Kinh doanh qua mạng ngày càng phổ biến
Người người kinh doanh online, nhà nhà kinh doanh online – đó là xu thế thương mại hiện nay. Trong xã hội bận rộn và để tiện ích cho bản thân, cũng như có thêm nhiều sự lựa chọn, người tiêu dùng đã chuyển sang mua sắm online khá đông và xu thế này thậm chí đang “gây nghiện” đối với không ít người.
Chỉ cần gõ tìm cái gì đó, khoảng 1 giờ sau, hàng trăm trang mạng liên tục gửi đến mặt hàng bạn tìm kiếm, tha hồ để bạn chọn lựa với giá cả cũng công khai minh bạch không kém. Chỉ cần bạn thích, có đủ điều kiện thanh toán bạn sẽ thoả mãn nhu cầu mua sắm qua mạng. Xu hướng kinh doanh và thanh toán qua mạng ngày càng phát triển, nhất là sau dịch Covid-19. Nhiều tiểu thương kinh doanh ở các chợ chuyển sang kinh doanh qua mạng, đóng quầy ốt. Hoạt động kinh doanh tại các chợ, trung tâm thương mại, kể cả các chợ thực phẩm cũng thanh toán qua mạng, thực hiện bằng dịch vụ ship hàng.
Và từ đây tiềm ẩn nguy cơ thất thu thuế VAT càng lớn nếu Nhà nước không kiểm soát hết được hoạt động kinh doanh này.
Tiềm ẩn thất thu thuế
Chỉ cần một thao tác qua mạng, sau khi mua hàng, từ tài khoản của mình, người tiêu dùng có thể chuyển tiền tới người bán hàng. Từ vài chục, vài trăm ngàn cho tới tiền triệu, hàng trăm triệu đồng/ giao dịch. Khi nắm được quy định là ngành Thuế sẽ phối hợp với các ngân hàng để kiểm tra tài khoản của người bán để nắm bắt nội dung chuyển tiền, một số người tiêu dùng đã có ý thức khi ghi nội dung chuyển tiền trong tài khoản, tiện cho ngành Thuế có thể điều tra thêm doanh thu người bán. Ví dụ: Chị A chuyển tiền quần áo, anh B chuyển tiền xi măng… khi giao dịch qua điện thoại. Nhưng dần dần do mua sắm nhiều, do bận rộn và để nhanh chóng, người tiêu dùng đã chỉ bấm thao tác chuyển tiền mà không ghi rõ nội dung chuyển là gì. Điều này gây khó khăn cho ngành Thuế khi kiểm tra tài khoản của người bán (nếu có kiểm tra) và đương nhiên gây nguy cơ thất thu thuế khi mua bán mà không thể kiểm soát được. Việc này cũng đang gây đau đầu cho cơ quan chức năng.
Hiện nay ngành thuế chưa thể thống kê được hiện có bao nhiêu tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân kinh doanh qua mạng bởi địa chỉ không rõ ràng, hoạt động kinh doanh không thường xuyên, trang mạng không ổn định, thoắt ẩn thoắt hiện, kinh doanh theo mùa, theo thời vụ, tên tài khoản giả… Nhưng có thể nhận thấy ngày càng nhiều người kinh doanh qua mạng. Từ học sinh, sinh viên đến công chức, công nhân, cán bộ, tiểu thương…đều có thể kinh doanh và người tiêu dùng qua mạng cũng ngày một nhiều.
Đối với người bán, chỉ cần bạn muốn kinh doanh và có tài khoản, có khả năng giao tiếp qua mạng, thậm chí không cần vốn là bạn có thể kiếm tiền từ kinh doanh qua mạng khi làm trung gian lấy hàng nơi này lại nhờ ship giao hàng cho người khác.
Chị Nguyễn Thị Thao ở phường Quang Trung (TP. Vinh) cho biết: Chúng tôi lấy các “kho hàng” giá rẻ trên mạng, từ đó kết nối với người muốn mua và làm trung gian cho các giao dịch, không cần vốn. Từ đó, nhờ hệ thống ship chuyển đến người mua.
Từ đây, có thể phân tích ra các lỗ hổng thất thu thuế.
