Trong năm nay, nhiều cuộc hội thảo, thảo luận xảy ra ở nhiều nơi, công luận cũng nóng lên trên các mặt báo về một hình thức khu thương mại tập trung mới được đặt ra. Loại khu thương mại tập trung này mang tên “Khu thương mại tự do”. Những địa phương có sân bay quốc tế lớn hay có cảng nước sâu như Hải Phòng, Đà Nẵng, Khánh Hòa, TP. Hồ Chí Minh,… lại càng quan tâm mạnh hơn về khu thương mại tự do như một tư duy “đón đầu” sự phát triển.
Về chiều sâu của thương mại tự do, tôi vẫn tư duy về các mặt hàng sản xuất tại Việt Nam, mang thương hiệu Việt Nam, do người Việt Nam làm ra được hâm mộ, yêu thích, và tìm kiếm trên thương trường quốc tế. Khu thương mại tự do chỉ là một mắt xích trong vòng quay thương mại giữa Việt Nam và các nước, có tác động làm vòng quay này nhanh hơn và hiệu quả hơn, nhưng yếu tố quan trọng hơn vẫn là hàng hóa nào quay trên vòng quay đó.
Tôi lại nhớ về một sự tích vui mà tôi được chứng kiến ngay trước khi bước sang năm 2000. Lúc đó, Chương trình quốc gia về công nghệ thông tin được coi là trọng điểm và vai “đạo diễn kỹ thuật” được giao cho GS. Phan Đình Diệu. Trước năm 2000, cần có đề xuất về các dự án trọng điểm sẽ triển khai sau năm 2000. Các Bộ, ngành, và các nhóm chuyên gia đề xuất rất nhiều dự án “tầm cỡ”, trong đó có một dự án rất lớn mang tên “Xa lộ thông tin cao tốc”, còn lại là các dự án chỉ về trang thiết bị phần cứng và phần mềm máy tính. Nhìn tổng thể, GS. Diệu đưa ra ý kiến rằng chúng ta đang hướng tới một “xa lộ thông tin” hiện đại, nhưng cái gì sẽ chạy trên xa lộ đó thì lại chưa thấy. Cách tư duy này cho thấy chúng ta đang say sưa với đường dẫn thông tin, nhưng thông tin được làm ra như thế nào lại chưa thấy. Vậy là dự án lớn nhất “Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia” được ra đời.
Tất nhiên, hình thức khu thương mại tự do gắn với các hiệp định thương mại tự do có ý nghĩa quan trọng, nhưng việc tạo dựng các hàng hóa được ưa chuộng mang thương hiệu Việt Nam để đưa vào thương mại tự do có vai trò quan trọng hơn.
Lịch sử phát triển loài người cho thấy thương mại là một hoạt động kinh tế mang lại lợi ích lớn cho mỗi con người và mỗi quốc gia. Các hoạt động dịch vụ thương mại đã tạo nên các quốc gia giàu có, cổ nhân vẫn hay nói “phi thương bất phú” là vậy. “Con đường tơ lụa” từ Trung Hoa sang Tây Á hình thành từ đầu Công nguyên luôn là hình ảnh thương mại quốc tế cho đến nay. Ác liệt hơn, hầu hết những cuộc chiến tranh cũng chỉ vì mở rộng thị trường bằng bạo lực.
Sau Đại chiến thế giới 2, phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới đã kết thúc chủ nghĩa thực dân kiểu cũ. Nhật Bản là quốc gia đòi chia lại thế giới đã thất bại, nhưng họ đã tư duy ra “chủ nghĩa thực dân kiểu mới” với khẩu hiệu “hàng hóa Nhật tới đâu thì biên giới Nhật tới đó”. Nhật Bản đã trở thành cường quốc kinh tế thứ 3 thế giới chỉ 20 năm sau thất trận.
