nền kinh tế hiện đứng thứ 10 toàn quốc. Tăng trưởng kinh tế năm 2022 đạt 9,08%, đứng thứ 22 của cả nước; 6 tháng đầu năm 2023, tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 5,79%.
Tổng thu ngân sách năm 2022 đạt 21.805 tỷ đồng (tương đương gần 919 triệu USD); 6 tháng đầu năm 2023 ước thực hiện 8.489,4 tỷ đồng (tương đương gần 358 triệu USD).
Năm 2022, thu hút FDI đạt gần 1 tỷ USD, đứng trong tốp 10 cả nước; 6 tháng đầu năm 2023, thu hút FDI của tỉnh Nghệ An tiếp tục là điểm sáng, hiện đang xếp vị trí thứ 8/63 địa phương trong cả nước.
Nghệ An luôn coi trọng sự hợp tác phát triển với các đối tác đến từ châu Âu, trong đó có Cộng hòa Liên bang Đức. Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại thì tỉnh Nghệ An vẫn chưa có doanh nghiệp nào của Đức đến đầu tư tại Nghệ An.
Về xuất khẩu, năm 2022, tổng kim ngạch xuất khẩu Nghệ An sang Đức đạt 33.247 triệu USD. Mặt hàng chủ yếu: Tôn thép các loại (18,48 triệu USD), hàng dệt may (13,1 triệu USD), hoa quả chế biến và nước hoa quả (1,43 triệu USD), đá ốp lát (55,8 ngàn USD), bật lửa gas (49 ngàn USD), gạo (41 ngàn USD), hạt phụ gia nhựa (12,6 ngàn USD); 8 tháng đầu năm 2023: Tổng kim ngạch xuất khẩu Nghệ An sang Đức ước đạt 28,8 triệu USD, các mặt hàng chủ yếu: Tôn thép các loại (23,5 triệu USD), hàng dệt may (4,7 triệu USD), hoa quả chế biến và nước hoa quả (223 ngàn USD), gạo (120 ngàn USD), đá ốp lát (89 ngàn USD), hạt phụ gia nhựa (30 ngàn USD), máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác (10 ngàn USD).
Về nhập khẩu, tổng kim ngạch nhập khẩu năm 2022 đạt 1,49 triệu USD với các mặt hàng: Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác (935 ngàn USD), thức ăn gia súc và nguyên liệu (555 ngàn USD). 8 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 1,3 triệu USD, trong đó máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác (839 ngàn USD), thức ăn gia súc (234 ngàn USD), nguyên phụ liệu sản xuất (118 ngàn USD), thức ăn gia súc và nguyên liệu (111 ngàn USD), hóa chất (4,7 ngàn USD).
Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh mong muốn, trong thời gian tới, Đại sứ quán Việt Nam tại Cộng hòa Liên bang Đức tiếp tục quan tâm, hỗ trợ, thúc đẩy quan hệ hợp tác đầu tư giữa tỉnh Nghệ An và Đức, trong đó ưu tiên các dự án ở các ngành, lĩnh vực như: Công nghệ cao, công nghệ thân thiện với môi trường, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; sản xuất thiết bị y tế, cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe, giáo dục và đào tạo, du lịch chất lượng cao, dịch vụ tài chính, logistics và các dịch vụ hiện đại khác; phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật hiện đại, đặc biệt là các ngành nghề mới trên nền tảng công nghiệp 4.0…
Phát biểu tại cuộc làm việc, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước CHXHCN Việt Nam tại Cộng hòa Liên bang Đức Vũ Quang Minh ghi nhận những thành tựu trong phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Nghệ An. Đồng chí nhấn mạnh, quan hệ Việt Nam – Đức được thiết lập từ năm 1975, từ đó đến nay, quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước phát triển tích cực, ngày càng sâu rộng, hiệu quả và toàn diện. Từ nhiều năm nay, Đức là một trong những đối tác quan trọng nhất của Việt Nam ở châu Âu. Sự tin cậy và hiểu biết lẫn nhau giữa hai nước ngày càng được tăng cường thông qua duy trì trao đổi đoàn cấp cao và các cơ chế hợp tác. Hai nước đã ký nhiều hiệp định tạo cơ sở pháp lý cho quan hệ hợp tác kinh tế như: Hiệp định tránh đánh thuế hai lần; Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư; các hiệp định hàng hải, hàng không.
Về thương mại, hiện nay CHLB Đức là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam ở châu Âu (chiếm gần 20% xuất khẩu của Việt Nam sang EU) và cũng là cửa ngõ trung chuyển quan trọng của hàng hóa Việt Nam sang các thị trường khác ở châu Âu; đồng thời Việt Nam cũng là đối tác thương mại hàng đầu của Đức tại Đông Nam Á và đối tác lớn thứ 6 của Đức ở châu Á. Đức đóng vai trò tích cực trong quá trình đàm phán và phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư Việt Nam – EU (EVIPA) tại EU.
Đại sứ quán Việt Nam tại Cộng hòa liên bang Đức cam kết sẽ hỗ trợ tỉnh kết nối với các nhà đầu tư Đức, nhất là trên các lĩnh vực mà Nghệ An có lợi thế, phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh; đồng thời kết nối về hợp tác thương mại, dịch vụ, khoa học công nghệ, giáo dục và văn hóa, xuất khẩu lao động.
Cũng trong chuyến công tác của đoàn Nghệ An tại Cộng hòa Liên bang Đức, đoàn đã đến thăm Trung tâm thương mại Đồng Xuân tại Thủ đô Berlin; gặp gỡ các doanh nghiệp, bà con kiều bào người Nghệ – Tĩnh đang sinh sống và làm việc tại Berlin, Đức.
Sáng 6/10, đoàn Nghệ An sẽ tham dự Hội nghị Xúc tiến thương mại Việt Nam – Cộng hòa Liên bang Đức và chương trình giao thương giữa các doanh nghiệp tại Berlin do Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Hiệp hội các phòng Công nghiệp thương mại Đức tổ chức.