Thứ nhất, cơ quan Thuế không hoặc chưa quản lý được hoạt động của người bán, không biết người bán ở đâu, địa chỉ thế nào, kinh doanh những mặt hàng gì, doanh thu bao nhiêu, từ đó không tính được doanh thu tính thuế. Các cán bộ, nhân viên của cơ quan Thuế được cử đi thu thuế nếu không kết bạn trên mạng với người bán, không thông thạo được các hoạt động của người bán (bán vào các nhóm, hội chợ nào trên mạng, bán qua bạn Facebook, Zalo, Instagram của mình với các nhóm kín, tin nhắn kín) thì sẽ không nắm được doanh thu và “đường đi nước bước” của người bán.
Thứ hai, nếu dùng sự phối hợp của cơ quan Thuế với các ngân hàng thương mại để nắm được hoạt động doanh thu của người bán thì vẫn có thể bị thất thu thuế. Chẳng hạn trường hợp người bán không quy định người mua chuyển tiền đến trực tiếp vào tài khoản của người bán mà quy định người mua chuyển tiền đến mạng lưới vận chuyển.
Anh Hoàng Trung Ba – một khách hàng mua hàng trên mạng cho biết: Một trang mạng nổi tiếng bán về quần áo thời trang nhưng khi mua hàng lúc thì thấy chuyển về tài khoản này, lúc lại đề nghị chuyển cho ship khác. Cuối ngày hay cuối tuần những người ship mới chuyển tiền thanh toán cho công ty dịch vụ ship hoặc chuyển cho người bán, từ đây với nội dung chuyển khoản không ghi rõ dịch vụ, cơ quan Thuế cũng không có căn cứ để tính thuế nếu có kiểm tra. Không ít cơ sở bán hàng đã sử dụng rất nhiều ship giao hàng, hoặc thời gian này sử dụng ship này, thời gian sau sử dụng ship khác nhằm tránh sự “để mắt” của cơ quan Thuế. Chính đội ngũ ship này là sự “hợp lý hoá” doanh thu bán hàng cho người bán, họ hoàn toàn đứng ra nhận tiền mà khó biết ai kinh doanh.
Mới đây, tại các thành phố lớn đã vào cuộc truy lùng các cá nhân chủ những trang mạng có thu nhập tiền tỷ, chục tỷ đồng từ các hoạt động đăng tải các clip lên và thu được rất nhiều tiền từ quảng cáo thu hút được rất nhiều người xem.
Ở Hà Nội, một cá nhân đã kiếm được 80 tỷ đồng từ các kênh giải trí từ các ứng dụng. Sau khi được hỗ trợ hướng dẫn nộp thuế, nếu không thực hiện, cá nhân trên sẽ bị xử lý theo quy định. Chủ một kênh giải trí tại huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh vừa hoàn tất việc nộp số tiền thuế 810 triệu đồng bị truy thu. Các trang mạng có lượng truy cập cao, thu nhập lớn đang là một bất cập trong quản lý thuế ở nhiều địa phương nếu thiếu các lực lượng và am hiểu về hoạt động mạng để tham mưu, xử lý.
Ngành Thuế vào cuộc ra sao?
Nhận thấy tình trạng khó khăn trên, Bộ Tài chính, Tổng Cục Thuế đã chỉ đạo Cục Thuế các địa phương đấu tranh phòng, chống các hành vi gây thất thu thuế trên lĩnh vực này. Như Tổng Cục Thuế gửi danh sách các trang mạng lớn để phối hợp truy thu. Tuy nhiên như đã phân tích trên, số lượng người kinh doanh và người tiêu dùng ngày một lớn trên mạng chưa thể kiểm soát được.
Trao đổi về vấn đề này, ông Đinh Viết Dũng – Chi cục phó Chi cục Thuế Bắc Nghệ II cho biết, hiện Chi cục đưa vào quản lý và lập bộ các dữ liệu, trang mạng được Tổng Cục cung cấp, bên cạnh đó, yêu cầu và vận động người dân kê khai nộp thuế. Nộp có hai cách, một là truy thu số thuế trước đây từ năm 2022 trở về trước, hai là năm 2023 đưa vào lập bộ.
Để quản lý người bán, đến thời điểm hiện tại, Chi cục Thuế Bắc Nghệ II đã lập bộ được 20 hộ kinh doanh trên nền tảng số. Một số hộ đã lập bộ quản lý kinh doanh trên thực tế (chợ, quầy ốt), nhưng sau đó khi điều tra nhận thấy có hoạt động bán hàng qua mạng, thì Chi cục Thuế khảo sát để tăng mức thu thuế cho phù hợp. Một số hộ đã phải đồng ý với mức tăng thuế của cơ quan Thuế đề ra. Tuy nhiên, cơ quan Thuế phải có chứng cứ, phải điều tra được.
