Lãi suất đang ở mức thấp lịch sử
Khảo sát biểu lãi suất tiết kiệm của các ngân hàng trên địa bàn Nghệ An cho thấy, hiện nay, nhiều ngân hàng giảm mạnh lãi suất.
Chỉ trong 3 ngày (11-13/12), Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam giảm lãi suất huy động tới 2 lần. Sáng 13/12, BIDV công bố biểu lãi suất huy động trực tuyến mới với mức giảm cao nhất lên tới 0,4%/năm. Cụ thể, kỳ hạn 1-2 tháng giảm 0,4%/năm còn 2,7%/năm; kỳ hạn 3-5 tháng giảm 0,3%/năm còn 3,1%/năm; 6-11 tháng còn 4,1%/năm. Lãi suất kỳ hạn 12-18 tháng là 5%/năm, 24-36 tháng giữ nguyên 5,3%/năm.
Bà Lê Thị Mộng Lý – Phó Giám đốc BIDV Nghệ An cho biết: Có thể thấy đây là mức lãi suất thấp lịch sử. Ngân hàng Nhà nước chủ trương giảm mạnh lãi suất huy động, giảm lãi suất cho vay để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tăng trưởng tín dụng.
Cũng trong nhóm “Big 4”, Vietcombank điều chỉnh giảm lãi suất huy động ở hầu hết các kỳ hạn. Hiện lãi suất tiết kiệm 1 tháng tại Vietcombank chỉ còn 2,2%/năm. Lãi suất tiết kiệm 6 tháng tại Vietcombank chỉ còn ở mức 3,5%/năm.
Đối với các ngân hàng cổ phần, hầu hết các ngân hàng áp dụng lãi suất tiết kiệm 1 tháng quanh mức 3,2% đến 3,5%/năm. Lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 3 tháng phổ biến quanh mức 3,4%/năm đến 4%/năm. Lãi suất tiết kiệm cao nhất kỳ hạn 12 tháng là 5,7% tại OceanBank.
Ông Nguyễn Mạnh Hà – Giám đốc chi nhánh HDBank Nghệ An cho biết: Ngân hàng HDBank chi nhánh Nghệ An hiện đang áp biểu lãi suất kỳ hạn 1-5 tháng là 3,15%/năm, 6 tháng là 5,3%/năm, 12 tháng là 5,5%/năm. Khách hàng gửi tiết kiệm trực tuyến (online) có thể hưởng mức lãi suất cao hơn so với gửi trực tiếp tại quầy từ 0,2% – 0,3%.
Các mức lãi suất tiết kiệm nói trên đều dành cho tiền gửi của khách hàng cá nhân, lĩnh lãi cuối kỳ. Tùy thuộc vào số lượng tiền gửi, đối tượng khách hàng mà các ngân hàng áp dụng những chính sách lãi suất riêng. Ngoài ra, mức lãi suất huy động thực tế có thể thay đổi tùy vào tình hình cân đối vốn của từng chi nhánh ngân hàng…
Điều đáng nói, lãi suất thấp, liên tục được điều chỉnh giảm cũng không khiến dòng tiền gửi tiết kiệm giảm, mà còn tăng mạnh. Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Nghệ An cho biết, hiện Nghệ An đang dẫn đầu khu vực Bắc Trung Bộ về huy động nguồn vốn với kết quả đến 31/10/2023, nguồn vốn huy động đạt 221.353 tỷ đồng, tăng so với đầu năm là 21.562 tỷ đồng, bằng 10,8%. Tăng trưởng này cao hơn mức chung cả nước (cả nước là 7,69%); cao hơn mức cùng kỳ năm 2022 (7,6%).
Đến đầu tháng 11/2023, tổng dư nợ trên địa bàn Nghệ An đạt 277.670 tỷ đồng, so với đầu năm tăng 17.146 tỷ đồng, bằng 6,6%, gần bằng mức chung cả nước là 6,81%. Dư nợ tập trung một số ngành như bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy chiếm 29% tổng dư nợ, so với đầu năm tăng 6,2%; công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 20% tổng dư nợ, so với đầu năm tăng 10%; nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 16% tổng dư nợ, so với đầu năm tăng 3%; Hoạt động làm thuê các công việc trong các hộ gia đình, sản xuất sản phẩm vật chất và dịch vụ tự tiêu dùng của hộ gia đình chiếm 9%, so với đầu năm tăng 2,87%; Hoạt động kinh doanh bất động sản chiếm 4% dư nợ toàn địa bàn, so với đầu năm tăng 5,3%.
Kỳ vọng cho vay cuối năm
Lãi suất tiền gửi giảm mạnh đã tạo điều kiện cho các ngân hàng giảm lãi suất cho vay, tăng trưởng dư nợ. Và thực tế đang có sự chênh lệch lớn giữa tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng thương mại do Nhà nước chi phối và ngân hàng thương mại tư nhân.