Đến nay, hình thức mở rộng thị trường bằng các hiệp định thương mại tự do giữa 2 quốc gia, giữa các quốc gia trong một nhóm quốc gia, giữa một quốc gia với một nhóm quốc gia hay giữa 2 nhóm quốc gia đã hình thành và phổ biến. Ý nghĩa thuật ngữ “thương mại tự do” được hiểu theo nghĩa miễn thuế hoặc giảm thuế đi tới miễn thuế và giảm dần đi tới không còn hạn chế lượng hàng hóa xuất, nhập khẩu, vẫn gọi là hạn ngạch (Quota).
Bên cạnh các thống nhất về thể chế thương mại, các quốc gia còn muốn cam kết về thể chế chính trị, xã hội mà có tác động đến thương mại và các cam kết về yếu tố đảm bảo bền vững xã hội và môi trường. Các cam kết thêm dạng này được gọi là cam kết thương mại tự do kiểu mới.
Chúng ta đều biết rõ thông tin về Việt Nam đã gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) từ tháng 1/2007, đánh dấu sự hội nhập toàn diện của Việt Nam vào nền kinh tế thế giới. Đến nay, Việt Nam đã ký kết 12 Hiệp định Thương mại tự do song phương và đa phương, trong đó có 2 Hiệp định thương mại tự do kiểu mới thuộc nhóm đầu thế giới. Thứ nhất là Hiệp định EVFTA với 27 thành viên của Liên minh châu Âu và thứ hai là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương CPTPP với 11 quốc gia thuộc châu Á, Thái Bình Dương. Việt Nam đã có một thị trường rất rộng lớn được ưu đãi tối đa về thuế quan và hạn ngạch. Vấn đề còn lại là Việt Nam làm thế nào để năng lực cạnh tranh của nền kinh tế “ngang ngửa” với các đối tác.
Sau các hiệp định thương mại tự do (FTA), các quốc gia tham gia phải tìm cách tổ chức thực hiện trong một môi trường thương mại quốc tế với nhiều hiệp định khác nhau, nhiều cam kết khác nhau. Mô hình các khu thương mại tự do (FTZ – Free Trade Zone) là phù hợp để thực hiện thuận lợi thương mại tự do với các quốc gia cùng tham gia các hiệp định. Các quốc gia khác đều có khá nhiều khu thương mại tự do như Batam, Bintang ở Indonesia; Clark và Subic ở Philippines; Port Klang, Tanjung Pelepas ở Malaysia. Nước nhỏ như Singapore cũng có 9 và nước lớn như Trung Quốc có tới 21 khu thương mại tự do, trong toàn bộ tỉnh Hải Nam là khu thương mại tự do lớn nhất thế giới.
Từ kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới, có thể rút ra một số yêu cầu về khu thương mại tự do như sau:
1. Cần một khung pháp luật hợp lý để tạo hành lang pháp lý cho phát triển thương mại quốc tế với thị trường lớn hơn và nhiều ưu đãi hơn, và cũng để kiểm soát các hành vi lợi dụng để gian lận thương mại. Mặt khác, khung pháp luật phải tương thích với các thông lệ quốc tế về giải quyết tranh chấp thương mại, xung đột lợi ích,…
2. Khu thương mại tự do là một mắt xích trong một hệ sinh thái cộng sinh giữa kinh tế nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ quốc gia gắn với thương mại quốc tế thông qua hệ thống dịch vụ logistics thuận lợi và giá rẻ, trong đó tính cộng sinh dựa trên mô hình kinh tế tuần hoàn (xả thải ra môi trường ít nhất), phát triển xanh và thông minh.
3. Các thủ tục hành chính về hải quan, thuế quan, ngoại thương phải đơn giản, nhanh chóng để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp, nhưng cũng phải kiểm soát chặt chẽ các gian lận thương mại có thể xảy ra.
4. Các khu thương mại tự do được quy hoạch riêng biệt cho mục tiêu ngoại thương, gần các tuyến giao thông hàng hải, hàng không, đường bộ, đường sắt quốc tế, nhưng cũng phải có kết nối thuận lợi với các khu nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ trong nước để sao cho vận chuyển hàng hóa nhanh chóng và chi phí thấp nhất.
