Tiền lương thấp, không đủ sống, cơ chế trả lương cào bằng
Trao đổi trên với báo chí về vấn đề cải cách tiền lương, ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, đây là lần cải cách tiền lương thứ 5, sau 4 lần cải cách vào các năm: 1960, 1985, 1993 và năm 2003.
Nhìn tổng thể về chính sách tiền lương hiện nay, có thể thấy thành công lớn nhất là góp phần ổn định được kinh tế vĩ mô, hài hòa mối quan hệ giữa phân phối – tiêu dùng, “cái bánh” ngân sách chia cho đầu tư phát triển, trả nợ và dự phòng, chứ không chỉ để dành chi thường xuyên (trong đó có trả lương).
Nhưng chính sách tiền lương hiện hành đang tồn tại những hạn chế, bất cập. Trước hết phải nói lương thấp, không bảo đảm nhu cầu sống cơ bản. Cơ chế lương cào bằng, bình quân, không công bằng khi người làm tốt và người không làm tốt đều trả như nhau dẫn đến triệt tiêu động lực lao động, ông Phạm Minh Huân nêu quan điểm.
Theo ông, về mặt khoa học, phải tổ chức bộ máy sao cho tinh gọn, nhưng thực tế vẫn còn cồng kềnh, kém hiệu lực, hiệu quả. Tỷ lệ cán bộ công chức không đáp ứng được yêu cầu công việc còn cao. Đây là lực cản lớn.
Bên cạnh đó, thiết kế hệ thống lương hơi phức tạp, chỉ phù hợp với giai đoạn những năm 1993, nhưng kéo dài mấy chục năm lại lỗi thời.
Mặt khác, cơ chế trả lương thiếu sự đánh giá gắn với kết quả làm việc. Cho nên dẫn đến hiện tượng “sáng cắp ô đi, tối vác về”, cứ “bình chân như vại”, khác với khu vực thị trường, trả lương dựa vào kết quả làm việc. Vì thế, khi khu vực thị trường phát triển mạnh, nhiều người giỏi sẽ rời khỏi khu vực công.
Cải cách tiền lương là “không còn đường lùi”
Nêu quan điểm về lộ trình thực hiện cải cách tiền lương từ ngày 1/7/2024 và trả lương theo vị trí việc làm, ông Phạm Minh Huân đánh giá cao quyết tâm chính trị của Đảng và Nhà nước về cải cách tiền lương.
Theo ông việc cải cách tiền lương là “không còn đường lùi, chúng ta không thể kéo dài chế độ tiền lương như hiện nay”. Quyết tâm đó thể hiện trước hết là việc bố trí nguồn tiền cải cách tiền lương.
Ông Huân cho biết, trong các lần cải cách tiền lương trước, đây là vấn đề khó khăn nhất. Tuy nhiên, lần này Chính phủ đã tích lũy, tiết kiệm được một nguồn lực đáng kể để thực hiện cải cách tiền lương.
Nội dung cụ thể đã được thể hiện trong Nghị quyết số 27-NQ/TW năm 2018 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.
Cải cách tiền lương từ ngày 1/7/2024 là phù hợp
Ông Phạm Minh Huân cho rằng, chọn mốc 1/7/2024 để thực hiện cải cách tiền lương là phù hợp. Từ tháng 7 năm 2024 sẽ thực hiện trả lương theo vị trí việc làm thay vì định biên như trước đây vốn có nhiều bất cập.
Thí dụ, một cơ quan nhà nước năm nay định biên 200 người, năm sau tăng lên 20 người nhưng cơ sở cho việc tăng không có hoặc không rõ.
Theo ông Phạm Minh Huân, trả lương theo vị trí việc làm cũng phải xuất phát từ việc rồi mới phân người, chứ không phải từ người mới phân việc.
Cần xác định lại trong một bộ có bao nhiêu vụ, một vụ có bao nhiêu việc, một việc cần bao nhiêu người, rồi từ đó sắp xếp lại nhân sự, cắt giảm, điều chuyển sao cho đúng vị trí việc làm. Mô hình này nhiều nước vận hành rất tốt.
Đánh giá cán bộ, công chức phải gắn với tiền lương
Do đó, phải xác định rõ, thực hiện trả lương theo vị trí việc làm bản chất là tinh giản biên chế, thậm chí phải thu hút người tài vào bộ máy để thay đổi. Cùng với đó, cần gắn trả lương với cơ chế đánh giá cán bộ, công chức.
Việc này rất khó, một công chức lương cơ bản đang cao giờ làm không tốt bị giảm lương dễ dẫn đến bất bình, kiện tụng. Nhưng khó cũng phải quyết tâm làm, phải xây dựng được một phương thức đánh giá và thực hiện việc đó.
Xếp lương chỉ là ban đầu, sau này trả lương gắn với hiệu quả công việc, mức độ đóng góp. Làm việc kém phải giảm lương, làm tốt phải tăng lương.
Theo ông Phạm Minh Huân, hiện nay, chúng ta chủ yếu đánh giá cán bộ công chức gắn với tiền thưởng, nhưng quan trọng là đánh giá, phải gắn với tiền lương, như vậy cải cách tiền lương mới có chiều sâu và thực sự thành công.
“Nếu không làm được việc này thì không thể giữ được người giỏi chứ đừng nói đến thu hút người tài vào bộ máy”, ông Phạm Minh Huân nhấn mạnh.
Không đánh giá được cán bộ, công chức thì tăng lương vô nghĩa
Theo ông Phạm Minh Huân, “chưa cần nói đến chuyện tăng nguồn trả lương, mà chỉ cần tinh giản biên chế, có những cơ quan có thể tinh giản một nửa biên chế thì riêng tiền để trả lương đã tăng gấp đôi”.
Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm làm việc này và khi tinh giản phải giữ nguyên quỹ lương cho cơ quan đó để có động lực. Nếu chưa làm ngay được tất cả thì tạo ra mô hình để từ đó nhân rộng.
Theo Nghị quyết số 27-NQ/TW, lương cơ sở và hệ số lương như hiện nay sẽ bị bãi bỏ, thay vào đó là các bảng lương mới phản ánh đúng năng lực thực chất và khả năng đáp ứng công việc của cán bộ công chức, viên chức…
Chính sách tiền lương mới sẽ thiết kế cơ cấu tiền lương mới gồm: lương cơ bản (chiếm khoảng 70% tổng quỹ lương) và các khoản phụ cấp (chiếm khoảng 30% tổng quỹ lương). Bổ sung tiền thưởng (quỹ tiền thưởng bằng khoảng 10% tổng quỹ tiền lương của năm, không bao gồm phụ cấp). Như vậy, khu vực hành chính cũng có tiền thưởng.
Ông Phạm Minh Huân cho rằng, có một bài toán nữa là phải mở rộng quan hệ tiền lương, nhưng mở là bao nhiêu? Hiện nay, thấp nhất là người lao động hưởng lương cơ sở, cao dần lên cho đến cao nhất là lương Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội…
Quan hệ này có các mốc, thí dụ lương cơ sở là 1, hệ số lương người tốt nghiệp đại học ra trường là 2,34 (hệ số nhân với mức lương cơ sở hiện nay), hệ số lương của Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ có 2 bậc là 9,7 và 10,3.
“Năm 1993, khi chúng tôi làm cải cách tiền lương, Bộ trưởng Lao động – Thương binh và Xã hội Trần Đình Hoan lúc bấy giờ chỉ ước ao đến năm 2000 lương Bộ trưởng được 1.000 USD mỗi tháng. Đến nay lương Bộ trưởng còn xa mức 1.000 USD”, ông Phạm Minh Huân chia sẻ.
Vấn đề là nếu mức lương của người cao nhất không tăng lên thì ở dưới cũng không tăng được, không mở thì sẽ sít lại với nhau. Trong thiết kế lương theo hình chóp, người hưởng lương cao nhất không quan trọng vì là số rất ít, nhưng người hưởng lương trung bình mới quan trọng vì chiếm đa số ở dưới.
Người mới ra trường có hệ số là 2,34 hiện nhận mức lương hơn 4 triệu đồng, trong khi mức lương trung bình của thị trường là 7 triệu đồng, mới chỉ gần bằng một nửa. Bây giờ làm sao nâng lên 7 triệu?
Ông Phạm Minh Huân cho rằng làm công chức không giàu được nhưng phải bảo đảm sống được bằng lương, ở mức trung bình khá thì bộ máy mới trong sạch. Phải thay đổi cơ chế quản lý tiền lương.
Nếu vấn đề tổ chức hệ thống biên chế tốt rồi thì chúng ta đưa hệ thống lương mới vào, còn nếu chưa tốt mà đưa vào cũng không nhiều tác dụng. Nếu không đánh giá lại chất lượng cán bộ công chức thì tăng lương, dù tăng thấp cũng là vô nghĩa.
Khu vực công thì làm từng bước, còn đối với khu vực sự nghiệp phải mạnh mẽ thay đổi, phân loại, nếu đủ điều kiện chuyển dần sang cơ chế tự chủ. Bác sĩ thì để cho người bệnh trả lương, giáo viên thì để người học trả lương…
Trả lương đúng là một sự đầu tư cho phát triển
Ông Phạm Minh Huân nhấn mạnh: Lương phải thiết kế sao cho người nào có năng lực, có cống hiến nhiều thì nhanh chóng được lên ngạch lương cao hơn, vị trí công việc cao hơn. Về thiết kế thì có nhưng chúng ta chưa làm được việc đó.
Hiện nay cứ tuần tự như tiến, chuyên viên phải mất thời gian để tiến gần rồi sau đó lên chuyên viên chính, thậm chí có trường hợp chuyên viên làm việc của chuyên viên chính, chuyên viên chính làm việc của chuyên viên cao cấp, còn chuyên viên cao cấp thì làm việc ít nhưng hưởng lương cao nhất, chưa kể có chuyện cho người sắp về hưu lên chuyên viên cao cấp nhưng không làm việc của chuyên viên cao cấp.
Thiết kế, tổ chức kiểu này phải thay đổi lại, lương phải trả đúng người, đúng việc, tăng giảm phải căn cứ vào kết quả công việc. Trả lương đúng là một sự đầu tư cho phát triển. Kinh tế phát triển mới làm “cái bánh” ngân sách to lên được. Nếu “bánh” không to, thì lương như cái chăn quá hẹp, người này ấm thì kẻ khác lạnh.
Ông Huân cho biết, trước đây, mỗi lần tăng lương, vì ngân sách eo hẹp tôi chứng kiến Bộ Tài chính “than”: Tăng lương lên thì những thứ khác phải giảm xuống. Chúng tôi từng tính cứ tăng 10.000 đồng tiền lương cơ sở thì quỹ lương tăng khoảng 50.000 tỷ đến 60.000 tỷ đồng. Đó là một con số khổng lồ gây áp lực rất lớn lên ngân khố quốc gia. Nguồn lực tiền lương khác với các chính sách khác, khi đã đưa vào gốc rồi thì năm sau phải đắp lên, đây là vấn đề không đơn giản.