Bà Lê Thị Mộng Lý – Phó Giám đốc BIDV Nghệ An cho biết: Tình hình chung toàn ngành ngân hàng khó đạt tăng trưởng tín dụng 13-14% trong năm nay. Riêng BIDV Nghệ An, hiện tăng trưởng huy động và dư nợ đều khá tốt, với mức tăng gần 9%. 2 tháng cuối năm chắc chắn sẽ vượt con số này”.
Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng nhìn chung tại các ngân hàng cổ phần rất thấp. Tại Ngân hàng Quốc tế VIB chi nhánh Vinh, ông Nguyễn Xuân Thông – Giám đốc vùng Bắc Trung Bộ cho biết: Từ đầu năm đến nay, tình hình huy động tiền gửi cơ bản duy trì tốt, đến thời điểm này đạt 5.000 tỷ đồng, tăng 20% so với đầu năm. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, các kênh đầu tư đều khó nên người dân vẫn phải gửi tiền vào ngân hàng. Trong khi đó, cho vay khó khăn, nhìn chung ảm đạm, chúng tôi thừa vốn.
Nếu như năm ngoái các ngân hàng đua nhau hút tiền, cho vay tốt; riêng Ngân hàng Quốc tế VIB chi nhánh Vinh tăng trưởng tín dụng đạt trên 10% thì năm nay nhìn chung rất khó khăn. 10 tháng đầu năm, ngân hàng này tăng trưởng tín dụng “âm”, tháng 11 tình hình khởi sắc hơn, đạt 1-2%, chủ yếu khách hàng cá nhân vay tiêu dùng.
Theo các ngân hàng, càng về cuối năm, tình hình cho vay khá hơn, tăng trưởng dư nợ được dự báo sẽ tốt hơn, tuy nhiên, không thể bằng năm ngoái. Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Nghệ An, dự tính đến hết năm nay, nguồn vốn huy động tại địa bàn ước đạt 225.764 tỷ đồng, so với đầu năm tăng 25.973 tỷ đồng, bằng 13%, mức cùng kỳ năm 2022 (13,9%). Tổng dư nợ của các tổ chức tín dụng trên địa bàn ước đạt 295.628 tỷ đồng, so với đầu năm tăng 24.132 tỷ đồng, bằng 8,8% (tốc độ tăng năm 2022 là 11,9%).
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Nghệ An cho biết: Thời gian tới, Chi nhánh tiếp tục chỉ đạo, điều hành triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm theo chỉ đạo của Chính phủ, của Thống đốc và UBND tỉnh. Thực hiện nghiêm túc các nội dung chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Nghệ An về tín dụng và lãi suất, nắm bắt và theo dõi việc giảm lãi suất cho vay của các đơn vị trong năm 2024; tiếp tục thực hiện các nội dung liên quan Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, trong đó, có chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách Nhà nước; triển khai các gói tín dụng đáp ứng đủ và kịp thời nhu cầu vốn cho sản xuất, kinh doanh, phục vụ nhu cầu đời sống, tiêu dùng chính đáng của người dân, doanh nghiệp, nỗ lực tăng trưởng tín dụng đi đôi với kiểm soát chất lượng tín dụng.
Ngân hàng nhà nước Chi nhánh Nghệ An cũng tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, trong đó, chú trọng thực hiện chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo đúng quy định tại Thông tư 02/2023/TT-NHNN tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, đẩy mạnh Chương trình Kết nối ngân hàng doanh nghiệp. Gắn tăng trưởng hoạt động ngân hàng với mục tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh…
Dư nợ một số chương trình chính sách tín dụng ước đến thời điểm 31/12/2023 trên địa bàn Nghệ An:
Cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp và địa bàn nông thôn ước đạt 131.359 tỷ đồng, tăng 5,2% so với đầu năm, chiếm 44,4% dư nợ toàn địa bàn. Cho vay xuất khẩu ước đạt 3.450 tỷ đồng, so với đầu năm tăng 10,4%. Dư nợ cho vay nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ước đạt 20.235 tỷ đồng, tăng 0,6% so với đầu năm, chiếm 7% dư nợ toàn địa bàn. Cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 07/01/2013 của Chính phủ còn 112 tỷ đồng. Cho vay ưu đãi thực hiện chính sách nhà ở xã hội theo Nghị định 100/NĐ-CP và Thông tư 25/2015/TT-NHNN đạt 444,14 tỷ đồng với 1.239 khách hàng. Cho vay đóng tàu theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP ước còn 142 tỷ đồng.
Cho vay các dự án lớn của tỉnh (vốn đầu tư từ 100 tỷ đồng trở lên) mà ngân hàng đang tài trợ: Hiện có 40 dự án lớn của tỉnh hiện đang được 21 ngân hàng trên địa bàn cho vay, với dư nợ là 12.203 tỷ đồng, tổng số tiền cam kết tài trợ hơn 32.240 tỷ đồng; đã giải ngân 28.377 tỷ đồng của 61 dự án.