5. Các khu thương mại tự do được coi như các điểm cửa ngõ kinh tế với quốc tế, có khả năng thúc đẩy toàn bộ nền kinh tế quốc gia phát triển theo.
Hiện nay, rất nhiều địa phương có cảng biển nước sâu, sân bay quốc tế, hành lang kinh tế Đông – Tây đang muốn đẩy mạnh việc xây dựng các khu thương mại tự do. Một trở ngại lớn là chưa có khung pháp lý. Các nơi đều bị trả lời là hãy xin phép thử nghiệm đã, khung pháp lý sẽ tính tiếp sau. Pháp luật ở nước ta rất nhiều, nhưng mọi phát triển đều chưa có pháp luật dẫn đường.
Nghĩ về Nghệ An trong quá trình phát triển, đây đã là vùng công nghiệp từ thời Pháp, diện tích rộng nhất cả nước, có đường bờ biển dài 82 km với nhiều bãi biển đẹp, vùng đồng bằng ven biển có tiềm năng lớn về nông nghiệp, vùng núi miền Tây có nhiều tài nguyên thiên nhiên quý và có 9 huyện thuộc vùng đã được UNESCO công nhận là vùng dự trữ sinh quyển thế giới.
Ngoài việc vùng Vinh – Bến Thủy đã có truyền thống công nghiệp từ xưa, đến nay được nối với thị xã Cửa Lò với vai trò kinh tế dịch vụ và logistics để tạo thành một khu kinh tế phức hợp ở Đông Nam. Cửa Lò được quy hoạch và phát triển thành cảng nước sâu, sân bay Vinh đang được vận hành trong hệ thống đường bay trong nước. Khi kinh tế phát triển, sân bay Vinh có thể được xây dựng và nâng cấp thành sân bay quốc tế của vùng Bắc Trung Bộ. Như vậy, đường hàng hải và hàng không ở đây hoàn toàn có thể từng bước phát triển để đáp ứng được nhu cầu của một khu thương mại tự do.
Về khả năng phát triển đường bộ và đường sắt quốc tế, quy hoạch cả nước cũng đã đề cập tới hành lang kinh tế Đông – Tây từ Cửa Lò đến cửa khẩu Thanh Thủy (Thanh Chương) tiếp giáp với Lào để nối vào hành lang kinh tế Đông – Tây quốc tế EWEC dài 1.450km từ Đà Nẵng qua Lao Bảo qua Lào, Thái Lan tới Myanmar và chờ phát triển tiếp tới phía Ấn Độ, rồi có thể xa hơn nữa. Điều này có nghĩa là Cửa Lò có cơ hội nối vào tuyến đường bộ quốc tế trong tương lai. Ở tương lai xa hơn nữa, tuyến đường bộ quốc tế này có thể phát triển thành tuyến đường sắt quốc tế.
Từ những phân tích trên cho thấy, có thể xây dựng một khu thương mại tự do ở Cửa Lò gắn với cảng nước sâu tại đó, cũng là đầu mối hành lang kinh tế Đông – Tây cục bộ để nối vào hành lang kinh tế Đông – Tây quốc tế EWEC. Cửa Lò được kết nối thuận tiện với sân bay Vinh (tương lai sẽ là sân bay quốc tế). Như vậy, về mặt dịch vụ logistics giao thông là có thể tạo lập được.
Vấn đề cuối cùng là phát triển hệ sinh thái nông nghiệp – công nghiệp – dịch vụ ở Nghệ An nói chung và vùng kinh tế Vinh – Cửa Lò nói riêng như thế nào để có thể sản xuất hàng hóa phục vụ xuất khẩu dựa vào các hiệp định thương mại tự do. Trong lý thuyết phát triển hiện đại, nguồn nhân lực chất lượng cao là yếu tố quan trọng nhất. Từ đó sẽ chủ động được công nghệ cao.
Nghệ An vẫn được coi là “đất học”, tri thức con người sẽ dẫn lối cho kinh tế vượt lên.