Ông Dũng cũng cho biết thêm, thông tin dữ liệu trên mạng, nhiều lúc chưa có cơ sở pháp lý để kiểm tra tính xác thực, ví dụ, người ở Diễn Châu nhưng ghi địa chỉ trang Facebook ở Vũng Tàu chẳng hạn… Khi Chi cục Thuế đề nghị ngân hàng cung cấp dữ liệu người bán thì ngân hàng cũng cung cấp, nhưng một số giao dịch không tính thuế được do không thể hiện rõ nội dung giao dịch.
Ở Chi cục Thuế Vinh, 6 tháng đầu năm đã truy thu, xử lý được 29,9 tỷ đồng, giảm lỗ 72,4 tỷ đồng. Khai thác thêm nguồn thu từ thương mại điện tử được 8,4 tỷ đồng. Cục Thuế Nghệ An có lần gửi thông báo tới một số ngân hàng nhờ hỗ trợ nhưng không có kết quả, hoặc kết quả không đáng kể do ngân hàng cũng không có nhiều thông tin người bán và giao dịch không thể hiện nội dung.
Một số Chi cục Thuế cũng thừa nhận là hiện nay ngành Thuế mới quản lý được các trang bán hàng lớn, còn nhiều trang mạng nhỏ chưa có dữ liệu để quản lý thuế hoặc xác định nguồn doanh thu dưới 100 triệu đồng/ tháng cũng chưa đưa vào lập bộ.
Một số Chi cục Thuế cũng đang tìm kiếm người bán hàng một cách thủ công bằng cách giao cán bộ trẻ tìm kiếm người bán hàng trên mạng. Tuy nhiên, hoạt động này cũng đang có những hạn chế nhất định. Một hoạt động khác để quản lý thuế nữa đó là Chi cục Thuế kết bạn Zalo với người nộp thuế dưới dạng các hoạt động tư vấn, hỗ trợ chính sách, nhờ vậy cũng nắm bắt được hoạt động của người nộp thuế tốt hơn.
Ở Chi cục Thuế Sông Lam 1, ông Mai Văn Đông cho biết: Thực hiện đề án phát triển nguồn thu, chống thất thu ngân sách, Chi cục đã thực hiện được số tiền 20,106 tỷ đồng trong năm 2022, trong đó chống thất thu thuế kinh doanh vận tải là 218,4 triệu đồng, chống thất thu thuế trong chuyển nhượng bất động sản là 19,75 tỷ đồng (3.911 hồ sơ) và chống thất thu thuế thương mại điện tử được 137,4 triệu đồng. Riêng chống thất thu thuế kinh doanh qua mạng Chi cục Thuế Sông Lam 1 triển khai được 9 hồ sơ. 6 tháng đầu năm 2023, Chi cục thu được từ các hoạt động này là 3,6 tỷ đồng, trong đó chủ yếu thu từ các hoạt động chuyển nhượng đất và tài sản trên đất, kinh doanh qua mạng chưa có kết quả.
Hiện nay, ngành Thuế Nghệ An đang tập trung chỉ đạo chống thất thu lĩnh vực này, bao gồm phối hợp với các ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng, phối hợp với các ngành trong điều tra khảo sát các giao dịch, dịch vụ chuyển phát, bưu chính, bổ sung nhân lực để nắm bắt, nhất là trong bối cảnh sử dụng hoá đơn điện tử và nộp thuế điện tử.
Theo quy định tại Khoản 1, Điều 3, Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007, được sửa đổi bởi Khoản 1, Điều 2, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế năm 2014, thu nhập từ kinh doanh của cá nhân có doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở xuống sẽ không phải chịu thuế. Điều này có nghĩa rằng nếu doanh thu hằng năm trên 100 triệu đồng thì cá nhân kinh doanh buộc phải nộp thuế và các cá nhân nhận thu nhập từ tổ chức như Facebook, YouTube, Google,… được xếp vào dạng cá nhân kinh doanh chứ không phải cá nhân nhận tiền lương, tiền công từ các tổ chức nước ngoài. Tuy nhiên, để xác định được các hộ kinh doanh trên mạng có doanh thu bao nhiêu thì cơ quan Thuế nhiều nơi chưa làm được.